Người thân, bạn bè thường chọc tôi sao cái gì cũng muốn học, muốn biết, vậy đâu mới thật sự là đích đến, lựa chọn của tôi. Tôi chỉ nói khi nào bản thân đủ giàu và cảm thấy thật bình thản, an nhiên, hạnh phúc với mọi điều xung quanh, thì tôi đã thành công.
Đừng vội lầm khái niệm đủ giàu. Ai cũng từng mơ ước rằng được sung sướng, giàu có về vật chất để đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, giàu vật chất theo tôi vẫn chưa đủ.
Giàu có, nhất là về mặt tri thức, thời gian, quan hệ, tinh thần, tình cảm và sự yêu thương, có lẽ là điều ai cũng muốn tham.
Thi đậu nhờ đọc báo cũ và giấy gói ổ bánh mì
Khi rà soát lại 3 câu hỏi ngắn gọn nhưng rất chạm "Mơ ước ngày bé? Ngành học? Công việc hiện tại?" đang trend trên mạng xã hội, tôi nhận ra mọi thứ tồn tại trên cõi đời này đều có nguyên do, lý lẽ của nó.
Thời bé, tôi rất mê đọc báo và xem tivi. Tôi lén các anh chị âm thầm mở bìa mấy cuốn vở được bao bằng giấy báo cũ của người thân để xem hình và đọc chữ ở mặt bên trong. Tôi còn mê đến độ đọc ngấu nghiến nội dung cả những tờ giấy gói ổ bánh mì, vì ngày xưa ở quê người ta hay dùng báo cũ gói thực phẩm và đồ đạc.
Lên cấp 3, tôi chọn học khối chuyên ban toán - lý - hóa, hướng đến việc thi vào các trường kinh tế, công nghệ thông tin. Nhưng trong tôi cứ lấn cấn câu hỏi, làm sao mình có thể trở thành một nhà báo hay biên tập viên, phát thanh và truyền hình như người ta?
Cuối năm THPT, tôi học chuyên toán - lý - hóa nhưng có tên trong đội tuyển thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh, trở thành cây bút chuyên viết bài cộng tác cho nhiều nơi. Một người bạn thân nói tôi hãy học - thi ngành báo chí đi.
Tìm hiểu điều kiện dự thi qua báo chí và cuốn Cẩm nang do Tuổi Trẻ thời đó phát hành, tôi thấy rất khó để thi vào các trường chỉ tuyển sinh khối C (chuyên văn - sử - địa), vì 3 năm THPT dân học chuyên toán được dạy văn kiểu rất khác. Chỉ có khối D (toán - văn - Anh), tôi may ra "có cửa".
Cuối cùng, tôi chọn thi dược (khối B với các môn toán - hóa - sinh) theo nguyện vọng của má, thi ngân hàng theo ngành học của ban đang theo (toán - văn - Anh) và thi vào Trường cao đẳng Phát thanh & Truyền hình 2 (thời đó, trường này mới là trung cấp, nhưng thời gian đào tạo 2 năm rưỡi, phải thi đầu vào 2 môn toán - văn, tỉ lệ chọi thời đó cao khủng khiếp, khoảng 1/140).
Cuối cùng, tôi rớt dược (vì không có tập trung ôn luyện), đậu ngành ngân hàng và ngành biên tập viên báo chí - phát thanh & truyền hình.
Tôi chọn Trường cao đẳng Phát thanh & Truyền hình 2 vì đó là mơ ước thật sự của mình, và bởi tôi cũng không hiểu sao bản thân mình có thể đậu nổi vào ngôi trường có tỉ lệ chọi cao như thế.
Đã vậy, năm đó đề thi văn có thử thách quá khó, bình giảng tác phẩm Rừng xà nu trong khi dân chuyên ban toán - lý - hóa chúng tôi không được học tác phẩm này. Dân ban A chúng tôi không ai từng được dạy bình giảng một tác phẩm văn học phải như thế nào.
Tôi may mắn đậu vì do quá đam mê nghề báo, tự tìm hiểu và ôn luyện bằng cách chiều chiều leo lên cây ổi ngồi tòn teng đọc bất kỳ sách tham khảo văn nào mượn được từ mọi người.
Học hành không có lỗi, học bao nhiêu là tùy mình
Sau hơn 10 năm làm báo, sống trọn với mơ ước và đam mê, năm 2013 tôi xác định tiếp tục hành trình trau dồi và học hỏi thêm nhiều kiến thức trường lớp, đặc biệt là nâng cao khả năng, học thuật. Tôi dành một thập niên đi học, sau khi nghề báo cho tôi một khoản thu nhập đủ để chi phí cho kế hoạch 10 năm dài.
Tôi học tiếp về báo chí, kinh tế và cả nghệ thuật để có thể phát huy hết những gì bản thân mình may mắn có. Khi đó, tôi phát hiện nhờ xuất thân chuyên toán - lý - hóa nên mọi thứ trong đời sống thường được tôi quy về logic, xác suất, các công thức… nên cảm tính trong các bài viết cũng bớt dần đi. Mọi thứ trở nên sáng rõ, khoa học hơn và bổ trợ cho nhau rất tốt trong quãng đời sự nghiệp sau này.
Không ít người thường vội cho rằng văn hay toán, ước mơ, học tập và công việc hiện tại nhiều khi không vần với nhau trong cuộc đời. Khi không may thất bại trong cuộc sống, nhiều người bị cảm xúc tiêu cực dẫn đến kết tội ngành học, thầy cô hay chương trình đào tạo. Điều này oan ức vô cùng.
Bởi thực tế, dù bạn học ngành gì, trường nào, các trường cũng chỉ mang đến cho bạn kiến thức, gợi mở tuy duy để bạn thẩm thấu, áp dụng một cách linh hoạt vào đời sống. Không nên áp dụng máy móc và đổ lỗi thay cho sự thiếu linh hoạt, ứng dụng vào thực tiễn của bản thân.
Thật ra, việc chọn tạo dựng ước mơ, ngành học và công việc hiện tại phản ánh năng khiếu, sự phù hợp và cách mỗi người xây dựng đam mê và dấn thân để hướng tới thành công. Làm gì cũng được, chỉ cần có ý nghĩa với cuộc sống, mang đến giá trị tích cực cho cuộc đời, hạnh phúc và bình an với sự lựa chọn của mình là được.
Đích đến của tôi, đó chính là sống tích cực và làm điều mình yêu thích.
Còn bạn có ước mơ gì thời thơ bé, và công việc hiện tại ra sao? Mời bạn chia sẻ câu chuyện về hòm thư [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận