"Nhân cột mốc kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện, chúng tôi mong muốn mở rộng quan hệ đối tác với Việt Nam trong những năm tới", Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định trong thông cáo trước giờ ông Blinken đến Hà Nội.
Đứng sau những chuyến thăm lớn
Tối 14-4, chuyên cơ của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), đánh dấu chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông trên cương vị mới trong chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Dự kiến trong ba ngày ở Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp lãnh đạo cấp cao Đảng, Chính phủ và dự lễ khởi công Đại sứ quán Mỹ mới tại Hà Nội.
"Chuyến đi của ông Blinken diễn ra sau cuộc điện đàm cấp cao quan trọng diễn ra cách đây vài tuần giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ tiếp nối cuộc điện đàm đó để thảo luận về quan hệ Đối tác toàn diện và lên kế hoạch cho các chuyến thăm chính thức cấp cao - điều mà tôi nghĩ là lý do chính ông ấy đến Việt Nam lần này bên cạnh các hợp tác khác đang diễn ra giữa hai nước", TS Andrew Wells-Dang (Viện Hòa bình Mỹ) nhận định với Tuổi Trẻ về chuyến thăm của ông Blinken.
Bình luận với Tuổi Trẻ, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh (2014 - 2018) nhận xét ông Blinken có cái duyên kỳ lạ với các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Mỹ.
Trên cương vị là thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken đã chứng kiến nhiều bước phát triển trong quan hệ hai nước. Vào giữa tháng 5-2015, ông Blinken đã đến Hà Nội và TP.HCM trong chuyến thăm bốn ngày.
Gần hai tháng sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Một năm sau chuyến thăm lần đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ, tháng 5-2016 Tổng thống Obama đã đến Việt Nam.
Trong các chuyến thăm đó đều có vai trò thu xếp, chuẩn bị từ nhiều bộ ngành hai nước, trong đó có những nhà ngoại giao như ông Vinh và ông Blinken.
"Mỗi lần ông Blinken đến Việt Nam đều có những kỳ vọng cho các chuyến thăm cấp cao, cho những nội hàm thúc đẩy quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2015, ông ấy có lẽ là người Mỹ đầu tiên dùng chữ "lịch sử" để nói về chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư cùng năm. Chuyến thăm ấy đã đem lại nhiều kết quả rất lớn cho quan hệ hai nước", ông Vinh nhận xét.
Nguyên thứ trưởng ngoại giao Việt Nam đánh giá chuyến thăm của ông Blinken lần này là một động thái có ý nghĩa trong bối cảnh hiện tại. Sau 10 năm thiết lập Đối tác toàn diện, quan hệ thương mại hai nước đã tăng hơn ba lần, vượt mốc 100 tỉ USD. Nếu tính từ năm 1995, khi hai nước bình thường hóa, quan hệ thương mại đã tăng hơn 300 lần lên mức 138 tỉ USD vào năm 2022.
Mở rộng nền tảng xây dựng niềm tin
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Wells-Dang nhận định giải quyết hậu quả chiến tranh là nền tảng cho mối quan hệ Việt - Mỹ.
Dù ngày nay hai nước đã có nhiều nền tảng hợp tác hơn, đó vẫn là nền tảng hợp tác có ý nghĩa quan trọng hơn cả. "Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ luôn nêu chuyện khắc phục hậu quả chiến tranh mỗi khi gặp nhau", ông Andrew Wells-Dang nêu.
Chẳng hạn Mỹ đã mở rộng tài trợ cho các dự án hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc dioxin sau nhiều năm chỉ tập trung vào việc tẩy độc các khu vực bị ô nhiễm dioxin. Thứ hai là sáng kiến hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích trong chiến tranh và giám định ADN để đưa họ về với gia đình.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, kể từ những năm 1980, Việt Nam đã hỗ trợ tìm kiếm các binh sĩ Mỹ mất tích, trong đó đã xác định được hơn 730 người.
"Mọi thứ cần giống như một vòng tròn. Tất cả bắt đầu ở phía Việt Nam khi các bạn hỗ trợ Mỹ. Và giờ Washington đang đáp lại, mặc dù khá muộn. Đây sẽ là hai lĩnh vực quan trọng giúp hai nước hợp tác và xây dựng niềm tin mạnh mẽ hơn nữa", ông Wells-Dang nhận định.
Theo ông, Mỹ đang ủng hộ và sẵn sàng nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. "Điều đó đã được Phó tổng thống Kamala Harris làm rõ vào năm 2021. Điều đó cũng được Tổng thống Biden nói rõ trong cuộc điện đàm gần đây và tôi chắc rằng Ngoại trưởng Blinken cũng sẽ nói như vậy", ông Wells-Dang nhận định.
Vị tiến sĩ người Mỹ cũng cho rằng một khi quan hệ hai bên có một cái tên mới, an ninh là một lĩnh vực khác có tiềm năng hợp tác nhiều hơn và sau đó là hợp tác kinh tế, biến đổi khí hậu, năng lượng.
"Nếu hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược, đó thực sự là một điều tích cực. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nội dung hợp tác, bởi vì điều đó sẽ giúp xây dựng niềm tin. Hai bên đã cùng nhau làm những việc có lợi cho người dân, phát triển kinh tế và đó là kết quả mà cả hai nước cùng tìm kiếm", vị chuyên gia đã từng dành hơn 15 năm ở Việt Nam khẳng định.
Rất am hiểu về quan hệ Việt - Mỹ
Theo nhận xét của nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Ngoại trưởng Blinken là một người có tầm nhìn và rất am hiểu về quan hệ Việt - Mỹ cũng như thúc đẩy quan hệ hai nước.
"Trong thời gian tới, nếu hai bên có thể chuẩn bị những nội hàm cho quan hệ sâu sắc hơn, cho các chuyến thăm cấp cao, quan hệ Việt - Mỹ có thể chứng kiến những đột phá mới, tạo đà cho phát triển hơn nữa", ông Vinh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận