'Phim Lật mặt 7, Mai, Cái giá của hạnh phúc đều nói lên những thực trạng có thật trong đời sống gia đình hiện nay.
Đó là mâu thuẫn giữa các thế hệ cha mẹ, vợ chồng, con cái... Ở họ, khó có sự kết nối, thông cảm với nhau'.
Đây là nhận định của TS Bùi Trân Phượng, diễn giả chương trình trong sự kiện bàn luận về quan hệ giữa các thành viên gia đình trong các phim Việt gần đây như: Lật mặt 7, Cái giá của hạnh phúc, Mai, diễn ra tại Salon văn hóa Cà phê Thứ Bảy sáng 1-6.
Buổi trò chuyện là những nghiên cứu, quan điểm của bà Phượng và khán giả về các tình tiết kết nối giữa nhân vật, gia đình trong các phim trên.
Những người phụ nữ đau khổ
Bà Bùi Trân Phượng cho rằng cả ba phim Lật mặt 7, Mai, Cái giá của hạnh phúc đều là tác phẩm đại chúng, thu hút khán giả ở mọi độ tuổi bởi chúng đánh vào cảm xúc người xem, nặng tình nhẹ lý.
Trong cả ba phim, chúng ta cũng bắt gặp những người phụ nữ có sự đau khổ, bi kịch trong đời sống gia đình.
Tuy cách thể hiện khác nhau, theo bà Phượng, chủ đề này đã trở thành đề tài muôn thuở của văn học nghệ thuật từ xưa đến nay.
"Người xem thích thấy nhân vật nữ chính đau khổ và ngưỡng mộ, yêu quý họ vì sự đau khổ ấy.
Có thể gọi đó là sự chìm đắm trong thú đau thương. Lúc này, những bi kịch với người phụ nữ là bình thường, lẽ đời" - bà Phượng nêu quan điểm.
Tuy có thể bị phản bội, thua thiệt, có phần yếu thế, nhưng những người phụ nữ ấy lại có rất nhiều quyền năng.
Họ tác động đến gia đình, đời sống xã hội rất mạnh mẽ. Họ có thể khiến người liên quan cảm thấy được chăm sóc, yêu thương, nhưng cũng có thể làm người ta điêu đứng, bị giày vò.
Cái kết của phim Mai gây bất ngờ cho nhiều khán giả. Với bà Phượng, đó là một cái kết thú vị bởi nó là sự thừa nhận thực tế cho những đau khổ, bất hạnh của nhân vật nữ chính.
Trong một nghiên cứu khảo sát về truyện ngôn tình (tình cảm) Việt Nam do bà Phượng thực hiện, đa số tác phẩm đều có kết thúc hạnh phúc. Chỉ khoảng 10% tác phẩm không có cái kết đẹp.
"Các tác phẩm này không có kết thúc đẹp khi sự xúc phạm của nhân vật phản diện đối với nhân vật chính diện quá nghiêm trọng để có thể được tha thứ. Đó là sự phản kháng, đánh giá đúng mức cái ác. Rộng lượng bao dung tới đâu cũng không thể tha thứ" - bà Phượng phân tích.
Khác với cái kết của phim Mai, Cái giá của hạnh phúc lại có kết thúc khiến bà "hơi rợn xương sống". Phim kết lại bằng hình ảnh một bữa cơm gia đình hạnh phúc, với sự hối hận của người mẹ khi đã gây ra nhiều âm mưu để trả thù người chồng ngoại tình.
"Biên kịch cho ta thấy sự sum họp của một gia đình sau từng đó chuyện xảy ra và đó mới là hạnh phúc. Đối với tôi, đây là sự "rùng rợn" bởi phim đã tầm thường hóa sự bạo lực và lừa đảo trắng trợn trong nội bộ thành viên gia đình.
Vậy cái giá của hạnh phúc lúc này được hiểu như thế nào?" - TS Bùi Trân Phượng nói.
Cha mẹ có cần nhận sự đền đáp của con cái?
Còn phim Lật mặt 7 đi sâu vào mối quan hệ giữa mẹ và các con trong gia đình. Từ đây, nhiều khán giả cũng đặt ra câu hỏi về cách mà con cái phụng dưỡng ba mẹ hiện nay.
Có khán giả cho rằng chuyện nào ra chuyện đó. Khi về già, ba mẹ không cần quá kỳ vọng vào việc con cái phải quay về chăm sóc mình.
Còn dưới góc nhìn của một khán giả trung niên, bà bảo hoàn cảnh của bà mẹ trong phim Lật mặt 7 rất giống với gia đình bà.
Một người mẹ có nhiều con, khi các con lớn có gia đình riêng, người mẹ lựa chọn sống một mình.
Vị khán giả nói: "Một người già hơn 70 tuổi cũng muốn không phiền con cái, nhưng khi mắt đã mờ, bệnh tật bắt đầu ập đến thì họ rất cần sự hỗ trợ, quan sát của con cái.
Nhưng lúc này những người con cũng có gia đình nhỏ của mình, công việc bộn bề nên không thể kề cận bên ba mẹ suốt.
Ở các nước phát triển, việc người già vào viện dưỡng lão, có y tá chăm sóc, được bầu bạn là chuyện hết sức bình thường. Nhưng ở Việt Nam vẫn còn đó những định kiến. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn bế tắc".
Bà Bùi Trân Phượng đồng tình với quan điểm trên. Bà cho rằng áp lực xã hội còn lớn và đè nặng lên vai con cái Việt Nam. Từ đó, chúng ta cần xem lại quyền tự chủ và trách nhiệm của ba mẹ đối với bản thân mình và con cái.
"Trẻ cậy cha, già cậy con. Nhưng cậy theo kiểu nào thì chính đáng và theo kiểu nào thì sẽ không hiệu quả cho cả hai bên mới là cái đáng để suy nghĩ.
Và với sự phát triển, thay đổi của xã hội thì không thể khăng khăng giữ truyền thống gia đình theo kiểu Nho gia: Tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường như xưa" - bà Phượng nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận