Nửa đêm, anh T. nói với vợ ra ruộng phía sau nhà soi ếch để sáng mai nấu cháo cho con ăn. Nhưng có ngờ đâu lần đó anh đi rồi không báo giờ trở về chỉ vì... cái bẫy chuột tự chế.
Hàng xóm cùng ra tòa
Vừa qua, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với P.H.D. (55 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) về tội giết người.
Một phiên tòa không có ánh mắt thù hận, không những lời nói đay nghiến bởi cả bị cáo, bị hại, người liên quan và người dân dự khán đều là hàng xóm "tối lửa tắt đèn có nhau".
Theo cáo trạng, P.H.D. và T.V.T. cùng ngụ ấp Tân Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), là hàng xóm cạnh nhà nhau.
Vào khoảng 14h ngày 28-2-2023, D. sạ lúa ở phía sau nhà. Sau khi sạ xong, D. sợ ban đêm chuột đến phá lúa nên nảy sinh ý định sử dụng bẫy điện để diệt chuột.
D. lấy cuộn dây kim loại dài 69,5cm và 27 đoạn tre có sẵn trong nhà đem cắm xung quanh ruộng lúa rồi lấy dây kim loại buộc vào các đoạn tre (cách mặt đất khoảng 7cm).
Đến khoảng 20h cùng ngày, D. lấy dây điện đấu nối một đầu vào dây kim loại, đầu còn lại được ghim vào ổ cắm điện sinh hoạt trong nhà. Đồng thời, D. lấy các vật dụng như thang tre, xô nhựa, cành cây chắn đường đi vào ruộng nhưng không làm bảng cảnh báo có điện.
Lát sau, D. ngắt điện để ra thăm bẫy thì thấy một con chuột đã chết. Thấy vậy, D. tiếp tục vào nhà cắm điện lại và có ngồi canh giữ nhưng lúc sau do buồn ngủ nên đã bỏ vào nhà ngủ.
Đến khoảng 2h sáng 1-3-2023, T.V.T. đi soi ếch khi đi qua phần ruộng của D. thì vướng vào dây điện nên bị điện giật.
Lúc này, mẹ ruột của T. nghe thấy tiếng la của con nên chạy ra phía sau ruộng thì thấy con mình đang nằm ngửa trên dây điện. Bà liền tri hô thì ba ruột của T. cũng chạy ra.
Thương con nên hai ông bà không màng nguy hiểm mà chạy đến kéo con ra thì cũng bị điện giật. Cùng lúc đó, bà nội của T. thấy vậy chạy qua nhà D. cho biết T. bị điện giật nên đã ngắt điện nhưng T. đã tử vong tại chỗ. Còn D. bị Cơ quan cảnh sát điều tra bắt khẩn cấp ngay sau đó.
Theo kết luận giám định, nạn nhân T. (sinh năm 2004) tử vong do suy hô hấp cấp sau tác động với dòng điện.
Đứng trước bục khai báo, bị cáo D. dáng người gầy nhom trong bộ quần áo sờn cũ, gương mặt đượm buồn cứ cúi ghì xuống, chỉ còn thấy rõ mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc.
Lâu lâu lại thấy D. với ánh mắt ân hận thi thoảng lại quay xuống nhìn về phía bàn bị hại. Phía dưới tòa là mẹ, vợ và con của bị cáo D. cũng chỉ ngồi nhìn và nghe tòa xét xử.
Bẫy chết người là ngoài ý muốn
Bị cáo D. đồng ý với diễn biến vụ án và hành vi phạm tội mà cáo trạng đã truy tố. "Bị cáo học ít, thiếu hiểu biết nên dẫn tới việc làm cho cháu T. phải tử vong là việc mà bị cáo không hề muốn. Nếu chuột cắn phá lúa thì sẽ phí công sức sạ lúa và việc trồng lúa là nguồn thu nhập chính của gia đình nên bị cáo mới dùng bẫy điện nhưng nào ngờ hành động đó đã lấy đi tính mạng của đứa cháu cùng xóm thân thuộc...", bị cáo D. khai với giọng trầm buồn trước tòa.
Vị đại diện viện kiểm sát hỏi dồn: "Bị cáo có biết dùng bẫy chuột tự chế bằng điện áp cao sẽ gây chết người không? Khi cài bẫy lại không có bảng cảnh báo? Tại sao bị cáo không sử dụng các loại bẫy chuột có bán trên thị trường như lồng bắt chuột mà lại tự chế như vậy?".
Bị cáo D. trả lời tỏ tường từng câu hỏi: "Bị cáo không biết. Bị cáo cũng có sử dụng lồng bắt chuột nhưng không dính con nào nên bị cáo mới nghĩ đến việc dùng điện để bẫy thì chuột sẽ chết. Bị cáo chỉ muốn chuột không cắn phá lúa mới sạ thôi chứ không hề muốn người khác phải chết vì cái bẫy tự chế của bị cáo...".
Suốt phiên tòa, D. đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận vì hành vi của mình. Trò chuyện với chúng tôi, bà L.T.X. (vợ của D.) kể hai gia đình là hàng xóm mấy chục năm nhà sát vách nhau, ruộng lúa của hai nhà cũng kề nhau ngay phía sau. Hồi nhỏ thằng T. hay chạy sang nhà chơi, cứ qua chơi hoài riết cũng "mến tay mến chân".
"Hai gia đình hễ có gì ngon là bưng cho qua cho lại miết. Cái tình làng nghĩa xóm theo đúng nghĩa anh em xa không bằng láng giềng gần. Ấy vậy mà cuộc đời trớ trêu thay khi bây giờ hai gia đình lại đối diện nhau nơi tòa án. Thiệt gia đình tôi cảm thấy có lỗi và mong muốn bù đắp lỗi lầm đã phạm", bà X. giãi bày.
Dù sao con tôi cũng đã mất rồi!
Sau khi vụ án xảy ra, gia đình của D. đã khắc phục hậu quả gửi gia đình bị hại 52 triệu đồng tiền mai táng phí.
Tại tòa, ông T.V.P. (cha ruột của T.) trình bày gia đình xin giảm nhẹ hình phạt cho D. và không yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần. Chỉ yêu cầu cấp dưỡng cho bé P.T.P. (sinh năm 2023, là con trai của T.) đến tuổi trưởng thành. Nghe vậy, D. đồng ý ngay.
"Dù sao thì con tôi cũng đã mất rồi. Người đầu bạc tiễn người đầu xanh tôi cũng đau đớn lắm nhưng xin hội đồng xét xử xem xét để bị cáo D. được nhẹ tội sớm được về nhà...", ông P. nhẹ giọng trình bày.
D. quay mặt hướng về phía gia đình bị hại rồi cúi đầu và chắp tay xin lỗi khi được nói lời sau cùng.
Bị cáo hối hận vì sự thiếu hiểu biết, sự chủ quan của mình mà đã gây ra cái chết cho đứa cháu hàng xóm. Bị cáo mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm được trở về làm ăn để có tiền lo chu cấp cho bé P. như để chuộc lại một phần nào tội lỗi mình đã gây ra.
Phiên tòa diễn ra không tiếng cãi vã hay tranh chấp mà trên hết lại là cái tình nghĩa xóm giềng đã giúp họ vượt qua phần nào sự mất mát mà tha thứ cho nhau.
Bởi những người trong cuộc như họ đều hiểu rằng sự ra đi đột ngột của T. không vì thù hận, ghen ghét gì cả. Còn D. trong tuổi xế chiều phải chịu cảnh gánh trên vai sự ân hận và mặc cảm tội lỗi.
Tòa tuyên dưới khung hình phạt
Hội đồng xét xử nhận định hành vi mà P.H.D. thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của anh T.. Xét thấy bị cáo D. đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có khắc phục hậu quả cho bị hại và phía bị hại cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho D..
Vì các lẽ trên, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo P.H.D. mức án 5 năm tù giam về tội giết người (bị cáo D. bị truy tố theo khoản 2 điều 123 Bộ luật Hình sự có mức phạt từ 7-15 năm tù). Đồng thời, D. thực hiện việc cấp dưỡng cho bé P. cho đến tuổi trưởng thành như đã thỏa thuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận