20/06/2005 08:55 GMT+7

Cải chính khai sinh: Khổ vì... quê quán

CHI MAI
CHI MAI

TT - “Quê hương mỗi người chỉ một...”, thơ ca là vậy. Còn đối với thủ tục tư pháp hay thủ tục hành chính thì đôi khi khái niệm “quê hương” lại là nỗi phiền hà khiến nhiều người phải ngán ngẩm...

q1jdkJyP.jpgPhóng to
Nộp hồ sơ cải chính hộ tịch tại Sở Tư pháp TP.HCM - Ảnh: Chi Mai
TT - “Quê hương mỗi người chỉ một...”, thơ ca là vậy. Còn đối với thủ tục tư pháp hay thủ tục hành chính thì đôi khi khái niệm “quê hương” lại là nỗi phiền hà khiến nhiều người phải ngán ngẩm...

Anh Th. (ngụ ở P.Tân Định, Q.1, TP.HCM) bức xúc cho biết: vì cần bản sao khai sinh để cho con đi học, anh đi xin trích lục bản sao khai sinh ở phường Tân Định. Nhưng khi nhận được bản sao thì anh Th. thấy để trống mục “quê quán” của con anh và của cha mẹ.

Thắc mắc, anh Th. được giải thích là trong bản khai sinh gốc của con anh (theo mẫu TP/HT2, cấp từ năm 1999 trở về trước) không có mục “quê quán”, còn bản sao (theo mẫu TP/HT-1999-A.2.a - mẫu mới) có thêm mục này nhưng phường không biết ghi quê quán ở đâu nên phải bỏ trống.

Sau đó, anh Th. được hướng dẫn nếu muốn bổ sung mục “quê quán” thì đến Sở Tư pháp TP.HCM để làm thủ tục. Khi đến nộp hồ sơ cải chính hộ tịch, anh mới biết các giấy tờ phải nộp không đơn giản: ngoài bản chính, bản sao khai sinh của con, anh còn phải xuất trình bản sao khai sinh của hai vợ chồng (cha mẹ trẻ) và cả bản sao khai sinh của cha anh - tức ông nội của con anh Th.

Tất cả các bản sao đều phải là bản sao mới và được cấp không quá sáu tháng (!?). Không thể hoàn tất các thủ tục yêu cầu, anh Th. đành bỏ dở “hành trình” cải chính khai sinh cho con. Vậy là nhà trường từ chối nhận hồ sơ của con anh vì bản sao khai sinh chưa đầy đủ dù anh đã phải năn nỉ, giải thích nhiều lần.

Sáng 15-6-2005, tại Sở Tư pháp TP.HCM, chúng tôi đã chứng kiến chị P.L.T.M. rớm nước mắt khi bị trả lại đơn xin cải chính hộ tịch và yêu cầu phải bổ sung khai sinh của... ông nội. Chị M. nói với chúng tôi rằng tháng 4-2005 để làm hồ sơ kết hôn, chị đã lên Sở Tư pháp TP.HCM để yêu cầu trích lục bản sao khai sinh, nhưng do bản sao khai sinh bị bỏ trống phần “quê quán” nên chị không thể làm thủ tục kết hôn được.

Sau gần cả tháng trời mới xin trích lục được bản sao khai sinh của cha mình để bổ túc hồ sơ thì lại bị đòi thêm khai sinh của ông nội. Ông nội đã gần cả trăm tuổi thì làm sao còn giấy khai sinh? Cuối cùng chị M. cũng được hướng dẫn trở về quê yêu cầu cha chị phải làm đơn trình bày sự việc, xác định quê quán và đơn này phải có chứng thực của địa phương thì hồ sơ của chị mới được xem xét.

Tình trạng người dân đến Sở Tư pháp TP.HCM để bổ sung bản sao khai sinh bị bỏ trống mục “quê quán” rất phổ biến. Điều này gây không ít khó khăn cho người dân khi nhập hộ khẩu, làm hồ sơ nhập học, chứng minh, giấy kết hôn… Nhiều người cho biết phải lên xuống ít nhất là hai, ba lần để bổ túc giấy tờ.

Trao đổi với bà Trịnh Thị Bích - trưởng Phòng hộ tịch, lý lịch tư pháp, quốc tịch thuộc Sở Tư pháp TP.HCM - chúng tôi được biết không có qui định nào về việc bổ sung giấy khai sinh. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế có rất đông người dân cần bổ sung khai sinh (nhất là bổ sung mục “quê quán”) cho nên Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Sở Tư pháp TP.HCM vận dụng qui định về cải chính hộ tịch để giải quyết cho người dân. Theo giải thích của bà Bích, qui tắc xác định quê quán của trẻ là nơi sinh trưởng của người cha (hoặc mẹ).

Chính vì vậy, đối với những trường hợp muốn bổ sung dữ liệu “quê quán” vào khai sinh người dân phải xuất trình khai sinh của người cha để cơ quan hộ tịch có cơ sở xác định. Còn muốn bổ sung mục “quê quán” của người cha thì tất nhiên phải từ khai sinh của ông nội. Bà Bích cũng nói rằng nếu người dân không thể có đầy đủ các loại giấy tờ này thì cứ trình bày với cán bộ tiếp nhận để có thể được hướng dẫn xuất trình các loại giấy tờ có giá trị chứng minh khác như hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc viết đơn cam kết...

Bà Bích còn nêu rõ: chỉ có bản sao khai sinh cần bổ sung, cải chính là phải trích lục mới trong thời gian sáu tháng, còn lại khai sinh của cha hoặc ông nội thì không cần thiết phải là bản sao mới.

Theo người dân cũng như chính những cán bộ làm công tác hộ tịch, việc thêm mục “quê quán” trong giấy khai sinh đã gây thêm rắc rối và phiền toái. Khái niệm “quê quán” mà Bộ Tư pháp qui định trong giấy khai sinh cũng không thống nhất với khái niệm “nguyên quán” mà Bộ Công an qui định.

Rất nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi làm khai sinh đã lấy nơi sinh trưởng của mẹ làm quê quán nhưng sau đó đi làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hộ chiếu thì lại bị công an buộc phải cải chính khai sinh vì “nguyên quán” phải lấy theo quê cha.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên