13/08/2015 09:40 GMT+7

Cái gì cũng mật là không hợp lý

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 12-8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật tiếp cận thông tin.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Hà Hùng Cường

Chính Bộ trưởng cũng nhìn nhận: việc cung cấp thông tin cho công dân còn nhiều mù mờ, bất cập.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng hiện nay nhiều nội dung, giấy tờ đóng dấu mật tràn lan là không hợp lý, thậm chí có những giấy mời họp cũng đóng dấu mật.

Dẫn chứng từ câu chuyện dư luận quan tâm đến tình hình sức khỏe một số lãnh đạo thời gian qua, ông Sơn cho rằng nên công khai cho công luận để tránh những nghi ngờ, đồn thổi.

“Ví dụ trước đây chuyện đồng chí Nguyễn Bá Thanh bị bệnh. Tôi nghĩ chuyện sức khỏe của cán bộ không đến mức bí mật. Vì cứ coi là bí mật nên mới sinh ra nhiều chuyện phức tạp, báo chí đưa tin, rồi đồn đoán này khác.

Tình hình sức khỏe của một đồng chí cán bộ như thế nào, khi nào về nước thì cứ cung cấp thông tin bình thường chứ có gì đâu mà bí mật? Chính việc mình coi là bí mật đã làm phức tạp thêm tình hình” - ông nói.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người đã được hiến định.

Tuy vậy, “pháp luật hiện hành quy định chưa rõ và chưa thống nhất về nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; về cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin; về phương thức, hình thức, trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin.

Do đó, chưa tạo cơ chế pháp lý đầy đủ, chặt chẽ nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân và trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân”.

Theo đánh giá của Chính phủ, nhu cầu thông tin của công dân đang ngày càng gia tăng. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường: việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, chưa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin chủ động, nhanh chóng và thuận tiện.

“Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin còn nhiều bất cập đã dẫn đến nhiều hệ lụy như một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng vị trí đặc quyền nắm giữ thông tin để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực” - ông Cường nói.

Bình luận về nội dung dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi đề nghị: không chỉ cơ quan nhà nước mới có trách nhiệm cung cấp thông tin khi công dân yêu cầu mà “mọi thông tin liên quan đến đời sống người dân, lợi ích của cộng đồng thì tổ chức nào cũng phải cung cấp”.

Do đây là dự luật mới được trình xin ý kiến lần đầu, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chỉnh lý, bổ sung để trình Quốc hội thảo luận vào kỳ họp tháng 10.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên