Đối với khoản đầu tư và quá trình hoạt động của Intel tại Việt Nam, xét về mục tiêu kinh doanh, đây là một dự án thành công và việc Intel sẽ tiếp tục các hoạt động ở Việt Nam trong tương lai gần là không bàn cãi.
Tuy nhiên, nhìn vào mục tiêu hình thành cụm ngành công nghệ cao của Việt Nam khi đưa ra những ưu đãi lớn để thu hút Intel và các FDI thì kết quả chưa như kỳ vọng. Sâu xa hơn là các nền tảng tạo ra năng suất và hiệu quả để các doanh nghiệp FDI gắn bó lâu dài và các doanh nghiệp trong nước có thể vươn xa, cạnh tranh toàn cầu.
Đây cũng chính là lý do khiến Chính phủ luôn thúc giục việc thúc đẩy mạnh cải cách thủ tục và cần có các cơ chế hiệu quả hơn để thu hút và giữ chân các dự án FDI.
Tuy vậy, trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm hiện nay và những vấn đề nội tại, quả là rất thách thức để Việt Nam có thể giữ chân trong dài hạn và thu hút các khoản đầu tư toàn cầu tiếp theo của Intel cũng như các doanh nghiệp FDI khác nếu không có cách làm khác vượt trội hơn.
Thực tế cho thấy thời gian qua FDI đa số là các dự án dạng "ốc đảo", ít lan tỏa và kết nối với nền kinh tế trong nước.
Vận hành của Intel Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp FDI khác về cơ bản chỉ gói gọn trong phạm vi nhà máy cộng với một số hoạt động xã hội.
Điều này được thể hiện rất rõ trong các con số vừa được Intel đưa ra gần đây và báo cáo đánh giá tác động 10 năm đầu tư của Intel tại Việt Nam do Đại học Fulbright Việt Nam thực hiện và tác giả bài viết này là chủ nhiệm.
Kết quả phân tích cho thấy phần giá trị gia tăng trực tiếp (tiền lương và thuế) mà Việt Nam được hưởng chưa đến 1% giá trị xuất khẩu. Ngoài khâu lắp ráp, tất cả các cấu phần khác của cụm ngành gần như trống vắng.
Chỉ một số ít doanh nghiệp trong nước cung cấp các dịch vụ và sản phẩm đơn giản như đóng gói, căng tin và bảo vệ. Điều này rất khác với cách Trung Quốc đã làm, được thể hiện trong bài phân tích "Tại sao Apple không thể rời Trung Quốc" trên báo Financial Times gần đây.
Cùng khoảng thời gian nhưng Trung Quốc đã tạo dựng được những hệ sinh thái không chỉ giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài mà còn là nền tảng của một nước phát triển.
Trên thực tế, các nhà máy dạng "ốc đảo" gia công các mặt hàng công nghệ cao chỉ cần mặt bằng, nguồn điện ổn định và lao động đáp ứng yêu cầu. Đây là lợi thế và Việt Nam đã đánh cược cách đây gần hai thập niên. Tuy nhiên, giờ đây đang rất khó và rất không nên tiếp tục.
Việt Nam cần cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với bộ máy hiệu quả. Dù vậy tiến triển đang rất chậm.
Viettel chỉ tuyển được 100 trong 2.000 sinh viên xuất sắc cho thấy vấn đề của hệ thống giáo dục; làn sóng lao động chất lượng cao định cư ở nước khác đang gia tăng; hạ tầng ở hai đô thị trung tâm đang yếu và thiếu; và bộ máy rất khó nhanh và hiệu quả khi nỗi sợ sai đang bao trùm. Nhiều nước đi sau sẵn sàng đặt cược và những nước đi trước có những điều kiện tốt hơn.
Do vậy, nếu không khẩn trương thì sẽ rất khó cho Việt Nam, ngay cả với doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam.
Đầu tư của Intel vào Việt Nam gần nhất là tháng 1-2021 và lũy kế chưa bằng 1% giá trị các dự án Intel công bố trong hơn hai năm qua (hơn 157 tỉ USD với 7 tỉ USD vào Malaysia).
Chúng ta nên lưu ý rằng dù đã hứa hẹn nhưng Intel đã chuyển ngay nhà máy khỏi Costa Rica khi cần thiết.
Trái lại, khi tạo dựng được các nền tảng thì cho dù các doanh nghiệp FDI có rời đi kinh tế của Trung Quốc cũng đã rất vững chắc.
Do vậy, Việt Nam cần hành động để có được vị trí như Trung Quốc và các nước thành công khác thay vì chỉ ở mức vừa phải và trở thành nước thu nhập trung bình như hiện nay.
Hơn vậy, chúng ta cần tránh việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rời đi do mất lợi thế hoặc họ chỉ ở lại và đầu tư thêm vì những khoản ưu đãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận