TTCT - Nếu mỗi con người mơ mộng trong chúng ta có một khu rừng của mình, thì chắc hẳn Belavezh là minh họa tuyệt vời cho vùng nguyên sinh đó. Trong cuốn Thế giới khi loài người biến mất (The World Without Us), nhà báo Mỹ Alan Weisman viết ai đó lớn lên ở khu vực ôn đới vắt ngang Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, một phần Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đông và Tây Âu… ắt sẽ có một phần nào đó trong sâu thẳm con người họ nhớ ra "Bialowieza Puszcza" - rừng nguyên sinh Belovezh.Loài thực vật có hoa nhỏ nhất thế giới thuộc họ bèo tấm Wolfia được phát hiện ở Belovezhckaya Pushcha. Ảnh: Công viên quốc gia Belovezhckaya Pushcha của Belarus.Alan Weisman nói không ngoa. Vùng rừng nguyên sinh Belovezh rộng lớn - được hai quốc gia láng giềng Belarus và Ba Lan chia sẻ - không chỉ là một di sản môi trường, địa chất, thiên nhiên được bảo tồn mà còn tạo ra những di sản tinh thần. Nhạc phẩm "Belovezhkaya Pushcha" do cặp đôi tài hoa trong âm nhạc Nga - Xô viết, nghệ sĩ N. Dobronravov viết lời thơ, và vợ, nữ nghệ sĩ nhân dân A. Pakhmutova phổ nhạc những năm 1974-1975, vẫn lưu truyền trong văn hóa đại chúng. Bài hát biểu tượng của Belarus này vẫn được hát trong những chương trình đương đại. Bài hát này còn mang tới giúp nam ca sĩ gốc Tajikistan Fakhriddin Khakimov cùng ban nhạc Pesnyari vào chung kết cuộc thi X-factor của Belarus năm 2021, và thắng cuộc thi The Voice trên kênh 1 truyền hình Nga tháng 2-2024. Cuốn sách đoạt giải Jerzy Giedroyc (tên cuộc thi văn học độc lập lớn nhất Belarus) năm 2022 chính là Chuyện của những người đến từ Belavezhckaya Pushcha của nhà văn Anna Kondratiuk.Một "địa đàng còn sót lại"Nếu mỗi con người mơ mộng trong chúng ta có một khu rừng của mình, thì chắc hẳn Belavezh là minh họa tuyệt vời cho vùng nguyên sinh đó. Hãy nghe Alan Weisman mô tả khu rừng tồn tại với ít sự can thiệp nhất của con người trong chương "Làn hương địa đàng còn sót lại": "Ở đây, những cây sồi, được bọc trong lớp rêu năm trăm tuổi, mọc tốt đến mức chim gõ kiến đốm vĩ đại có thể cất trữ quả vân sam trong những rãnh sâu tới năm phân trên vỏ cây. Bầu không khí đặc quánh và mát mẻ, được ấp ủ trong sự tĩnh mịch, thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi tiếng kêu bi ai của một chú chim bổ hạt, tiếng hót thâm trầm của một chú cú lùn, hoặc tiếng tru rền rĩ của một chú chó sói, để rồi, lại chìm trong lặng im".Hoa diên vĩ Siberia. Ảnh: NPBPĐến nay, rừng nguyên sinh được bảo tồn Belovezh tiếp tục khoản đãi nhân loại bằng những bất ngờ mới. Hãng tin Belarus Belta.by ngày 21-9-2023 thông báo, một loài thực vật thủy sinh có hoa nhỏ nhất thế giới đã được tìm thấy ở Công viên quốc gia Belaveshskaya Pushcha của Belarus: đó là loại hoa bèo tấm wolfia: "Nhìn bề ngoài, nó trông giống như những quả bóng nhỏ màu xanh mọng nước, hơi thon dài, có kích thước dưới 1mm, nổi trên mặt nước. Dù rễ, thân và lá của nó không được xác định rõ ràng", bài báo viết.Cũng hãng tin Belta ngày 22-6-2023 dẫn nguồn Công viên quốc gia Belarus cho biết các nhà khoa học vừa phát hiện một địa điểm phát triển mới của cây diên vĩ Siberia tại công viên quốc gia này. Loài diên vĩ Siberia này đã được đưa vào Sách đỏ của Belarus từ 1982. Tin viết: "Một địa điểm phát triển mới của loài diên vĩ Siberia đã được phát hiện ở phía bắc Pushcha, trên lãnh thổ của khu rừng Brovsky. Quần thể của loài này có diện tích khá lớn, tới 500km2, và số lượng cá thể vượt quá 200 mẫu vật".Thế giới động vật của rừng nguyên sinh Belavezh nay vẫn còn những loài thú mà ở nhiều nơi trên thế giới đã được liệt vào Sách đỏ. Theo mô tả trên trang web của Công viên quốc gia Belavezh của Belarus, khu giới thiệu động vật hoang dã của rừng nằm cách Bảo tàng thiên nhiên của công viên không xa. "Trong một vườn thú rừng nhỏ trên một diện tích khoảng 20ha, du khách đến thăm vườn quốc gia có thể chiêm ngưỡng những chú bò rừng hùng vĩ, những chú hươu và nai duyên dáng, ngắm nhìn những con linh miêu, chó sói, gấu, cáo và một số loài chim săn mồi, trong đó có loài cú lớn nhất: cú đại bàng. Ngoài các loài bản địa, tại đây còn chứa một số loài động vật được đưa vào Belarus vào các thời điểm khác nhau: hươu sao, chó gấu trúc…".Dấu ấn con ngườiCó những chi tiết trong sách của Alan Weisman khiến người ta quan tâm khi đọc lịch sử hình thành rừng Belovezh thành vùng nguyên sinh được bảo tồn. Theo Weisman: "Trong thế kỷ thứ 14, một vị công tước người Latvia tên Wladyslaw Jagielo đã thành công trong việc hình thành một liên minh giữa lãnh địa công tước to lớn của ông với Vương quốc Ba Lan. Sau đó, ông tuyên bố khu rừng là khu vực săn bắn độc quyền của hoàng gia…Khi liên minh Ba Lan - Latvia bị Nga thâu tóm, Belovezh trở thành lãnh địa riêng của Sa hoàng. Mặc dù quân xâm lược Đức mặc sức khai thác gỗ và săn thú trong Thế chiến thứ nhất, phần rừng nguyên thủy ở giữa vẫn được giữ nguyên vẹn và đến năm 1921, nó trở thành Công viên quốc gia Ba Lan. Dưới thời Xô viết, tình trạng cướp bóc gỗ lại tiếp tục trong một thời gian ngắn nhưng khi Đức quốc xã xâm chiếm, một người theo trường phái sùng bái tự nhiên là Hermann Goring đã ra sắc lệnh tuyên bố vùng này là vùng cấm lui tới, trừ khi có sự chuẩn y của ông".Herman Goering (thứ hai từ phải qua) trong một cuộc triển lãm ở Berlin, nơi trưng bày các thành tích săn bắn của Goering. Ảnh: YANDEXSử liệu từ phía Nga cho biết thêm người Đức này là Herman Goering, nhân vật có ảnh hưởng thứ hai sau Hitler trong đế quốc xã và việc ông ta tới Belovezh săn bắn được thực hiện theo lời mời của đại sứ Ba Lan khi ấy. Mục đích của Goering khi tới Belovezh không chỉ để thỏa mãn đam mê săn bắn. Đó còn là những cuộc mật đàm kêu gọi Ba Lan tham gia liên minh với Đức chống Liên Xô.Herman Goering với một con nai chiến lợi phẩm. Ảnh: YANDEXTheo đó, "chuyến thăm đầu tiên của Hermann Goering tới Ba Lan diễn ra tháng 2-1935. Ông ta đã được đón tiếp ở cấp độ cao nhất và một cuộc săn sói và linh miêu đã được sắp xếp cho cá nhân ông. Các tướng lĩnh quân đội Ba Lan và một số đại sứ nước ngoài cũng tham gia cuộc săn bắn. Tất cả những người tham gia cuộc săn bắn không phải ngẫu nhiên có mặt, vì Đức hy vọng có thể lôi kéo quân đội Ba Lan tham gia cuộc chiến chống Liên Xô".Tuy nhiên, những "chuyến thăm săn bắn" ấy vẫn không thuyết phục được Ba Lan. Cuối cùng, Goering từ chối cuộc đi săn tiếp theo ở Belovezhskaya Pushcha. Báo Nga viết: "Một thời gian sau, sau khi Đức tấn công Ba Lan, Goering nói "Cảm ơn" vì những đợt săn bắn ấm áp và gửi máy bay đến thành phố Belovezh. Và sau đó, vào năm 1941, Belovezhskaya Pushcha được tuyên bố là nơi săn bắn của Đế chế và theo lệnh của Goering, cư dân của những ngôi làng gần đó đã bị đuổi ra khỏi nhà và những ngôi nhà bị san bằng" (xem thêm tại https://dzen.ru/a/X5HQpgbOUTnuSmeX).Nhắc chuyện xưa để ngẫm chuyện nay, bởi Belovezhckaya Pushcha tiếp tục trở thành nạn nhân cho những cuộc đối đầu địa chính trị. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư gần biên giới với Belarus, ngày 29-10-2021, Ba Lan thông qua dự luật "Về việc xây dựng hàng rào biên giới nhà nước" dọc biên giới với Belarus (bao gồm cả trong Vườn Quốc gia Belovezhskaya Pushcha). Việc xây dựng rào chắn (dài 186km, cao 5m) ngay sau đó được bắt đầu, bất chấp việc hơn 1.800 nhà khoa học trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đã kêu gọi Ủy ban châu Âu đình chỉ việc xây dựng cho đến khi đánh giá được sự tuân thủ của dự án với luật pháp châu Âu và các yêu cầu về môi trường.Cho đến cuối tháng 3-2024, theo thứ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường Belarus Alexander Korbut, đã xác định được bốn lĩnh vực chính của hệ sinh thái Belovezhckaya Pushcha bị tác động tiêu cực do cấu trúc rào cản: 1/sự phân mảnh của quần thể rừng cũng như môi trường sống, 2/sự gián đoạn các kết nối sinh thái xuyên biên giới, 3/sự vi phạm chế độ thủy văn liên quan đến việc vi phạm các quá trình tự nhiên gần các đoạn sông Narev, Narevka, Pravaya Lesnaya và các sông khác đã dẫn đến lũ lụt ở rừng. 4/Chặn các tuyến đường di cư của động vật: "Những lối đi do hàng rào cung cấp không thể gọi là lối đi cho động vật di chuyển. Lối đi dành cho động vật có vú nhỏ phải cao ít nhất 1m và rộng 1,5m. Trên thực tế, đây là những cái lỗ có đường kính khoảng 10cm. Đường kính nhỏ như vậy có nghĩa là chúng hầu như sẽ luôn bị tắc nghẽn bởi lá, cành hoặc đất. Ở hầu hết các khu vực có đường đi qua, chúng bị đất bao phủ hoàn toàn. Không có đủ lối đi cho động vật lớn và chúng bị đóng cửa ở phía Ba Lan", Thứ trưởng Korbut nói trên Belta.by.Đây không phải là lần đầu tiên quần thể rừng nguyên sinh Belovezh bị xâm hại. Trong toàn bộ lịch sử của mình, di sản thiên nhiên vô giá này đã nhiều lần khốn khổ. Trận hỏa hoạn trên diện rộng năm 1811 cũng như cuộc xâm lược của quân đội Napoléon năm 1812 đã gây ra thiệt hại lớn cho khu rừng. Trong thời kỳ Đức chiếm đóng, những khu rừng già có giá trị đã bị chặt phá để làm khu bảo tồn. Trong vòng hai năm, 4,5 triệu m3 gỗ đã được xuất khẩu sang Đức… Theo sách của Alan Weisman, thời Liên Xô cũng đã có "một tấm màn sắt chia đôi thiên đường này do người Xô viết dựng lên để ngăn cản người đào tẩu theo phong trào đoàn kết nổi loạn Ba Lan. Tấm màn sắt đã chia cắt bầy động vật có vú lớn nhất châu Âu và cùng với nó là sự chia cắt và suy giảm nghiêm trọng quỹ gene". Nay, với bức tường rào Ba Lan, vườn địa đàng còn chịu đựng thêm những thiệt hại nào? Tháng 5-2022, truyền thông Belarus công bố tấm hình con nai sừng tấm hấp hối do cố vượt hàng rào thép. Cục Thống kê Belarus cho biết hệ thống lưới thép concertina đến khi đó đã giết chết 16 con nai sừng tấm, 2 con hươu và bò rừng trong vùng rừng nguyên sinh phía Belarus."Một nền văn minh Belovezh"Trong cuốn sách đoạt giải thưởng Jerzy Giedroyc, Anna Kondratiuk cho biết bà viết về những cư dân sống ở vùng Belavezh, những người mà bà, từng là cư dân của khu vực này và vì nghề nghiệp, có mối quan hệ rộng rãi và sâu sắc.Anna Kodratyuk là nhà văn - nhà báo người Belarus, đã làm việc 30 năm cho Niva - tuần báo Belarus ở Ba Lan. Trong lễ trao giải diễn ra ngày 25-11-2023 tại Gdansk (Ba Lan), ban giám khảo đánh giá cao tác phẩm của Kondratyuk "vì điều kỳ diệu được ghi chép rõ ràng về tính đa âm của những người đến từ hai phía của biên giới Belarus - Ba Lan".Anna Kondratiuk coi giải thưởng này không chỉ của riêng mình mà còn dành cho Belovezhskaya Pushcha và những con người ở hai bên biên giới "với ký ức và dấu ấn riêng". Bà viết cuốn sách vì "cảm nhận được hơi thở thực tế của thời hậu công nghiệp", và vì Belovezhckaya Pushcha có "một nền văn minh riêng biệt", nơi sự thư nhàn được coi trọng, người dân ở cả hai phía luôn thích ca hát và dạo chơi nhưng trên hết, họ yêu tự do. Mỗi người đều là một cá thể, mỗi người đều có tính cách riêng và mọi người cho phép người khác sống theo cách riêng của mình.Một con nai sừng tấm bị thương chí mạng do cố vượt hàng rào thép gai trong khu rừng nguyên sinh Belaveshskaya Pushcha. Ảnh: Gov.byHãy nghe một nhân vật tên Tachyana kể về cuộc sống của mình ở ngôi làng Belaya, lọt thỏm trong Belovezhckaya Pushcha: "Tất cả những người dân của Pushcha chúng tôi đều có một điểm chung: mê đắm thiên nhiên. Mẹ tôi thích nhắc lại: "Cá voi yêu nước, con voi yêu rừng". Con người lớn lên được bao bọc bởi thiên nhiên không thể tưởng tượng được cuộc sống của họ ở thành phố. Mối quan tâm của chúng tôi là khu rừng quyến rũ mà chúng tôi có thể khám phá không ngừng, thư giãn trong đó, lắng nghe tiếng chim hót, làm việc, thu thập những quà tặng của rừng và tất nhiên, kể cho người khác nghe về vẻ đẹp độc đáo của Pushcha".Liệu những con người mê đắm khu rừng nguyên sinh này có giữ nổi nó khỏi những cuộc tàn phá cuối cùng? Hay chỉ có thể như dự báo của Alan Weisman, nếu 500 năm không có loài người, một khu rừng thật sự có thể sẽ trở lại?■ Năm 1939, Khu bảo tồn Belovezhskaya Pushcha thuộc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Belarus. Sau Thế chiến thứ hai, với việc thiết lập biên giới nhà nước sau chiến tranh của Liên Xô với Ba Lan, một phần của khu bảo tồn (55 nghìn ha) cùng với trung tâm lịch sử của nó - làng Belovezha, Công viên quốc gia và vườn ươm bò rừng - đã được chuyển cho Ba Lan. Trên lãnh thổ Belarus còn 74,5 nghìn ha Belovezhskaya Pushcha.Ngày 14-12-1992, Belovezhskaya Pushcha đã được đưa vào danh sách Di sản thiên nhiên thế giới của nhân loại. Năm 1993, Belovezhskaya Pushcha đã nhận được danh hiệu khu dự trữ sinh quyển và vào cuối năm 1997, Hội đồng châu Âu đã trao "Chứng chỉ châu Âu" cho một trong những tổ chức môi trường chuẩn mực trên lục địa. Năm 2013, Vườn quốc gia Belovezhskaya Pushcha đã trở thành đối tác của Mạng lưới công viên PAN châu Âu và được trao "Chứng chỉ các lãnh thổ hoang dã". Kể từ năm 2014, Belovezhskaya Pushcha ở cả hai bên biên giới đã trở thành "Di sản thế giới xuyên biên giới". Tags: Vườn địa đàngBelovezhskaya PushchaRừng nguyên sinhBảo tồn rừngRừng Nga
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.