TTCT - Nhiều công ty lớn ở Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp cực đoan, thậm chí đưa nhau ra tòa, để giữ chân nhân viên trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Minh họa: Aïda Amer/AxiosChưa nói tới chuyện xuất ngoại tìm nơi biết trọng dụng tài năng của mình, nhân sự trong nhiều ngành nghề đang bị ảnh hưởng bởi điều khoản không được đầu quân cho đối thủ trong hợp đồng lao động.Thỏa thuận không cạnh tranh (Non-Compete Agreement, NCA) phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, với mục đích bảo vệ bí mật thương mại của công ty, thường áp dụng cho vị trí cấp cao tránh họ gia nhập công ty đối thủ trong một khoảng thời gian nhất định. Vi phạm thỏa thuận sẽ bị kiện, bị phạt to.Sau khi nghỉ việc ở một công ty có ký NCA, người lao động không thể xin việc ở công ty cùng ngành. Một là đổi ngành, hai là chờ hết thời gian ký điều khoản, mà lúc đó thì vô cùng khó để gia nhập thị trường trở lại. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Quốc, nơi các công ty lớn áp dụng nhiều biện pháp cực đoan, thậm chí đưa nhau ra tòa, để giữ chân nhân viên trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, theo tạp chí Nikkei Asia.Không ký không xong, ký thì đi tongCuối tháng 2, Emma, 24 tuổi, cựu nhân viên Pindoudou (PDD, ứng dụng mua sắm giá rẻ hàng đầu tại Trung Quốc), tự tử hụt. Cô tìm tới cái chết vì bế tắc, không đào đâu ra gấp ba số tiền thu nhập hằng năm để bồi thường cho công ty cũ vì vi phạm NCA. Trước đó, Emma làm ở PDD hơn 12 tiếng mỗi ngày, không có ngày nghỉ suốt 8 tháng. Sau khi sụt 5kg và được chẩn đoán mắc bệnh cường giáp, cô xin nghỉ việc. Emma nói công việc hiện tại của cô là giao dịch với các nhà sản xuất đồ chơi nước ngoài, không dính dáng gì đến chuyên môn trước đây ở PDD là làm việc với nhà cung cấp thực phẩm nội địa.Theo Nikkei Asia, rời xa mục đích ban đầu, NCA đang trở thành công cụ đắc lực cho các công ty ngăn chặn nhân viên cấp dưới, kể cả lao công, gia nhập công ty đối thủ và lấy tiền phạt từ họ. 11 cựu nhân viên khác của PDD cũng đăng đàn chỉ trích công ty lạm dụng điều khoản không cạnh tranh cản trở quyền tìm việc làm và sinh kế của người lao động. Ít nhất 3 trong số 11 người này nói họ được chẩn đoán trầm cảm nặng sau khi bị khởi kiện. Một kỹ sư phần mềm thâm niên 4,5 năm cho hay đã tìm cách tự tử bằng cách lên nóc trụ sở PDD rồi nhảy xuống vì công ty buộc anh bồi thường 620.000 USD. Toàn bộ các cựu nhân viên này từ chối trả tiền bồi thường với lập luận mình không phải quản lý hay kỹ thuật viên cấp cao, trong khi tường lửa của PDD vô cùng nghiêm ngặt giữa các phòng ban nên không có cách nào họ lấy được bí mật thương mại để làm lộ."Bằng cách mở rộng phạm vi của điều khoản không cạnh tranh, các công ty đã sử dụng nó sai mục đích. Dù được xem là một thỏa thuận chung giữa hai bên, nhưng nếu người lao động không ký thì gần như không thể nhận việc. Nhiều nhân viên không hiểu hệ quả tiềm ẩn, hoặc đọc qua loa về các điều khoản này, nên đã ký" - Trầm Tiêm Phong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu luật lao động và luật an sinh xã hội tại Đại học Tài chính và Kinh tế trung ương (Bắc Kinh), nói với Nikkei Asia.Như trường hợp của Emma, vào ngày đầu tiên làm việc tại PDD, cô được yêu cầu ký một "thỏa thuận sở hữu trí tuệ, không cạnh tranh và bảo mật", nghỉ việc ký thêm một "thư thông báo". Theo đó, nếu chấm dứt hợp đồng lao động, cô được nhận 330 USD (tương đương 30% mức lương cơ bản mỗi tháng), với điều kiện không làm việc cho các công ty đối thủ hoặc bất kỳ chi nhánh nào mà công ty đó có cổ phần hơn 20% trong 9 tháng tới. Nếu phá vỡ thỏa thuận, Emma sẽ phải trả cho PDD 24 tháng lương và trả lại số tiền bồi thường mà cô đã nhận.Dù có chút do dự, nhưng Emma và hàng triệu nhân viên trẻ của các công ty khác ở Trung Quốc cũng đã ký, với niềm tin rằng công ty sẽ không "làm khó dễ gì quá" với vị trí thấp và "không nắm giữ bất kỳ bí mật thương mại nào". Nhưng họ đã lầm.Dùng đủ chiêu để làm bằng chứng trước tòaSau khi phân tích hàng trăm tài liệu tòa án, phỏng vấn hàng chục nhân viên công nghệ và chuyên gia pháp lý, Nikkei Asia vạch ra nhiều "chiêu" mà các công ty Trung Quốc dùng để thu thập dữ liệu làm bằng chứng trước tòa: rình rập, quay lén.Emma đã rất sốc khi nhận đơn kiện của PDD yêu cầu cô bồi thường 38.500 USD, với bằng chứng trước tòa là loạt video bí mật quay cảnh cô rời nơi ở đến nơi làm việc mới trong khoảng 7-14 ngày. Xem các video này khiến cô nhớ lại đã có người đàn ông to con theo dõi mình nhiều tuần, lén lút ghi hình từ xa, có thể thấy rõ bóng của ông ta ở một số cảnh quay.Theo số liệu của Tòa án Tối cao Trung Quốc, năm 2020, số lượng phán quyết liên quan đến các điều khoản không cạnh tranh cao gấp 4 lần so với năm 2015. Trùng hợp thay, đây là quãng thời gian mà nhiều công ty công nghệ nước này mở rộng kinh doanh vũ bão. Tuy vậy, con số trên có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì nhiều trường hợp tự thỏa thuận để giải quyết tranh chấp chứ không đưa ra tòa.Bị cáo và luật sư thường ra sức phản đối các video quay lén, nhưng thẩm phán chấp nhận chúng như bằng chứng thuyết phục. Giới pháp lý của Trung Quốc cho rằng luật bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư khó mà hỗ trợ cho nhân viên trong trường hợp này, vì các công ty lập luận video được quay ở nơi công cộng.Chưa kể, nhiều công ty cử nhân viên hiện tại đi xin việc ở công ty đối thủ để thu thập bằng chứng về việc đồng nghiệp cũ đang làm việc ở đó. Bài bản hơn, họ gửi hàng hóa hay hoa đến công ty đối thủ và yêu cầu người nhận cụ thể ký tên xác nhận địa chỉ nhận hàng. Hoặc nếu tòa cho phép, công ty sẽ yêu cầu trích xuất hồ sơ đo thân nhiệt nhân viên tại nơi làm việc mới trong đại dịch Covid-19, và hồ sơ an sinh xã hội của họ. Đối với những nhân viên ra lập công ty, họ khởi kiện vì cho rằng công ty mới cạnh tranh trực tiếp. Các luật sư cho rằng muốn né cũng khó vì PDD đăng ký đến 50 hạng mục kinh doanh trên hầu hết các khía cạnh của cuộc sống hằng ngày.Nhiều người lao động biết các "chiêu trò" giám sát này, họ đeo khẩu trang và kính mát, sử dụng biệt danh ở công ty mới hoặc dàn xếp hợp đồng làm việc với bên thứ ba không cùng ngành để ngụy trang. Kết quả là, tòa hầu hết xử thắng cho công ty cũ.Trong hàng trăm hồ sơ Nikkei tiếp cận được, các công ty thắng kiện mà không phải đưa ra bằng chứng về việc mất bí mật thương mại là do nhân viên hay những tổn thất mà công ty phải gánh khi họ rời đi.Theo ông Trầm, các công ty lớn tại Trung Quốc thường có chuyên gia pháp lý chuyên giải quyết NCA. Họ nghiên cứu chính sách và ranh giới pháp lý có khi còn chắc chắn hơn kiến thức của thẩm phán, cho nên đã kiện thì khó mà thua.Trên lý thuyết, luật Trung Quốc cho áp dụng điều khoản không cạnh tranh đối với "quản lý và kỹ thuật viên cấp cao, người có nghĩa vụ bảo mật", nhưng không nói rõ thế nào là cấp cao, là nghĩa vụ bảo mật. Thực tế thì các công ty sẽ tìm cách đưa định nghĩa của họ về các khái niệm này vào hợp đồng với nhân viên.Các chuyên gia đánh giá rằng việc hạn chế lực lượng lao động bằng điều khoản không cạnh tranh sẽ cản trở sự đổi mới nền kinh tế, trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ và kinh tế ngày càng nóng giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông Trầm đánh giá điều khoản không cạnh tranh tác động rõ đến lực lượng lao động, khiến họ bị kìm chân với các ý tưởng, dự định mới. Thiệt hại cá nhân khỏi phải bàn, mà còn bất lợi cho sự phát triển nền công nghiệp nói chung.Tại Mỹ, giáo sư, nhà kinh tế học Evan Starr và các đồng sự đã tiến hành thí nghiệm khi ghi một điều khoản không cạnh tranh trên trang 7 của hợp đồng rồi đưa cho người lao động. Kết quả chỉ ra 75% số người xem hợp đồng dành chưa đến 10 giây cho trang 7, và khoảng 1/3 số người tham gia hoàn toàn bỏ qua nó.Dù ở đâu và quy định về NCA ra sao, người lao động nên có trách nhiệm bảo vệ chính mình bằng cách đọc kỹ hợp đồng và thỏa thuận rõ ràng trước khi đặt bút ký. Hồi tháng 4, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đã bỏ phiếu cấm áp dụng điều khoản không cạnh tranh đối với phần lớn người lao động Mỹ, dự kiến có hiệu lực từ 4-9. Trong thông báo của FTC, chủ tịch Lina Khan nhấn mạnh tác động tiêu cực của các điều khoản không cạnh tranh lên người lao động, khiến họ chôn chân trong môi trường làm việc độc hại, hoặc không thể theo đuổi công việc phù hợp. Theo bà Khan, thay vì sử dụng các cơ chế không cạnh tranh để trói chân người lao động, các công ty có thể nâng cao giá trị hiệu suất của họ bằng cách cải thiện lương và điều kiện làm việc.FTC ước tính khoảng 30 triệu người Mỹ (tương đương 1/5 lực lượng lao động cả nước) đang bị các điều khoản không cạnh tranh ràng buộc. Nếu lệnh cấm này được áp dụng sẽ thúc đẩy tính linh hoạt của người lao động, khả năng tạo ra thêm gần 300 tỉ USD tiền lương mỗi năm. Sau động thái của FTC, các công ty tài chính Phố Wall đã vội vã bắt tay vào việc sửa hợp đồng lao động và bổ sung phúc lợi để giữ chân nhân viên.Tuy nhiên, ngay trước thời điểm áp dụng, hôm 20-8, một tòa án liên bang tại Texas đã chặn lệnh cấm của FTC, cho rằng cơ quan này không có thẩm quyền ngăn cản các thỏa thuận cấm nhân viên tìm việc làm mới tại các công ty đối thủ. Như vậy, các điều khoản hạn chế, bao gồm cả các thỏa thuận không cạnh tranh, sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo luật pháp của từng bang có liên quan. Một số bang đã cấm NCA từ lâu. California ban hành lệnh cấm từ gần 200 năm nay, nhiều người cho rằng, đây là một trong những yếu tố thúc đẩy sự thành công của Thung lũng Silicon.Trước đó, Phòng Thương mại Mỹ cũng phản đối lệnh cấm, khẳng định rằng các điều khoản không cạnh tranh mang lại lợi ích cho cả đôi bên: bảo vệ bí mật thương mại cho doanh nghiệp, khuyến khích người sử dụng lao động đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tags: Hợp đồng lao độngĐối thủ cạnh tranhThỏa thuận không cạnh tranhDoanh nghiệpTrung QUốc
Bầu cử Mỹ: Cử tri Mỹ bắt đầu đến phòng phiếu DUY LINH 05/11/2024 Chiều tối nay 5-11 (giờ Việt Nam), những điểm bỏ phiếu đầu tiên tại các bang miền đông Mỹ bắt đầu mở cửa. Đây sẽ là thời khắc cử tri đưa ra quyết định cuối cùng cho sự kiện 4 năm một lần.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
20 trẻ mầm non phải vào viện do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột TTXVN 05/11/2024 Chiều 5-11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết sức khỏe 20 trẻ mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ổn định.