TTCT - Lần đầu tiên sau hơn ba năm, nền kinh tế VN có chỉ số CPI âm. Đây là một chỉ dấu mà theo ông Nguyễn Thiệu - nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cho thấy “Chính phủ cần làm những việc khó để xử lý dứt điểm bất ổn kinh tế” đưa VN thoát vòng luẩn quẩn lạm phát - đình đốn - giảm phát - lạm phát. Phóng to Rất nhiều sạp phải đóng cửa hoặc treo bảng sang sạp vì buôn bán ế ẩm (ảnh chụp tại chợ Tân Bình, TP.HCM ngày 25-4-2012) - Ảnh: Minh Đức Theo ông Nguyễn Thiệu, trong bối cảnh hiện nay, CPI âm không phải tín hiệu đáng mừng, bởi là dấu hiệu giảm phát theo đúng vòng tròn mà chúng ta từng chứng kiến "lạm phát - suy giảm - lạm phát", cho thấy sức mua và gián tiếp là thu nhập và đời sống người dân đã suy giảm... Phóng to Ông Nguyễn Thiệu - Ảnh: Nguyễn Khánh3 lý do của giảm phát * Theo ông, tại sao vừa lạm phát cao, sau vài tháng đã có dấu hiệu giảm phát? Phải chăng các biện pháp chống lạm phát đã hơi "quá tay"? - Dấu hiệu của lạm phát - suy giảm này, theo tôi, là hệ quả một thời gian lạm phát kéo dài mà các biện pháp giải quyết chưa thật hợp lý. Thực tế mức tăng trưởng kinh tế mấy năm qua cứ giảm dần. Từ cuối năm 2011, nền kinh tế VN đã trượt theo chiều hướng không tốt: ngừng kinh doanh, ngừng chi tiêu... Trước là "lạm phát - tăng trưởng", nhưng suốt sáu tháng qua, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, đóng cửa, và nó là "lạm phát - trì trệ". Xu hướng này không được chặn đứng kịp thời nên việc CPI giảm là không bất ngờ. Tháng 7 tới, rất có thể CPI vẫn tiếp tục giảm, tạo ra khuynh hướng giảm phát. Một phần do tác động của giá thế giới, nhưng theo tôi có ba nguyên nhân chính: thứ nhất, thời gian lạm phát cao quá dài, bào mòn thu nhập của người làm công ăn lương; thứ hai, tầng lớp người nghèo đô thị, nông dân (chiếm đa số dân) thu nhập không tăng, gặp khó khăn nên sức mua giảm; thứ ba, một bộ phận khá đông người, thấy rõ nhất là khu vực bất động sản, bị mất việc hoặc giảm thu nhập. Một số doanh nghiệp khó khăn không được tiếp sức đã kéo theo cả dây chuyền bị khó khăn. Đáng lo là hiện nay giá gạo, giá cá tra, giá cà phê... và nhiều hàng nông sản khác vẫn trong xu hướng giảm khiến thu nhập và đời sống nông dân tiếp tục khó khăn... Chống suy giảm: phải dám làm việc khó * Sự trồi sụt của kinh tế VN phải chăng do ta mới chữa triệu chứng mà chưa cải cách, diệt từ gốc bất ổn? - Suốt từ năm 2008 doanh nghiệp đã gặp khó khăn, người dân cũng khó khăn. Chúng ta cũng mới bị một đợt suy giảm, lạm phát năm 2009. Và thực tế là tăng trưởng của chúng ta đã theo chiều hướng giảm. Nếu như trước đây ta tăng trưởng 9%/năm thì mấy năm 2007-2009 chỉ còn ở mức 7-8%. Từ năm 2011, khả năng tăng trưởng của VN chỉ khoảng 6-6,5%. Nếu cứ theo đà này, chúng ta sẽ đối mặt nguy cơ khó thoát khỏi ngưỡng thu nhập 1.000 USD/người/năm. Ngưỡng này được nói là ngưỡng thu nhập trung bình, nhưng với thu nhập đầu người cỡ 20 triệu đồng/người/năm như thế, thực chất là mức nghèo. Vì vậy, rõ ràng mệnh lệnh từ cuộc sống cần cải cách và phải làm nghiêm túc từ nguyên nhân sâu xa, gốc rễ gây tình trạng lạm phát, suy giảm. Nếu không chúng ta sẽ lại phải chạy theo vòng luẩn quẩn: lạm phát - suy giảm - lạm phát... Thời gian qua chúng ta đề ra nhiều giải pháp nhưng chủ yếu là ngắn hạn. Còn tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước... đã làm được gì cơ bản đâu. * Theo ông, các giải pháp Chính phủ vừa đưa ra đã đủ để chống suy giảm và đủ nhìn thấy lối ra, tránh vòng luẩn quẩn chưa? - Theo tôi, việc Chính phủ đưa ra các giải pháp như giảm lãi suất, giãn, giảm thuế, tăng chi tiêu... là đúng. Tuy nhiên, dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể thoát ra phải nói thật là chưa. Doanh nghiệp vẫn bảo lãi suất giảm nhưng họ đâu có bán được hàng, có hạ lãi suất cũng thế thôi. Nghĩa là các biện pháp của Chính phủ mới hỗ trợ được một nửa vấn đề. Chính phủ phải giúp doanh nghiệp giải quyết một nửa khó khăn nữa, đó là tăng được "cầu" lên. Giãn, giảm thuế, tăng lương đúng rồi, nhưng tác dụng vẫn còn hạn chế. Vì vậy, cần tính toán tăng chi tiêu, nhưng để chống lạm phát quay trở lại phải dùng vốn hiệu quả, không tăng thêm tiền lưu thông. Kinh tế sắp tới có nhúc nhắc được không phụ thuộc các biện pháp tăng cầu có đủ, có hiệu quả không. Tiếc là các biện pháp này tôi chưa thấy bàn đến nhiều. Nhiều người nói một bộ phận doanh nghiệp khá lên sẽ tạo ra cầu, nhưng chu trình sản xuất cuối cùng phải là bán được hàng cho dân thì mới là cầu thật sự. Nếu không giải quyết khâu cuối cùng kia thì chỉ được một thời gian, cầu giữa các doanh nghiệp với nhau sẽ tắc. * Ngoài giải pháp tạo "cầu", những cải cách sâu rộng, giải quyết gốc rễ của bất ổn kinh tế, tạo đà đi lên bền vững theo ông là gì? - Rất tiếc là đến nay vẫn chưa có tổng kết nào về giai đoạn kinh tế trồi sụt liên tục vừa qua để đưa ra bài học, dù nó là giai đoạn rất khó khăn, rất đáng phải rút kinh nghiệm. Không nên cho rằng do thế giới mà nên dũng cảm nhìn nhận để tránh. Tôi cho rằng hiện tại lạm phát đã bị chặn, nên các biện pháp chống giảm phát có dễ dàng hơn so với việc phải chống suy giảm trong điều kiện lạm phát cao. Điều đầu tiên chúng ta cần làm là giúp doanh nghiệp giảm được chi phí. Khi giảm chi phí, giảm được giá, bản thân nó cũng tạo ra cầu. Trong điều kiện hiện nay, cái nằm trong tầm tay, Nhà nước có thể giúp ngay, đó chính là giảm "chi phí không tên", chi phí lót tay, tiêu cực phí, chi phí hành chính, chi phí thời gian khi nộp thuế... của doanh nghiệp. Bộ Công thương cần quyết liệt giảm các chi phí trung gian trong phân phối, lưu thông. Thứ nữa là cần phải tạo cơ hội phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp tư nhân. Ta đã nói cả chục năm qua phải cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhưng theo tôi, cần tạo điều kiện hơn phát triển kinh tế tư nhân. Nhiều lĩnh vực tư nhân làm rất hiệu quả, nhưng nhiều khi họ phải đi làm thuê cho những doanh nghiệp nhà nước được chỉ định thầu. Dư địa cho phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều và đây chính là cơ hội để nền kinh tế sống động trở lại. Vấn đề là ta quyết tâm làm đến đâu mà thôi. * Nhưng vẫn chưa có gì khẳng định bằng giờ này năm sau ta không phải bàn lại chuyện làm sao giảm lạm phát? - Phải nói một trong những nguyên nhân cần tập trung vào điều chỉnh là biện pháp điều hành. Nhiều lĩnh vực chúng ta vẫn thích dùng biện pháp hành chính, nặng kế hoạch tập trung. Như cứ đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng lên trên một đối tượng luôn biến động là thị trường, nhiều khi còn cưỡng chế nó, nên sau này sinh ra những tật khác. Chúng ta phải điều hành theo thị trường và theo hiệu quả. Có người nói vốn FDI đã rút ra khỏi VN và chuyển sang Malaysia vì môi trường kinh doanh tại VN không cải thiện, trong khi các nước luôn cố cải thiện. Và tham nhũng cũng là một lý do khiến nhà đầu tư rời đi. Nhà nước nên đối diện với thực tế này để quyết tâm cải cách. Đáng lẽ chúng ta phải cải cách cách đây 10 năm rồi và nếu cải cách, có thể chúng ta đã tránh được những khó khăn hiện nay. Điều đáng sợ nhất là VN có thể vào giai đoạn giảm sút nhịp độ tăng trưởng. Chúng ta mới thu nhập hơn 1.000 USD/người/năm mà dừng lại thì rất nguy hiểm, đất nước sẽ mãi nghèo, mãi phải vật lộn với những vấn đề nội tại. Vì vậy, cần kiên quyết cải cách để bổ sung động lực tăng trưởng, tránh những bất ổn do cơ chế tạo ra. Giảm phát nguy hiểm không kém lạm phát Nếu như lạm phát có thể coi là cơ thể bị ốm sốt thì suy giảm cũng nguy hiểm không kém, khi cơ thể bị suy nhược do yếu lâu ngày. Theo tôi, đến nay dù chưa thể khẳng định chắc chắn nền kinh tế VN đã rơi vào giảm phát - một hệ quả kinh tế khá nặng nề - nhưng những dấu hiệu của nó đã thể hiện khá đầy đủ. Nếu lạm phát nhưng vẫn tăng trưởng thì người dân vẫn có việc làm, chỉ phải chịu giá cả cao thì nay nhiều người mất việc làm, trong khi chi tiêu so với tháng trước giảm, nhưng so với năm trước thì vẫn tăng. Suy giảm kinh tế thực chất rất nguy hiểm, bởi như thế doanh nghiệp khó khăn, người dân mất việc làm hoặc thu nhập giảm, Nhà nước thu thuế cũng giảm. Nếu không giải quyết nhanh để trì trệ kéo dài sẽ làm đời sống người dân đi xuống, Nhà nước không đủ nguồn lực đầu tư giáo dục, y tế, hạ tầng... Điều này kéo theo suy giảm đầu tư nước ngoài, tiếp tục kéo kinh tế đi xuống... Tags: CPIKinh tế VNLạm phátVòng luẩn quẩnTiêu điểmNguyễn Thiệu
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.