Ảnh minh họa: ccsjchurch.org
Hôm ấy tôi đưa cháu đi học thể dục nhịp điệu lớp dành cho trẻ 5 tuổi và vui Tết thiếu nhi tại nhà văn hóa tỉnh. Quà Tết thiếu nhi được trung tâm chuẩn bị sẵn cho các cháu là một cái bánh ngọt và một hộp sữa gói sẵn trong túi ni lông.
Giờ ra chơi, cô giáo phát quà cho các cháu. Bọn trẻ hí hửng nhận quà và háo hức mở quà. Các con xuýt xoa cầm cái bánh ngọt và cắn thử.
Một cô bé vừa định bóc bánh ra ăn thì mẹ cháu giật lấy và mắng: "Ăn gì mấy cái đồ này? Về nhà mẹ mua bánh ngon cho ăn".
Lời nói chói tai ấy làm mọi người chú ý, đưa mắt nhìn cô giáo đầy ái ngại. Dường như cô giáo đã nghe thấy và có phần ngượng ngùng. Một đám trẻ con ngơ ngác.
Giờ học tiếp tục với những giai điệu sôi động, phụ huynh ngồi chờ bên ngoài, trong đó có bà mẹ lúc nãy. Cô không ngừng huênh hoang với người bạn đi cùng, nào là cô thường mua áo quần cho cháu ở shop nổi tiếng này, ở hiệu đồ danh tiếng kia.
Nào là mỗi lần cô đến mua hàng là vác cả bao tải chẳng khác gì mua áo quần bán lại qua mạng. Nào là áo quần của con gái cô nhiều đến nỗi đi học Tiếng Anh suốt hai tháng mà cháu mặc không đụng hàng, không lặp lại cái áo cái quần nào cả.
Và rồi cô cố ý nói to để mọi người nghe thấy là cuối tuần vừa qua, cô sắp xếp lại tủ áo quần, lấy ra 28 bộ áo đầm con gái không còn mặc vừa để cho bọn trẻ trong xóm "làm từ thiện". "Bọn trẻ ấy được cho áo cũ như mới mừng rơn đi được", cô nói rõ to.
Cha mẹ vẫn luôn là tấm gương phản chiếu mặt tốt lẫn xấu để con trẻ soi rọi, định hình nhân cách. Vậy thì người mẹ ấy sẽ dạy con cái thế nào về giá trị của quà tặng, sư trân quý tình cảm, lòng sẻ chia và cả bài học về tính tiết kiệm, lối sống giản dị?
Con gái cô sẽ học được gì từ mẹ, khi mà cái bánh ngọt quà tặng bị cô biến thành đồ rẻ tiền, kém chất lượng, không xứng đáng để con ăn, còn 28 bộ áo đầm cũ được cô phân phát cho lũ trẻ trong xóm với thái độ “ban ơn” đầy kẻ cả?
Tôi chỉ lo tâm hồn đứa trẻ non nớt như tờ giấy trắng kia rồi sẽ lấm lem những vết mực đen...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận