TTCT - Trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam, cách phân chia môn bắt buộc và môn lựa chọn là đúng với phương pháp tổ chức chương trình của thế giới. Vấn đề còn lại là cách làm như thế nào cho khoa học, giảm bớt sự rắc rối, nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu và các giáo viên chưa quen nên sẽ lúng túng trong thời gian đầu. Minh họaCách tổ chức chương trình học ở các trường quốc tế đóng tại Việt Nam có thể giúp chúng ta một số kinh nghiệm nhằm giải quyết những khó khăn khi áp dụng chương trình mới cho học sinh lớp 10 vào năm học tới.Ấn tượng đầu tiên là hiện tượng mỗi khi chuyển tiết học thì “học sinh di chuyển, thầy giáo ngồi yên tại phòng”. Ấy là bởi các thầy cô phụ trách các môn đều có một phòng riêng cho mình. Lấy ví dụ học sinh lớp 11, dù học cùng lớp nhưng có em chọn môn lý, có em chọn môn hóa và cũng có em chọn môn kinh tế. Cứ theo thời khóa biểu, các em tách ra, đi tới phòng bộ môn mình đã chọn để học, có thể lúc đó học chung với các em lớp 10 hay lớp 12 vì chọn cùng môn. Chính nhờ thế mà phòng bộ môn được trang trí cẩn thận, có đủ dụng cụ học tập như phòng môn địa treo đầy bản đồ, phòng môn sinh có nhiều mô hình cơ thể con người…Ấn tượng thứ nhì là sách bộ môn không ghi lớp, như không có vật lý 10, vật lý 11 hay vật lý 12. Chỉ có một cuốn vật lý dùng chung cho cả ba khối lớp. Vì thế, nói là tự chọn nhưng cuối cùng các em cũng học gần như đủ các môn bởi nếu lớp 10 chọn vật lý thì lớp 11 sẽ chọn hóa học và lớp 12 có thể học qua sinh học. Môn nào khó, phức tạp thì chia làm hai cuốn hoặc có một cuốn cơ bản và một cuốn nâng cao (chương trình AP, dành riêng cho em nào có năng khiếu muốn học thêm môn đó).Phần lớn các trường tổ chức theo tín chỉ - dựa vào đó, họ đặt ra các tiêu chí mà học sinh phải đạt thì mới được tốt nghiệp. Nhờ vậy, nhìn vào chương trình thấy rất đơn giản, không hề có chuyện “108 tổ hợp môn” rất rối trí như báo chí đang đưa tin. Chẳng hạn, họ chia làm hai phân môn chính là khoa học và xã hội, mỗi phân môn học sinh phải đạt 3 tín chỉ là mức tối thiểu. Điều này có nghĩa ở cấp 3 các em ưa chọn môn nào để học thì tùy thích nhưng phải bảo đảm trong các năm học đó các em phải có 3 tín chỉ khoa học và 3 tín chỉ xã hội. Như vậy, chắc chắn các em phải chọn lý, hóa, sinh cho đủ 3 tín chỉ khoa học, sự chọn lựa chỉ là năm nào thì học môn nào. Tương tự, ắt hẳn trong các năm học cấp ba, các em sẽ phải lần lượt học sử, địa, kinh tế. Minh họaNhìn lại chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam, cách phân chia môn bắt buộc và môn lựa chọn rồi các nhóm môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên… là đúng với phương pháp tổ chức chương trình của thế giới. Vấn đề còn lại là cách làm như thế nào cho khoa học, giảm bớt sự rắc rối, nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu và các giáo viên chưa quen nên sẽ lúng túng trong thời gian đầu.Trước tiên cần nhìn lại và đặt câu hỏi then chốt: Chúng ta muốn học sinh học được gì qua các nhóm môn khoa học xã hội? Phải chăng đó là trả lời các câu hỏi như các biến cố lịch sử tác động như thế nào đến hiện tại? Cách tổ chức cuộc sống hiện đại như thế nào để tôn trọng quyền của người dân? Làm gì để bảo vệ Trái đất khỏi nguy cơ bị tàn phá vì biến đổi khí hậu, vì khai thác quá mức? Làm sao để có chính sách kinh tế có lợi nhất cho mọi người?…Chỉ cần có cái nhìn tỉnh táo này là chúng ta sẽ thấy nếu cứ làm theo cách cũ biên soạn sách lịch sử 10, lịch sử 11, lịch sử 12… thì chúng ta sẽ tự đẩy mình vào chỗ bế tắc. Một học sinh đã chọn lịch sử 10 không lẽ sang năm không chọn tiếp? Một em năm nay chưa học lịch sử 10, sang năm nữa có thể chọn vào học lịch sử 12 chăng? Lịch sử còn dễ chọn, cứ lấy các môn có mối liên kết kiến thức chặt chẽ hơn như vật lý - không lẽ một em năm lớp 10 và 11 không chọn môn vật lý mà đến năm lớp 12 vẫn chọn học vật lý 12 được chăng?Cứ theo cách tổ chức chương trình như hiện nay, tức có 7 môn học/hoạt động bắt buộc, 5 môn lựa chọn, rất có khả năng suốt 3 năm học sẽ có em không học tiết lịch sử nào - đó là một khiếm khuyết rất lớn khó được dư luận chấp nhận. Trong khi soạn một bộ sách lịch sử dùng chung cho cả 3 cấp học, chúng ta sẽ nhân đó tinh giản chương trình chỉ để lại những nội dung cần thiết, cái quan trọng là tinh thần toát ra từ nội dung này và đọng lại ở học sinh trong suốt cuộc đời các em. Đây cũng là thời đại kiến thức mới tăng nhanh nên cần giới thiệu rất nhiều môn mới, kiến thức mới, kỹ năng mới cho các em như kinh tế, tâm lý học, tự động hóa…Vì thế, việc cần điều chỉnh đầu tiên là soạn các sách bộ môn, mỗi môn chỉ 1 cuốn dùng chung cho cả 3 năm học cấp ba, môn nào khó sẽ có sách tập 1 và sách tập 2. Sau đó cần điều chỉnh các môn bắt buộc, không chỉ có toán, văn, ngoại ngữ mà phải thêm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Chuyện lựa chọn sẽ là chọn các môn bên trong phân môn tự nhiên hay xã hội này để một em có thể chọn học lịch sử năm lớp 10 và địa lý năm lớp 11. Hiện nay, chương trình vẫn yêu cầu môn nào mỗi cấp lớp đều có một sách riêng như môn địa lý sẽ có địa lý đại cương cho lớp 10, địa lý kinh tế - xã hội thế giới cho lớp 11 và địa lý Việt Nam cho lớp 12. Ngược lại, môn kinh tế là một trong những môn trong nhóm khoa học xã hội nhưng chưa có chương trình môn học cụ thể như 27 chương trình môn học khác. Minh họaNên có cái nhìn tổng thể để hình dung, sau 3 năm học, các em hình thành được kỹ năng gì và hệ thống kiến thức gì để tổ chức phân môn, không nên đi ngược theo cách cũ là dàn một khối kiến thức khổng lồ theo từng năm để làm sao nhồi nhét cho các em càng nhiều càng tốt. Nếu nhìn theo cách này, trong 3 năm học phổ thông trung học, các em sẽ lần lượt học hết các môn trong 3 nhóm - khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật - và có môn sẽ học thành 2 năm, nhưng đa số các môn chỉ cần học trong 1 năm.Vẫn còn đó vấn đề cơ sở vật chất, sự sẵn sàng của giáo viên, sự hợp tác của phụ huynh… không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đó là vấn nạn lâu năm của ngành giáo dục chứ không phải đợi đến khi áp dụng chương trình giáo dục mới mới nảy sinh! Nhưng đơn giản hóa chuyện chọn môn đã là giải quyết một ưu tư lớn của tất cả chúng ta hiện nay. Tags: Giáo dụcCải cách giáo dụcPhân banBộ giáo dụcChương trình học
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cờ đỏ sao vàng, mũ cối và tình cảm dành cho Bác Hồ tại Cộng hòa Dominica DUY LINH 22/11/2024 Người dân Cộng hòa Dominica, với những chiếc mũ cối cùng cờ đỏ sao vàng, đã xuất hiện tại công viên Hồ Chí Minh để chào đón các vị khách quý ngày 21-11.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...