Cái áo có làm nên... nữ hoàng?

QUẾ VIÊN (COPENHAGEN) 02/04/2012 23:04 GMT+7

TTCT - 1. Có câu nói “cái áo không làm nên thầy tu” nhưng cũng có câu “y phục sánh kỳ đức”.

Trang phục của một người luôn nói lên rất nhiều điều, từ khiếu thẩm mỹ, trình độ văn hóa, tính cách, khả năng kinh tế, nghề nghiệp, khung cảnh xuất hiện, khuynh hướng thời trang tới thời đại sinh sống.

Phóng to
Xuất hiện trong trang phục giản dị, nữ hoàng Margrethe đã làm nhiều người ngạc nhiên khi đến Việt Nam - Ảnh: Việt Dũng

Thế nên khi Đan Mạch kỷ niệm 40 năm ngày lên ngôi của nữ hoàng Margrethe đệ nhị vào đầu năm 2012, một trong những sự kiện được chú ý nhất là tập sách ảnh Trang phục của nữ hoàng (*). Tất nhiên đây không phải là chuyện khen “nữ hoàng tốt áo” nhưng vì nữ hoàng Margrethe đã 71 tuổi nên trang phục không chỉ phản ánh những giai đoạn lịch sử, sự thay đổi trong xã hội Đan Mạch thời gian này mà còn cho thấy những chuyển biến của một hoàng gia có lịch sử 1.000 năm trong thời hiện đại.

Điều thú vị là bộ ảnh cho thấy vị nữ hoàng khả kính khá… tiết kiệm. Khác với quan niệm thông thường là giới quý tộc hay thượng lưu chỉ mặc một bộ dạ phục một lần khi xuất hiện trước công chúng, nữ hoàng Margrethe thường sử dụng một bộ áo vài lần, thậm chí còn cho cắt ngắn vạt áo dạ hội cũ để biến thành áo mặc ban ngày.

2. Gần đây nước ta có tình trạng một số người có tiếng, được gọi chung là các “sao”, đua nhau lên một số tờ báo giấy và báo mạng nói về xe cộ, quần áo, giày dép, nữ trang - tất nhiên là rất đắt tiền, hơn là về những thành quả nghệ thuật của họ. Của cải vật chất, trong một mức độ nào đó, có thể được xem là thước đo của thành quả lao động nhưng không thể thay thế tài năng.

Tất nhiên ai cũng có quyền sử dụng đồng tiền của mình theo sở thích cá nhân nếu như đó là từ thu nhập chính đáng và không trốn thuế. Tuy nhiên, ranh giới giữa hai khái niệm “chia sẻ“ và “khoe khoang” thường rất mong manh. Và khi những vật dụng đắt tiền được xem như công cụ để thể hiện sự giàu có của sở hữu chủ hơn là kiến thức, trình độ thưởng ngoạn, khiếu thẩm mỹ... thì những biểu hiện quá lố rất dễ khiến chủ nhân của chúng trở nên lố bịch.

Văn hào Andersen có một truyện rất thú vị Bộ quần áo mới của hoàng đế. Hoàng đế rất tự hào khi khoác lên mình bộ áo mới mà chỉ những người thông minh mới có khả năng nhìn thấy. Và tất nhiên cả triều đình chẳng ai muốn nhận mình là dốt nên mới mắc mưu hai tay bợm.

Ngày nay tuy khoa học vẫn chưa tạo ra được những loại vải vóc có khả năng thể hiện chỉ số thông minh của người mặc, nhưng trong chừng mực nào đó trang phục của một người vẫn là tấm gương phản ánh trình độ nhận thức của chủ nhân.

||||||||||||||

__________

(*) Trang phục của nữ hoàng, dày 228 trang do nữ phóng viên Katia Johansen thực hiện, Nhà xuất bản Penguin Books xuất bản tháng 1-2012.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận