Lại thêm một nhà máy được xây từ năm 2007 đến nay đang... “đắp chiếu” |
Những sự việc này càng gây bức xúc cho xã hội, cho những người dân nộp thuế, nhất là trong bối cảnh ngân sách eo hẹp và nợ công hiện nay.
Với những dự án như thế thì trả nợ sẽ thế nào, hiệu quả của nền kinh tế sẽ đi đến đâu, cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp Việt trong môi trường hội nhập mới thế nào?
Mọi so sánh là khập khiễng, tuy nhiên có thực tế là Tập đoàn Hòa Phát cũng đầu tư liên hợp sản xuất thép từ năm 2007. Chỉ khác dù tổng công suất hai giai đoạn lên đến 850.000 tấn/năm, Hòa Phát chỉ mất khoảng 5 năm xây dựng và 5.700 tỉ vốn đầu tư.
Trong khi đó, dự án do Công ty cổ phần (TISCO - chủ yếu vẫn là vốn nhà nước) công suất chỉ 500.000 tấn/năm thì cần đến 8.104 tỉ.
Và điểm khác nữa là trong khi Hòa Phát đã đưa giai đoạn 1 dự án vào sản xuất từ năm 2010, giai đoạn 2 vào năm 2012, doanh thu trên 35.000 tỉ và đã đem lại trên 3.300 tỉ lợi nhuận sau thuế thì TISCO vẫn... chưa đàm phán xong với nhà thầu để tiếp tục dự án.
TISCO đã được bơm thêm 1.000 tỉ từ Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, rồi được các ngân hàng cơ cấu lại nợ theo chỉ đạo để tiếp tục dự án. Có nhiều lý do được đưa ra để cần phải hỗ trợ TISCO.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra nếu là một doanh nghiệp tư nhân, dự án Gang thép Thái Nguyên có được “cứu” như vậy không? Rồi việc cứu TISCO có công bằng với các doanh nghiệp khác khi họ chỉ được dùng chính nguồn vốn của mình để phát triển, rồi sau đó có thể phải cạnh tranh với chính TISCO?
Đây chính là giá phải trả, là thời điểm để cơ chế thị trường nói lên tiếng nói có đủ uy lực để đòi hỏi sự bình đẳng trong cạnh tranh, về sự tôn trọng những nguyên tắc cơ bản và tối thiểu của thị trường.
VN đang tích cực tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Nhưng hiệu quả không phải ở đâu xa, mà từ chính những dự án như dự án của TISCO.
Có nhiều lý do được đưa ra như chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém, nhưng cơ chế phân bổ nguồn lực quốc gia, cách thực hiện đầu tư, hệ thống trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của chủ dự án và trách nhiệm giám sát của cơ quan chức năng ra sao... phải được đặt ra.
Vì sao có hàng loạt “vấn đề” trong ký kết, thanh toán tiền cho nhà thầu Trung Quốc mà cả một bộ máy vận hành, với đầy đủ chức năng, quyền hạn và quyền lợi mới phát hiện sau một quãng thời gian đủ để dự án mất đi tính hiệu quả?...
Hàng loạt cơ chế đang được đề nghị áp dụng để “cứu” dự án của TISCO, nhưng liệu dự án có trở nên hiệu quả hơn khi vốn bỏ ra đã gấp hơn hai lần dự tính? Đó là chưa kể công nghệ lựa chọn cách đây đã lâu, chúng sẽ cạnh tranh thế nào với chính thép Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ?
Thêm nữa, gần 4.000 tỉ nữa sẽ phải bỏ thêm để hoàn thiện dự án. Câu hỏi lớn nhất: có nên bỏ thêm không hay nên dừng dự án? Nếu dừng, chắc đời sống của 6.000 lao động TISCO sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trên góc độ quốc gia, nếu bỏ gần 4.000 tỉ vào mà không hiệu quả bằng đầu tư số tiền đó cho dự án khác thì có nên tính lại? 6.000 người bị ảnh hưởng việc làm, nhưng gần 4.000 tỉ hoàn toàn có thể tạo ra việc làm cho hơn 6.000 người khác với hiệu quả lớn hơn cho đất nước?
Đây là điều các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, trả lời. Đầu tư vào đâu là quyền của Nhà nước. Nhưng nguyên tắc tối hậu phải là lợi ích quốc gia tổng thể chứ không thể là lợi ích “nhóm” cục bộ và xung đột với lợi ích chung.
Về điều này, cần phải bảo đảm được tính giải trình, tính công khai, minh bạch hơn nữa, nhất là quanh các quyết định phân bổ vốn, nguồn lực của quốc gia.
Dự án này dù có tiếp tục hay không cũng cần làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân, kể cả những người đã nghỉ hưu. Không nên lấy lý do cần tạm dẹp việc này để tập trung thúc đẩy dự án, giúp người bị xử lý vẫn tiếp tục lên chức hoặc kịp “củng cố đời con”.
Đừng để quả đắng cho Nhà nước, cho người dân nhưng là quả ngọt với một số ít người. Quan trọng hơn, qua dự án này cho thấy tái cơ cấu theo hướng tăng hiệu quả đầu tư vẫn là bài toán lâu dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận