TTCT - 1. Gia đình họp mặt, bao nhiêu chuyện đau đầu về con, cháu được các bà mẹ đem ra kể lể. Chuyện về cô em họ tôi là nguyên nhân khiến gia đình lục đục xem chừng rôm rả nhất. Bà giận cháu, bố giận mẹ. Riêng cô em vẫn tỉnh bơ. Thời của "giao diện" đẹp Câu chuyện cuộc sống trên TTCT kỳ này giới thiệu hai bài viết của hai độc giả cùng chung băn khoăn: một bộ phận không nhỏ bạn trẻ ngày nay đang chạy theo những cái đẹp nào, những giá trị nào? Mời bạn đọc cùng bày tỏ chia sẻ, góp ý tới địa chỉ: [email protected], mục Câu chuyện cuộc sống. Mọi chuyện đều bắt nguồn từ sở thích chăm chút bản thân thái quá của cô bé 15 tuổi. Bà nội ở quê vào chơi. Chẳng buồn dành thời gian ngồi nói chuyện với bà, ăn xong chén cơm em buông bát và chạy thẳng lên nhà. Nào phải vội vàng học bài gì, mà để dành thời gian ngắm vuốt trước gương. Phóng to Minh họa: Bích Khoa Những đứa bạn của em cũng không khác mấy. Cậu anh trai đi đón em trước cổng trường về càu nhàu: “Bọn trẻ (cậu chỉ lớn hơn em mình 5 tuổi) bây giờ trông thật ngứa mắt. Trời nóng mà đứa nào cũng sùm sụp, tóc tai lượt thượt”. Tất cả được lý giải bằng một từ “thích”. Và xu hướng thích này ngày càng được cổ vũ bởi những ngôi sao nhan nhản trên mạng. Nhiều thể loại sao, đáp ứng cho nhiều thể loại sở thích và ve vuốt nhiều thể loại thái độ. 2. Tôi có việc đi Bến Tre. Một cậu bé lớp 10, hàng xóm nhà bạn tôi, thường hay lân la sang chơi. Em hay dấm dúi đứng ở đầu hè nhà bạn tôi nói chuyện điện thoại. Hình như là với một cô bé người yêu. Trong câu chuyện có những mè nheo, đòi hỏi của tuổi mới lớn. Không phải bò bía, nước mía như thời của tôi, mà là đi mua quần áo ở đường Đồng Khởi. Cậu nhóc kết thúc cuộc nói chuyện với lời hứa chắc nịch sẽ qua đón cô bạn đi. Tối hôm đó, tôi thấy mẹ cậu la oai oái, hỏi cậu tiền để dành đâu hết mà giờ còn xin thêm. Cậu nói với tôi như phân bua: “Giờ có ghệ tốn lắm chị ơi! Ai biểu em ham ghệ có “giao diện đẹp” làm chi!”. “Giao diện đẹp” là một cô bé có gương mặt trắng hồng với cách phục sức và trang điểm chẳng khác cô em 15 tuổi của tôi là mấy. 3. Lớp tiếng Anh buổi tối. Học trò luyện đàm thoại bằng những câu hỏi, nói chuyện vu vơ với giảng viên là một thầy giáo Mỹ 100%. Thầy và trò tuổi cũng xêm xêm. Vòng vèo một lát thì cũng đến câu hỏi muôn thuở: “Con gái Việt Nam đẹp không?”. Ông thầy từng ở Việt Nam ba năm thật thà: “Con gái Việt Nam đẹp, nhưng mà... tham tiền!”. Dĩ nhiên, câu trả lời không hợp nhĩ bị không ít phản đối. Nhưng với vẻ mặt đau đớn nhất có thể diễn tả được cho lũ học sinh, thầy bảo rằng: “Con gái Việt Nam chỉ toàn hỏi thầy có tiền không. Không có tiền thì chia tay. Thầy buồn!”. Cái giọng tiếng Việt ngọng líu ngọng lo khiến bọn học trò bật cười, nhưng sau đó thì buồn theo vào cả khóe mắt. 4. Đi cùng một người bạn tư vấn kỹ năng sống cho tuổi học trò ở các tỉnh miền Đông. Ngoài những chia sẻ cực kỳ tâm lý của tư vấn viên, điều làm cho sân trường hừng hực lửa chính là sự xuất hiện của những ngôi sao nhí phục vụ văn nghệ. Gương mặt sáng, hát hò ổn ổn, các “thần tượng tuổi teen” liên tục được ống kính máy ảnh, máy điện thoại lia vào. Thậm chí khi chuyên viên tư vấn hỏi “Ai là hotboy của trường?” thì lập tức cả trường chỉ ngay đích danh một anh chàng mặt mũi khá đẹp trai, cùng không ít tiếng hú hét của các cô con gái. Buổi tư vấn tâm lý hôm ấy nhìn ở góc độ thu hút thì có lẽ chính bởi sự xuất hiện của những gương mặt đẹp. Ngay cả những cô gái PR cho nhãn hàng đi theo cũng không ngừng được các em học sinh tiến đến xin chụp ảnh chung. Một thứ tình cảm nồng nhiệt được dành cho những người xa lạ, những người mà các em chưa bao giờ có sự tiếp xúc nào, thậm chí họ chưa hề biết đến sự tồn tại của các em, nếu như không có buổi tư vấn. Tôi nghi ngờ tính hiếu khách đơn thuần của người Việt Nam. Bởi trong đoàn hôm đó cũng có những nhân viên hậu cần, những người không có “giao diện” đẹp cho lắm, và tất nhiên chẳng học sinh nào tiến đến xin được chụp ảnh cùng. 5. Ám ảnh về ngoại hình là một xu hướng có thật trong giới trẻ. Đó là tác động khiến ít thanh thiếu niên/teen nào dám sống khác với những hình mẫu chung mà giới của các em đang quyết định. Đó là câu chuyện của những mái tóc sùm sụp che kín mặt, không cần biết nó có phù hợp với thời tiết, với góc cạnh gương mặt hay không. Ám ảnh về ngoại hình lớn đến mức teen sẵn sàng thần tượng hóa những gương mặt đẹp, những ngoại hình bắt mắt dù không biết bản chất bên trong các “giao diện” ấy có tốt không. Ám ảnh về ngoại hình trở thành liều doping tạo ra những người quá tự tin với vốn tự có của mình và xem đó như một đặc quyền được người khác cung phụng. 6. Tôi yêu cái đẹp. Ở ngoài đường nhìn những gương mặt thanh niên xinh tươi, tôi cũng thấy cuộc đời đáng sống. Nghe người nước ngoài “nịnh đầm” rằng “con gái Việt Nam xinh nhất thế giới” tôi cũng tự hào lây. Nói thế để thấy rằng tôi không phải là kẻ chán đời hay hận thù cái đẹp. Nhưng nếu những gương mặt đẹp đi cùng tâm hồn đẹp và sự thanh lịch nữa thì tôi tin rằng mình sẽ còn hạnh phúc và tự hào nhiều hơn nữa... Phóng to "Chuyện về bề ngoài, về lối sống của bạn trẻ ngày nay, tôi mắt thấy tai nghe nhiều nhưng chưa biết nên gọi hiện tượng này là gì" - Ảnh minh họa: từ Internet Bạn tôi lý giải: “Dĩ nhiên chuyện này ai nghe cũng ngạc nhiên phì cười vì không thể được ghi trong nội quy nhà trường. Thế nhưng phần lớn các em nữ sinh cấp trung học phổ thông của các trường dân lập trong TP.HCM đang chuộng kiểu quần tây đáy ngắn đến đỗi khi ngồi xe hay ngồi học thì người ngồi sau thấy “quýt bán mà không xanh”. Còn áo ngực màu đỏ mà các em nữ sinh đua nhau mặc, sau lần áo sơmi trắng đồng phục thì trông “lồng lộng” và vô cùng “gợi ý”. Cấm thì cấm nhưng những buổi học không có tiết dạy của cô chủ nhiệm, các em nữ vẫn cố tình diện như vậy”. Bạn tấm tức: “Đã hết đâu. Bọn con gái đánh bài với con trai trong lớp, thua thì phải cởi nút áo cho “tập thể” xem mà chúng vẫn chấp nhận chơi và tình nguyện cởi. Ngoài ra còn nhiều màn “hun hít” giữa những cặp đôi diễn ra ngay trong giờ ra chơi nữa”. *** Cô hiệu phó một trường trung học cơ sở quận X gọi điện kể chị thật khó xử vì không muốn đưa một lúc sáu em nữ ra hội đồng kỷ luật vì một chuyện chưa có tiền lệ, hơn nữa sau khi nhận án kỷ luật, nguy cơ bỏ học của các em sẽ rất cao. Số là chị phát hiện sáu nữ sinh lớp 8 sau giờ học ở lại trường, vào nhà vệ sinh cởi áo chụp hình cho nhau bằng điện thoại di động. Mục đích của các em là dùng hình ảnh này để “thị phạm” cho các bạn khác trong lớp xem ai là người có vòng 1 “to khủng” giống diễn viên L. nhất. Sau một hồi kể lể, chị bảo: “Giận cũng có giận mà nghĩ cũng thương, nhiều em ốm nhom, xẹp lép vậy mà cũng ước muốn “khoe” hàng. Giá như các em để thời giờ ăn uống, ngủ nghỉ cho khỏe còn hơn băn khoăn phải làm sao giống “siêu sao” hơn nữa thì kết quả có khi đã tốt hơn”. *** Người em họ tên K. là Việt kiều Mỹ, thạc sĩ viễn thông. Dù đi Mỹ từ khi còn nhỏ nhưng K. nói tiếng Việt rất rành, lại biết ca vọng cổ rất mùi. Tết Nhâm Thìn, K. về thăm quê hương trong hai tháng. K. và em trai tôi, sinh viên năm 4 đại học kiến trúc, đi du lịch từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, Sa Pa, Hạ Long. Chỉ trong vòng mười ngày, họ đã có vô khối chuyện buồn cười để kể. Em trai tôi thường mặc quần tây, áo sơmi, nói tiếng Việt rành rọt thì dù đã hết sức lễ độ, yêu cầu gì nhân viên khách sạn cũng “quăng cục lơ” hoặc đáp ứng chậm trễ, nhưng khi K. xuất hiện trong bộ dạng quần soóc, áo thun ba lỗ, nói thứ tiếng Việt lơ lớ (cố ý) chen ít tiếng Mỹ thì tất cả yêu cầu của hai anh em được đáp ứng nhanh chóng. Trong một quán cà phê tại Đà Nẵng có hai cô bé độ tuổi sinh viên đến làm quen K.. Hai cô bé xinh đến nỗi K. thấy “tim đập chân run”. Trò chuyện một lúc, cô bé tên T., sinh viên năm 1 quản trị kinh doanh Đại học Đà Nẵng, mời K. tối mai đến nhà chơi. Với một bó hồng rực cháy trên tay, quần tây, áo sơmi phẳng phiu, K. đến gõ cửa nhà T.. Không ngờ T. nhăn nhó: “Ăn mặc gì quê mùa vậy?”. “Sao mới không quê mùa hở em?” - K. hỏi lại. “Thì quần soóc áo ba lỗ như lúc trong quán đó - cô bé phụng phịu - Vậy mà coi sang”. Về đến TP.HCM, K. cũng được các cô nàng xinh như mộng vây quanh. Nhưng sau buổi đi bar, đi vũ trường bao giờ K. cũng được các nàng “lai dắt thành công” đến Diamond Plaza với yêu cầu “tặng em” giỏ xách, quần áo, nữ trang... hàng hiệu có giá từ vài trăm đến vài ngàn đôla... Không đáp ứng những yêu cầu đó, lập tức K. bị coi là Việt kiều “dỏm” và bị các nàng “chia tay mùa đông” ngay. K. về lại Mỹ với vô số vết thương lòng và những kinh nghiệm đau thương về tình yêu (?). *** Chuyện về bề ngoài, về lối sống như thế còn nhiều, tôi mắt thấy tai nghe nhiều nhưng chưa biết nên gọi hiện tượng này là gì. Băn khoăn, tự hỏi liệu chúng ta có nên cùng ngồi lại tìm hiểu chúng ta đã làm gì, và vì sao, để con em mình giờ lại như thế! Tags: Độc giảCâu chuyện cuộc sốngCái đẹp
Bầu cử Mỹ: Ông Trump sắp bỏ phiếu DUY LINH 05/11/2024 Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Vụ 20 trẻ mầm non vào viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột: Sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể DƯƠNG LIỄU 05/11/2024 Chiều 5-11, UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo đột xuất cung cấp thông tin về vụ việc trẻ nhập viện nghi ngộ độc do ăn nhầm thuốc diệt chuột tại Trường mầm non xã Giang Ma.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.