Năm học 2022 - 2023 sẽ kết thúc trong hai tuần tới. Với bài viết này, tôi muốn gửi một góc nhìn về giáo dục, về câu chuyện chưa bao giờ cũ - đó là chuyện học thật, điểm thật ở phổ thông.
Mươi ngày nữa, trên mạng xã hội, bàn cà phê và câu chuyện của phụ huynh khắp nơi sẽ là điểm số và danh hiệu cuối năm học của con mình. Và chuyện thường thấy như bao năm vẫn sẽ là chúng ta có nhiều, rất nhiều học sinh giỏi.
Cùng với đó là nỗi lo có thật: học sinh lên lớp trên (hoặc xong 12) đã quên những kiến thức đã học ở lớp dưới.
Điều này có lẽ chính các thầy cô thấu hiểu hơn cả và vất vả hơn trước. Công tâm mà nói, học trò ngày nay năng động hơn, tự tin hơn, kỹ năng làm việc nhóm tốt hơn.
Chương trình mới mở ra khung trời mới khi chương trình môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục... hấp dẫn phong phú hơn chương trình cũ.
Vì những điều này, chúng ta có thể hy vọng với chương trình mới con trẻ sẽ có cơ hội phát triển năng khiếu, sở thích khác ngoài việc học chữ và số. Tuy nhiên, để có thể làm tốt nhất những điều chúng ta mong muốn, có lẽ phải chờ nhiều năm nữa.
Ngành giáo dục cần có đủ giáo viên được đào tạo chuyên môn sát với chương trình mới. Ví dụ như học sinh lớp 6 có môn khoa học tự nhiên (gồm kiến thức gần giống môn sinh học, vật lý, hóa học trước đây) nhưng các trường chưa có đủ giáo viên cho môn này. Vậy là thực tế thầy cô vật lý dạy môn sinh vật và ngược lại. Các môn âm nhạc, mỹ thuật đang thiếu giáo viên dạy chương trình mới.
Còn phải chờ mấy năm nữa để có thể thấy trái ngọt từ lứa học sinh đang học chương trình mới. Ngay trong năm học này, theo sát việc học của hai con (lớp 6 và 11), tôi thật sự lo về chuyện các con mau quên những kiến thức cũ dù điểm con khá giỏi.
Dịch COVID-19 là một nguyên nhân gây khó khăn cho các con, nhưng thẳng thắn mà nói thì hiện nay các con không khó có điểm cao hơn thực lực.
Học trò được thầy cô chăm sóc quá kỹ, đến từng bài kiểm tra. Như một kiểu "nhắc tuồng", ngày nào cũng có người (thầy cô hoặc lớp trưởng, lớp phó) gửi báo bài trên nhóm Zalo phụ huynh nhắc kỹ những bài cần học cho ngày mai.
Mỗi học sinh chưa thuộc lòng bài học sắp kiểm tra (hoặc đề cương ôn thi học kỳ), phụ huynh sẽ nhận được tin nhắn. Và phần nhiều các em trong lớp đạt điểm cao.
Khi được nhắc học bài, nhiều học trò có sẵn câu trả lời: thi trắc nghiệm mà, không sao đâu!
Thi trắc nghiệm sẽ rất tốt khi đề thi đạt đến mức yêu cầu kiến thức khái quát, tổng hợp, nâng cao và học trò đáp ứng được. Đó là hình thức kiểm tra không hề dễ so với đề tự luận lâu nay. Thật trớ trêu khi thầy cô các bộ môn lại lo quá nhiều cho mỗi kỳ kiểm tra thì học trò lại "vô tư" hơn, không lo mấy! Vì sao? Hầu hết các câu trắc nghiệm trong đề kiểm tra đều đã được thầy cô in ra và cho học thuộc lòng từ trước. Điều này phụ huynh nào theo sát việc học của con sẽ không thấy lạ.
Điểm 9, 10 luôn rất tốt với trẻ nhưng chỉ thật sự tốt cho cuộc đời con nếu đó là kết quả từ năng lực, sự chăm chỉ, chịu khó của chính con. Học thật, kiểm tra và đánh giá kết quả thực chất khi con trẻ phải được học với tinh thần trách nhiệm và sự tự giác cao nhất, phát huy sáng tạo năng động mức cao nhất. Điều này, thật đáng buồn, thực tế không được như vậy.
Sao chỉ chạy theo điểm số?
Tôi được hiểu chương trình mới cùng với kiến thức phong phú thì học sinh sẽ phát huy năng động, sáng tạo, phát triển bản thân. Với mục tiêu này, tôi mong sao việc dạy và kiểm tra đánh giá phải đạt được một điều là đề cao sự tự giác, trách nhiệm của học sinh. Điểm số của con phải phản ảnh đúng kết quả phấn đấu học tập và cả sự phát triển các kỹ năng khác của con. Đề kiểm tra và cách kiểm tra cũng phải đổi mới vì mục tiêu mới. Xin đừng "thần thánh" hóa điểm số và bằng mọi cách chạy theo điểm và điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận