22/06/2024 08:28 GMT+7

Cải cách tiền lương: cần thực hiện toàn diện

Ngày 20-6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Chính trị đã thống nhất từ ngày 1-7 sẽ tăng tiền lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (30%) cho tất cả cán bộ, công chức.

Cán bộ, nhân viên UBND quận Tân Phú, TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH

Cán bộ, nhân viên UBND quận Tân Phú, TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH

Chính phủ sẽ xin ý kiến Quốc hội và sẽ thực hiện ngay từ 1-7. Đối với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Luật Lao động sẽ tăng 6% so với năm 2023.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung của nghị quyết 27 về thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Còn hai nội dung hiện nay đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đó là việc thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và theo chức vụ, chức danh lãnh đạo, sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện theo lộ trình.

Điều chỉnh tăng đều tất cả 30% trên cơ sở giữ mức lương cơ sở: tất cả cùng vui, tất cả đều được hưởng như nhau.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ PHẠM THỊ THANH TRÀ
Từ ngày 1-7, lương cơ sở sẽ tăng cho tất cả cán bộ, công chức. Trong ảnh: các bác sĩ trong một ca mổ tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Từ ngày 1-7, lương cơ sở sẽ tăng cho tất cả cán bộ, công chức. Trong ảnh: các bác sĩ trong một ca mổ tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Vì sao chưa cải cách tiền lương từ 1-7 như kế hoạch?

Về việc lựa chọn phương án tăng 30% mà chưa thực hiện cải cách tiền lương theo vị trí, việc làm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà giải thích do khi xây dựng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo và xây dựng bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức thì phát sinh một số vấn đề.

Vấn đề đầu tiên là có sự bất hợp lý rất lớn, tương quan giữa các đối tượng không đảm bảo. Công chức - đối tượng tham mưu chiến lược - được tăng rất thấp, chỉ tăng hơn 20%, viên chức có thể tăng được hơn 50%, đối tượng khác cũng tăng thêm tương đương như vậy nhưng tính bình quân tăng khoảng 30,6%.

Có nhiều đối tượng tăng trên 30%, nhưng cũng có rất nhiều đối tượng tăng rất thấp, chỉ khoảng 3 - 5%, rất nhiều đối tượng lại không được tăng hoặc thấp hơn so với lương hiện hưởng.

Một vấn đề nữa là khi thay đổi cơ cấu quỹ phụ cấp trong tổng quỹ lương từ 40/60 hiện nay (quỹ phụ cấp bằng 67% quỹ lương cơ bản) thành 30/70 (quỹ phụ cấp bằng 43% quỹ lương cơ bản, giảm 24% so với hiện nay) cũng phát sinh một số vấn đề.

Cùng với việc bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành và phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới, dẫn đến rất nhiều đối tượng hưởng phụ cấp sẽ bị tụt giảm, nhất là nhà giáo (lực lượng lớn nhất) sẽ không còn phụ cấp thâm niên. Những phát sinh này dẫn đến có đối tượng được tăng trên 30%, 15%, nhưng có đối tượng không được tăng hoặc tăng thấp hơn.

Trước tình hình này, bà Trà cho rằng buộc phải chọn một phương án tối ưu, hợp lý, công bằng, hiệu quả nhất, đáp ứng được lòng mong mỏi của tất cả cán bộ, công chức, viên chức là điều chỉnh tăng đều tất cả 30% trên cơ sở giữ mức lương cơ sở.

Việc tiếp tục thực hiện đề án cải cách tiền lương sẽ tiếp tục được sơ kết, đánh giá lại những vấn đề khó khăn, vướng mắc và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp những vấn đề căn cốt để thực hiện bảng lương theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo. Đến thời điểm hợp lý, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về vấn đề này và sẽ tiếp tục triển khai khi đủ điều kiện.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Hiện tại là phương án tối ưu

Về ưu điểm của phương án trên, Bộ trưởng Trà cho rằng không tác động, không ảnh hưởng đến các quy định hiện hành gắn với lương cơ sở, xây dựng các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội khi hiện có trên 10 văn bản pháp luật liên quan.

Bãi bỏ các văn bản, chính sách này sẽ tác động trực tiếp đến trên 50 triệu người và không thể kịp trở tay để xoay xở. Thêm vào đó, việc tham chiếu thế nào khi luật vẫn còn hiệu lực, khi tất cả các văn bản chưa được sửa đổi, bổ sung cũng là vấn đề "đau đầu".

"Thủ tướng Chính phủ, thường trực Chính phủ, chúng tôi có những giờ phút suy nghĩ cân nhắc vô cùng nặng nề để lựa chọn phương án. Cuối cùng chọn phương án tăng lương cơ sở là tối ưu", bà Trà chia sẻ.

Bà Trà thông tin thêm: Bộ Chính trị thống nhất giao Chính phủ nghiên cứu, rà soát, bổ sung thực hiện nghị quyết 27 theo một lộ trình bước đi "thận trọng, chắc chắn, hiệu quả, khả thi". Đồng thời đáp ứng được lòng mong mỏi của tất cả, không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị thiệt thòi trong việc thực hiện tiền lương lần này.

Trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện chín loại phụ cấp mới, Chính phủ cũng đề xuất tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành. Đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành (đặc biệt là phụ cấp theo nghề) mà trong quá trình thực hiện vừa qua có phát sinh bất hợp lý.

Ngoài ra sẽ bố trí 10% quỹ tiền thưởng bằng tổng quỹ lương cơ bản để thủ trưởng cơ quan đơn vị khen thưởng đột xuất, thưởng thành tích hằng năm cho cán bộ, công chức. Việc xây dựng quy chế khen thưởng nội bộ, độc lập hoàn toàn Luật Thi đua khen thưởng và Quỹ thi đua khen thưởng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế ba năm 2024 - 2026 tăng thêm là 913.300 tỉ đồng. Với số tiền này, Chính phủ bảo đảm đủ nguồn để thực hiện.

Cần tiếp tục cải cách tiền lương toàn diện

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Hoàng Anh Công, phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chia sẻ dù các cơ quan đã hoàn thành đề án nhưng việc xác định vị trí việc làm vẫn chưa thực sự chính xác và phương án xây dựng cũng còn những điểm phải thảo luận.

Tuy nhiên trước mắt do yêu cầu phải cải thiện đời sống của người lao động, các đối tượng hưởng lương từ ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, nhất là sau khi xảy ra đại dịch COVID-19 thì việc tăng lương là cần thiết. Còn việc cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ sẽ phải tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đánh giá, nghiên cứu để thực hiện sau.

Với mức tăng 30% dự kiến từ 1-7 đối với cán bộ, công chức, theo ông Công, cũng xấp xỉ với phương án thay đổi trả lương theo vị trí, việc làm. Tiền ngân sách chi ra phục vụ việc tăng lương cũng xấp xỉ nhau. Việc tăng lương đồng đều này sẽ góp phần cải thiện đời sống cho những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng quyết định chưa thực hiện toàn diện cải cách chính sách tiền lương chắc chắn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan cân nhắc kỹ lưỡng và trình Bộ Chính trị xem xét, thống nhất.

Bên cạnh đó việc tăng lương cơ sở sẽ giúp đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, giảm bớt khó khăn, tương thích với tốc độ tăng của khu vực doanh nghiệp. Việc tăng lương đồng đều này cũng giúp cán bộ, công chức, viên chức yên tâm gắn bó với công việc và đổi mới, sáng tạo.

Việc tăng lương trong thời điểm khó khăn chung hiện nay là nỗ lực nhưng cũng mong muốn Chính phủ cần có nỗ lực tiếp theo để thực hiện cho được cải cách toàn diện chính sách tiền lương.

Trong đó phải sớm thực hiện việc trả lương theo vị trí, việc làm. Vì cải cách bộ máy công vụ và có chế độ tiền lương, tiền công phù hợp, tương xứng với đóng góp của từng người cũng như khuyến khích những người có năng lực, để họ yên tâm, sống được bằng lương là rất cần thiết. Từ đó sẽ giúp nâng cao chất lượng, năng lực công vụ và tạo hiệu quả cho bộ máy nhà nước, thúc đẩy sự phát triển.

Lương hưu tăng 15%

Bên cạnh phương án tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu, Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp BHXH từ 1-7. Đối với người

đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra Chính phủ đề xuất điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng (tăng 35,7%, cao hơn 5,7% so với mức tăng lương 30% của công chức); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp. Đồng thời điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Được truy lĩnh nếu tháng 7 chưa nhận kịp khoản tăng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong lĩnh vực tiền lương cho biết sau khi báo cáo Quốc hội, Chính phủ, các bộ sẽ có các nghị định, thông tư hướng dẫn việc tăng lương cơ sở từ 1-7. Sau khi việc tăng lương chính thức có hiệu lực, nếu trong tháng 7, cán bộ, công chức chưa được nhận lương mới sẽ được truy lĩnh vào tháng sau đó. Việc này sẽ được các cơ quan hướng dẫn cụ thể.

Đại biểu Quốc hội TRẦN KIM YẾN (TP.HCM):

Quan tâm những người có mức lương quá thấp

Không có phương án nào có thể gọi là tối ưu cho tất cả các đối tượng. Cũng vậy, cũng một vị trí việc làm nhưng ở các địa phương, số lượng công việc cũng sẽ khác nhau bên cạnh nhiều đặc thù khác nữa.

Vì vậy khi thực hiện phải đảm bảo thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, đồng bộ, cụ thể, rõ đến đâu làm đến đó, không nóng vội; có sự hài hòa, tương quan giữa các đối tượng.

Theo tôi, trước hết cần quan tâm đến những người có mức lương quá thấp như người có tổng thu nhập dưới 9 - 10 triệu đồng/tháng, nhất là ở đô thị rồi theo lộ trình sẽ tính đến các đối tượng khác.

Ngoài ra tôi thấy việc bố trí 10% quỹ tiền thưởng bằng tổng quỹ lương cơ bản để thủ trưởng cơ quan, đơn vị thưởng đột xuất, thưởng thành tích hằng năm cho cán bộ rất hay. Việc này sẽ khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng không ngại ảnh hưởng đến cái chung.

Người dân nhận lương hưu tại Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Người dân nhận lương hưu tại Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

TS BÙI SỸ LỢI (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội):

Lần tăng lương cơ sở cao nhất

Đề xuất tăng lương cơ sở, tăng trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội với nguồn kinh phí hơn 900.000 tỉ đồng cho thấy những nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc triển khai nghị quyết 27 để góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.

Đây còn là lần tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay, góp phần tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.

Ông PHẠM MINH HUÂN (nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH):

Xem xét giải pháp bù đắp cho người hưởng lương hưu thấp

Người tại chức và người về hưu đều được tăng lương là vấn đề tốt, nhiều người phấn khởi. Việc này giúp những người làm việc trong khối công bảo đảm cuộc sống, yên tâm công tác.

Tăng lương hưu 15% giúp cuộc sống người về hưu bớt khó khăn. Về lâu dài, để người hưởng lương hưu đảm bảo cuộc sống, ngoài việc đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao, chúng ta cần nghiên cứu, xem xét giải pháp như đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội để sinh lời, bù đắp cho người hưởng lương hưu thấp.

Anh NGUYỄN HỮU ĐẠT (25 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM):

Tính lương theo ngạch, bậc cũng có ưu điểm

Tôi làm việc tại một đơn vị sự nghiệp của Nhà nước từ đầu năm 2023 đến nay với hệ số lương A1 là 2.34, cộng với thu nhập tăng thêm theo nghị quyết 08, tổng cộng là khoảng 7 triệu đồng/tháng. Giờ tăng lương cơ sở và nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được hưởng tối đa thu nhập tăng thêm thì có thể đạt 9,85 triệu đồng, cải thiện đáng kể.

Trái ngược với việc nhiều người trông chờ vào lương theo vị trí công việc, tôi cho rằng việc tính lương theo ngạch, bậc với mức lương cơ sở và thu nhập tăng thêm như hiện nay cũng có nhiều điểm lợi cho công chức.

Công việc của công chức, viên chức ít có sự biến động hay đột phá theo lợi nhuận như doanh nghiệp thì việc được tăng bậc lương mỗi ba năm theo thâm niên sẽ là điều chính yếu giúp họ cải thiện thu nhập, gắn bó với công việc.

Chị BÙI THỊ NHÀI (giáo viên trung học tại Hưng Yên):

Trước mắt cũng thấy khá hơn

Tôi và nhiều giáo viên đang mong chờ cải cách tiền lương mới, nhất là khi Bộ GD-ĐT đề xuất lương giáo viên được xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy đến nay chưa thể thực hiện cải cách nhưng việc đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ 1-7 cũng là hợp lý trong điều kiện hiện nay.

Thu nhập tổng cộng của tôi sẽ từ hơn 7 triệu lên hơn 9 triệu đồng. Như vậy cũng đã hơn trước khá nhiều.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Từ 1-7, tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2.340.000 đồngBộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Từ 1-7, tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2.340.000 đồng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Chính trị đã thống nhất tăng lương cơ sở đồng đều cho tất cả cán bộ, công chức từ 1,8 triệu đồng lên 2.340.000 đồng từ ngày 1-7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên