21/02/2012 07:26 GMT+7

Cải biên di sản để... bảo vệ khẩn cấp

GS.TSKH TÔ NGỌC THANH(chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN)
GS.TSKH TÔ NGỌC THANH(chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN)

TT - Không lâu sau khi hát xoan được Unesco công nhận, tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng đề ra một chiến lược hành động đưa hát xoan thoát khỏi tình trạng “bảo vệ khẩn cấp” để trở thành di sản văn hóa đại diện của nhân loại vào năm 2015.

VTeK7Zud.jpgPhóng to
Cải biên lời hát xoan cổ, ghép nhạc mới... đang trở nên thịnh hành - Ảnh: Hà Hương

Coi đó là một cách thử nghiệm để quảng bá rộng rãi đến công chúng, nhưng việc tạo ra một loại hình “xoan mới” (với lời hát, điệu bộ được cải biên) để quảng bá hát xoan đang vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhà nghiên cứu lẫn nghệ nhân hát xoan.

Chèo hóa hát xoan

Ngay trong lễ vinh danh hát xoan diễn ra sáng 18-2 tại Phú Thọ, “xoan mới” với phần ghép nhạc hiện đại, trang phục kiểu hát chèo, lời lẽ pha giữa xoan, hát trống quân, chèo... đã làm nhiều nghệ nhân ở các làng xoan cổ kinh ngạc. Một nghệ nhân đến từ phường xoan Thét (xã Kim Đức, TP Việt Trì) bày tỏ: “Bao nhiêu năm hát, ghi chép đủ 13 quả cách của hát xoan, tôi chưa thấy điệu hát nào... buồn cười như thế. Xoan cổ không như thế đâu, tiết mục này từ cách hát đến cách đưa tay đều giống hệt chèo”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan (người trực tiếp tham gia viết hồ sơ hát xoan đệ trình UNESCO) phân tích: “Họ đã cách tân toàn bộ chặng hát giao duyên mà nói đúng theo cách của xoan là phần đi chơi bởm gái. Đây là một phần trong lịch sử hát xoan được cộng đồng đón nhận nhiều nhất, yêu thích nhất, nếu bóp méo phần này đi sẽ làm hỏng hát xoan trong đời sống cộng đồng. Như vậy, họ đã biến lối trình diễn, ca hát của xoan thành lối trình diễn ca hát của chèo”.

Trình diễn lối “xoan mới” này là những diễn viên nhà hát chèo của tỉnh, chiếc áo năm thân kín đáo của xoan được thay bằng áo tứ thân kiểu chèo, cái liếc mắt cũng rất chèo. Nó chỉ khác chèo ở một điểm là lời xoan cổ bị bóp méo nhiều, kéo giãn ra và ghép nhạc mới vào. Nghệ nhân hát xoan Nguyễn Thị Lịch (“trùm xoan” của phường xoan An Thái, xã Phượng Lâu, TP Việt Trì) chia sẻ: “Nhìn kỹ sẽ thấy xoan gốc khác xoan mới từ điệu hát đến cái đưa đẩy của ngón tay. Ở phường xoan, các nghệ nhân truyền dạy rất tỉ mỉ, thể cách bao đời không bao giờ được thay đổi. Xoan mới có vẻ rộn ràng hơn nhưng đó không phải là xoan mà các nghệ nhân phường xoan truyền dạy”. Nghe điệu xoan mới, nghệ nhân nhiều tâm huyết này cũng bày tỏ âu lo: nguy cơ lớn nhất là nếu mang xoan mới đi trình diễn, người ta sẽ hiểu xoan Phú Thọ chính là cái đã cải biên, điều đó rất dở!

Vì xoan cổ thiếu tưng bừng?

Xoan cổ vẫn còn hi vọng!

Di sản xoan cổ vẫn có thể được bảo tồn nguyên dạng vì chúng ta đã có bài học cay đắng từ quan họ. Hơn nữa, hát xoan là loại hình nghệ thuật bám rễ vào tín ngưỡng, còn quan họ thì không. Ở trong các phường xoan, các nghệ nhân vẫn giữ lối truyền dạy xoan cổ cho học trò.

“Nói chung tâm lý người ta muốn có cái gì đó tưng bừng, mà xoan cũ thì không tưng bừng” - đó là lý giải của ông Phạm Bá Khiêm (phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ) về nguyên nhân “ra đời” của xoan mới. Ông Khiêm cho rằng đây là giai đoạn thử nghiệm để đưa hát xoan lên sân khấu, quảng bá rộng rãi đến công chúng và hoàn toàn không đi ngược với khuyến cáo của Unesco về bảo tồn di sản nguyên dạng. “Chưa biết xoan nào sẽ thắng thế, nhưng đây là giai đoạn thử nghiệm, có thể có cái được cái chưa được, chúng tôi sẽ tiếp thu và cải tiến”, ông Khiêm nói.

Còn ông Nguyễn Ngọc Ân (giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ) khẳng định: “Trong đề án bảo tồn và phát huy di sản hát xoan thì có việc đưa xoan đương đại vào các loại hình nghệ thuật như chèo, kịch...”. Ông Ân cũng cho rằng đây là động thái đưa di sản “hòa nhập” vào xu thế hiện đại và việc tạo ra những bài Xoan mới được giới trẻ rất yêu thích.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan: “Việc cải biên hát xoan là chủ trương của tỉnh Phú Thọ, giao cho đoàn chèo cách tân các bài hát trong chặng hát giao duyên. Tôi biết họ đã mang đi trình diễn nhiều nơi với mục đích quảng bá di sản hát xoan Phú Thọ. Nếu cứ như thế này thì người hiện đại sẽ không thể hiểu thế nào là xoan nữa. Tôi đã cảnh báo khá nhiều lần với tỉnh nhưng tình hình có vẻ vẫn chẳng thay đổi”.

Chứng kiến toàn bộ phần trình diễn, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh gay gắt: “Làm gì có xoan mới, ở đời chỉ có một xoan thôi. Không thể chủ trương hiện đại hóa văn hóa mà trong đó có di sản hát xoan được, bởi vì văn hóa vốn là lịch sử và chiều sâu”.

Có rất nhiều lý do mà lãnh đạo Phú Thọ đưa ra để giải thích cho sự cải biên này: hát xoan phải làm du lịch, lời lẽ đơn giản, trang phục kín đáo của xoan cổ không thu hút khi lên sân khấu... Tuy vậy, trong giai đoạn hồi sinh hát xoan thì việc làm đầu tiên chính là đưa hát xoan trở về giá trị gốc vốn có của nó. Nói như nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan thì: nghệ thuật hát xoan là nghệ thuật chân thật, chữ chân thật là chữ được Unesco đánh giá cao. Nếu giờ làm theo kiểu diễn chèo thì nghệ thuật đấy không còn chân thật nữa!

GS.TSKH TÔ NGỌC THANH(chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên