Phóng to |
Người dân Mỹ đăng ký nhận thông tin bảo hiểm y tế tại một sự kiện do Covered California tổ chức ngày 1-10, đánh dấu việc mở cửa tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ mua bảo hiểm cho người dân ở Los Angeles theo quy định của luật cải cách y tế Obamacare - Ảnh: Reuters |
Luật sư Michael Snyder, tác giả quyển Sự khởi đầu của sự kết thúc (của nước Mỹ), từng viết: “Hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ đã trở thành một cỗ máy làm tiền vĩ đại, trong đó các hãng bảo hiểm sức khỏe và các hãng dược hốt hàng núi bạc trong khi chất lượng chăm sóc sức khỏe chúng ta nhận được thì nghèo nàn”.
Doanh thu hàng ngàn tỉ
Có thật là cỗ máy “hái ra tiền” hay không? Các con số của website Chính phủ Mỹ selectusa.commerce.gov chứng thực điều đó: năm 2010, tổng doanh số ngành này là 1.750 tỉ USD, sử dụng 14 triệu nhân viên, tức 9% dân số lao động. Ngành hoạt động theo bốn loại hình: 1/ Các viện nghiên cứu vừa đóng vai trò điều trị, vừa đóng vai trò đào tạo nghiên cứu; 2/ Các trung tâm điều dưỡng (khoảng 16.000 trung tâm với 1,7 triệu giường); 3/ Bệnh viện điều trị nội trú (khoảng 5.000 bệnh viện, trong đó hơn 1.000 bệnh viện chuyên khoa, doanh thu trên 809 tỉ USD); 4/ Điều trị ngoại trú, doanh thu khoảng 750 tỉ USD.
Theo theeconomiccollapseblog.com, chi phí y tế cả nước Mỹ năm 2009 lên đến 2.470 tỉ USD (cao hơn
số liệu của selectusa.commerce.gov những 1.000 tỉ) và dự toán đến năm 2019 sẽ lên đến 4.500 tỉ USD. Cũng theo nguồn này, nếu ngành y tế Mỹ mà là một nền kinh tế, đây sẽ là nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới, trên cả nước Anh.
Có thể thấy “cái bánh” y tế này là vô cùng lớn và béo bở do lẽ các chi phí điều trị qua trung gian các hãng bảo hiểm đồng chi trả với bệnh nhân nhiều ít, tốt hay kém tùy gói bảo hiểm đặt mua. Vì vậy ta sẽ không lấy làm lạ khi nữ thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (đảng Dân chủ) cay đắng thốt lên rằng: “Mỹ là nước công nghiệp duy nhất dựa hẳn trên ngành công nghiệp bảo hiểm y tế vì lợi nhuận để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản”. Và một khi Tổng thống Barack Obama dám đụng tới “ổ kiến lửa” - giống như ông Clinton trước kia - thì đương nhiên ông bị chống phá quyết liệt từ phía đảng Cộng hòa.
Khánh kiệt vì viện phí
Ở Mỹ vấn đề sau khi ra viện là hóa đơn viện phí. Thành ra chọn đi làm ở công ty nào, trước khi quyết định thì điều đầu tiên phải cân nhắc là làm ở đó có được công ty đồng chi trả bảo hiểm không, nếu có thì gói bảo hiểm mua cho cả nhà được bao nhiêu? Bằng như không có hoặc không vừa lòng thì kiếm công ty khác. Do lẽ không có bảo hiểm thì bỏ tiền túi. Tất nhiên trường hợp cấp cứu được cứu chữa, hoặc không bảo hiểm, không tiền cũng có những trạm xá miễn phí “qua ngày”...
Thật ra có bảo hiểm cũng chưa hẳn đã yên thân, nhất là khi đóng gói bảo hiểm thấp quá. Điều này càng phổ biến khi phí bảo hiểm tăng gấp ba lần mức tăng lương. Chính vì lý do này mà 41% số người Mỹ trong tuổi lao động mỗi khi đi bệnh viện gặp “rắc rối” với các hóa đơn của mình, và 60% số vụ khai “phá sản” cá nhân chủ yếu là do gánh nặng hóa đơn bệnh viện cho dù 75% số người này đều có bảo hiểm y tế.
Vấn đề càng nghiêm trọng đối với các gia đình có thu nhập thấp, dưới 24.000 USD/năm, hoặc những ai chỉ trông cậy vào Medicaid hỗ trợ y tế của nhà nước. Thực tế là trong nhóm thu nhập thấp này có đến hơn 50% số người tuổi 27-37 không thể đóng bảo hiểm y tế, sang đến lứa tuổi 40-50 có đỡ hơn, chỉ khoảng 1/3 là không mua được bảo hiểm.
Đạo luật Obamacare sẽ giúp lớp người thu nhập thấp này đóng bảo hiểm (hoặc tốt hơn) bằng cách thu thêm thuế từ những người có thu nhập cao. Đạo luật này còn phá tan “bức tường thành” lâu nay vẫn bảo đảm cho các hãng bảo hiểm khỏi thua lỗ khi quy định từ nay bên bảo hiểm sẽ chi trả cho những người có bệnh mắc sẵn (trước kia họ bị vĩnh viễn loại trừ, phải tự bỏ tiền túi). Đây mới là khoản chi tiêu khổng lồ xén vào “cái bánh” y tế của thiên hạ đang ngon xơi.
Ngành công nghiệp kỹ thuật y tế Mỹ cũng dẫn đầu thế giới với doanh số 110 tỉ USD (năm 2012), trong đó trên 65 tỉ USD cho thị trường trang thiết bị y khoa trong nước, ngang với doanh số xuất khẩu vũ khí của các hãng vũ khí Mỹ. Bởi thế khi ông Obama đòi đánh thuế trên các thiết bị y khoa, chẳng khác gì ông đụng vào “tổ ong vò vẽ”.
Có quá nhiều nhóm lợi ích chia nhau “cái bánh” y tế khổng lồ ngon xơi. Chuyện Nhà Trắng đóng cửa không có gì là lạ.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận