Cải cách chương trình giáo dục phổ thông: đâu là cần và đủ?

PHẠM THỊ LY 04/11/2015 18:11 GMT+7

TTCT - Chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta đã trải qua nhiều lần cải cách nhưng vẫn không tạo ra được một sự thay đổi đáng kể nào trong chất lượng giáo dục. Điều này có nhiều lý do, nhưng trước hết là vì chúng ta thiếu cả điều kiện cần (một quan điểm nhất quán và khác biệt về chất so với những quan điểm thể hiện trong chương trình hiện hành) lẫn điều kiện đủ (những thiết chế cần thiết để thực hiện các quan điểm ấy) trong các trường phổ thông và trong cả hệ thống.

Ngay từ khi ở những lớp nhỏ, các em học sinh đã cần một môi trường để phát huy tính sáng tạo-T.T.D.
Ngay từ khi ở những lớp nhỏ, các em học sinh đã cần một môi trường để phát huy tính sáng tạo-T.T.D.

Những cải cách tạm gọi là “nửa vời” này đã làm giảm lòng tin của xã hội đối với những nỗ lực đổi mới. Vì vậy, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng nhắm đến những kết quả cụ thể mà các bên liên quan có thể thấy được là một nhu cầu hết sức cấp bách.

Nền tảng cho chương trình mới

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến đã thể hiện một sự khác biệt căn bản so với chương trình hiện hành. Trước hết là chuyển từ một nền giáo dục cung cấp kiến thức thành một nền giáo dục nhằm vào phát triển năng lực.

Điều này đã được nói nhiều, nhưng vấn đề là chương trình hiện hành và cách thức đánh giá kết quả học tập hiện nay của chúng ta không thể hiện mục tiêu ấy, và không tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện điều này.

Một số thành tích nổi bật mà học sinh Việt Nam đạt được trong các kỳ thi quốc tế chỉ nói lên một điều là học sinh Việt Nam có đầy đủ tiềm năng phát triển trí tuệ không thua kém ai. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, thị trường lao động không quan tâm đến việc học sinh của chúng ta làm bài thi được bao nhiêu điểm, mà chỉ quan tâm đến việc họ làm được những gì và có khả năng để học cái mới hay không; chỉ cần biết tới năng lực giải quyết vấn đề và thái độ trong công việc của họ.

Tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình của nhiều nước, chương trình dự thảo được thiết kế trên cơ sở nhấn mạnh quy định yêu cầu cần đạt đối với học sinh, phạm vi và cấu trúc nội dung môn học; phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục (trong đó không chỉ có giảng dạy mà còn là các hoạt động trải nghiệm); và cách thức đánh giá kết quả giáo dục.

Tất cả các thành tố của chương trình đều hướng tới mục tiêu cần đạt của từng bộ môn và từng cấp lớp, vì vậy những năng lực mà chúng ta mong muốn học sinh đạt được không phải chỉ đóng vai trò như một tuyên ngôn, mà nó thật sự chi phối nội dung và phương pháp giáo dục. Nguyên tắc này nhất quán trong toàn bộ chương trình.

Những phẩm chất và năng lực học sinh cần đạt đã được xác định trên cơ sở cân nhắc điều kiện thực tế của Việt Nam và nhu cầu xây dựng con người công dân trong một thế giới toàn cầu hóa. Những phẩm chất đó là biết yêu thương, sống tự chủ và có trách nhiệm.

Những năng lực chung chủ yếu được xác định bao gồm: năng lực tự học; tự giải quyết vấn đề; năng lực thẩm mỹ; năng lực thể chất; năng lực giao tiếp; năng lực hợp tác; năng lực tính toán; năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Tất cả đều là những năng lực cốt lõi và có ý nghĩa thực tế.

Một điểm mới là chương trình lần này được thiết kế với mức độ linh hoạt cao nhằm đáp ứng những mối quan tâm và khả năng đa dạng của học sinh: có một số môn bắt buộc, kết hợp với nhiều môn tự chọn. Nhờ vậy chúng ta có thể kết hợp giữa việc bảo đảm một số năng lực cốt lõi, đồng thời cá nhân hóa quá trình giáo dục phù hợp với đặc điểm riêng của từng học sinh.

Điều này có ý nghĩa quan trọng vì khích lệ học sinh khẳng định năng khiếu và sự khác biệt, nền tảng nuôi dưỡng khả năng sáng tạo và thái độ dám chấp nhận rủi ro khi đi tìm cái mới.

Một điểm mới khác là kết hợp giữa tích hợp ở các lớp dưới và phân hóa ở các lớp trên, phù hợp với xu hướng quốc tế, nhằm nhấn mạnh khả năng lựa chọn và trao quyền lựa chọn cho học sinh gắn với những nỗ lực hướng nghiệp. Tích hợp không chỉ nhằm giảm tải mà còn giúp học sinh vận dụng kiến thức của những lĩnh vực khác nhau vào việc hiểu biết hay xử lý một vấn đề.

Trên đây là những nét chính trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Có thể nói những khác biệt so với chương trình hiện hành là rất lớn, và nếu thực hiện được sẽ tạo ra chuyển biến về chất. 

Vì vậy, với những tư tưởng nói trên, có thể nói rằng trong lần đổi mới chương trình này, cho đến nay chúng ta đã có điều kiện cần. Vậy, những điều kiện đủ để thực hiện những tư tưởng ấy trong thực tiễn giáo dục là gì?

Vấn đề giáo viên và thiết chế

Có rất nhiều yếu tố làm thành điều kiện đủ cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong bài này chúng tôi chỉ đề cập hai vấn đề thiết yếu nhất và trong tầm tay của Bộ GD-ĐT: Với giáo viên là vấn đề chất lượng và động lực, kế đến là cơ chế quản lý nhà trường.

Lẽ dĩ nhiên, một thách thức đập ngay vào mắt chúng ta là vấn đề giáo viên. Không có vấn đề nào quan trọng bằng vấn đề giáo viên, vì ai cũng biết người thầy có vai trò cốt tử như thế nào trong giáo dục phổ thông, nhất là những lớp dưới. Có hai khía cạnh quan trọng liên quan đến vấn đề giáo viên. Một là năng lực và phẩm chất người thầy.

Tài liệu của Bộ GD-ĐT nhận định “Đội ngũ giáo viên phổ thông gần 100% đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo”, chúng tôi e rằng chữ “chuẩn” ở đây chỉ có nghĩa là bằng cấp. 

Chưa có bất cứ nghiên cứu nào được thực hiện một cách độc lập, có hệ thống, dựa trên những phương pháp đáng tin cậy để đánh giá mức độ hài lòng của phụ huynh đối với chất lượng giáo dục ở phổ thông hiện nay, trong đó có chất lượng người thầy.

Nhà báo Hà Thạch Hãn gần đây kể câu chuyện 22 năm trước anh dự lễ khai giảng ở Trường trung học Sư phạm TP.HCM đã hết sức bất ngờ khi biết kết quả đầu vào kiểm tra hai môn văn - toán của lớp cử tuyển có gần 30 thí sinh đạt điểm 0/20! Tất nhiên tình hình hiện nay đã khác do chính sách miễn học phí, sau này đầu vào đã khá hơn, hiện nay thì chúng ta đang thừa giáo viên, nhất là vì số học sinh phổ thông đang giảm.

Dĩ nhiên Bộ GD-ĐT đã có dự tính những kế hoạch tập huấn trực tuyến và đào tạo nâng cao. Tuy vậy, chúng ta không nên xem nhẹ thách thức của vấn đề năng lực và phẩm chất người thầy. Thay đổi một cách nghĩ đã ăn sâu không chỉ một vài chục năm mà là hàng nghìn năm. Tương tác giữa thầy và trò ở bậc học phổ thông vô cùng quan trọng.

Vì vậy có thể nói thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của đội ngũ. Đào tạo và tái huấn luyện đội ngũ giáo viên để họ am hiểu cách tiếp cận giáo dục mới và thực thi tinh thần ấy là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là khía cạnh thứ hai của vấn đề: động lực làm việc của người thầy.

Mặc dù tiền không đủ để mua sự ưu tú, nhưng không có tiền thì gần như chắc chắn rất khó đạt được sự ưu tú, nếu ta không kể đến những ngoại lệ. Khi thu nhập chính thức của giáo viên không đủ sống và thấp hơn nhiều ngành nghề khác thì phần lớn tâm trí của họ phải đặt vào việc kiếm sống, trong đó có những việc tổn hại tới tư cách người thầy.

Vì thế, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới không thể tách rời bài toán tài chính giáo dục. Trong điều kiện nguồn lực công hạn hẹp, khuyến nghị của chúng tôi là xem tiền lương giáo viên như một ưu tiên hàng đầu, trước khi đầu tư cho cơ sở vật chất hay trang thiết bị. Nhà nước đảm bảo những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, và tối đa khả dĩ về điều kiện sống của người thầy và của chất lượng chương trình.

Dù trường công hay tư, giáo viên đều được hưởng một mức sống trung bình trong xã hội mà không phải làm bất kỳ việc gì khác, nhất là không phải trông đợi những khoản đóng góp dưới mọi hình thức của phụ huynh học sinh. Nếu không làm được điều này thì quả là rất khó nói đến bất cứ sự đổi mới nào về chất lượng.

Hoạt động của giáo viên không thể tách rời cơ chế quản lý của nhà trường. Dự thảo nói rõ: “Chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 đổi mới rất nhiều, có những đổi mới căn bản, tất yếu trường phổ thông cũng phải đổi mới căn bản mới đáp ứng được, quan trọng nhất là đổi mới cơ chế quản lý nhà trường theo hướng dân chủ hóa, xã hội hóa; nhà trường được tự chủ, được giám sát và chịu trách nhiệm giải trình”.

Tuy vậy, dự thảo không giải thích những cụm từ “dân chủ hóa”, “xã hội hóa”, “tự chủ”, “trách nhiệm giải trình” thực chất có nghĩa là gì và cũng không nói rõ hơn bằng cách nào những đòi hỏi trên đây có thể thực hiện được.

Cụm từ “xã hội hóa” xuất hiện chính thức lần đầu năm 1996, được Chính phủ giải thích cụ thể ở nghị quyết 90/CP năm 1997. Trong các văn bản này, xã hội hóa được hiểu là “huy động tiềm năng nhân lực, vật lực, tài lực của toàn xã hội, trên cơ sở đổi mới cơ chế quản lý, đa dạng hóa hoạt động và các nguồn đầu tư nhằm tạo điều kiện để toàn bộ xã hội được hưởng thụ tốt hơn các dịch vụ y tế, giáo dục”.

Mục tiêu của xã hội hóa là để toàn xã hội được hưởng thụ tốt hơn, chứ không phải là để trút gánh nặng tài chính từ Nhà nước sang vai người dân và để cho bất bình đẳng về cơ hội gia tăng.

Vì thế, cần trả lại cho cụm từ này ý nghĩa đích thực của nó như đã được nêu trên, tức là tăng cường sự tham gia của các bên liên quan không chỉ trong vấn đề tài chính và không chỉ dưới hình thức đầu tư tư nhân, mà là trong cả quá trình giáo dục nhằm đạt tới mục tiêu một nền giáo dục tốt hơn cho con em chúng ta.

Cụ thể là phải tăng cường tiếng nói của xã hội, và đặc biệt là phụ huynh, trong việc lãnh đạo nhà trường. Cần chấm dứt ngay lối hoạt động của hội phụ huynh hiện nay mà nhiều người đã gọi một cách mỉa mai là “hội phụ thu”, tức chỉ làm một việc là thu tiền. Phụ huynh là người có động lực mạnh mẽ nhất tham gia quá trình giáo dục, vừa giám sát trách nhiệm giải trình của nhà trường vừa hỗ trợ nhà trường bằng những cách trong khả năng của họ.

Cách ngân sách cấp nhỏ giọt không đủ bù chi và tiền lương giáo viên quá thấp hiện nay đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường giáo dục. Nếu ngân sách không thể tăng thì phải thay đổi cách cấp phát ngân sách. Học phí được tính đủ một lần, ngoài ra không có bất kỳ khoản đóng góp nào khác. Bất cứ học sinh phổ thông nào cũng được quyền học ở trường công. Nếu muốn học ở những trường sở khang trang hơn thì học ở trường bán công và trường tư. ■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận