Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo và yêu cầu điều tra nguyên nhân 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định.
Vì sao cadimi có trong thực phẩm?
Một giảng viên khoa hóa học Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết cadimi là một kim loại nặng, màu trắng ánh xanh.
Thông thường cadimi ít được phát hiện dạng tinh chất mà thường kết hợp với một số nguyên tố tạo thành hợp chất như cadimi oxit, cadimi sunfua, cadimi clorua, cadimi sunfat.
Trong tự nhiên, các hợp chất của cadimi thường có mặt cùng một số hợp chất của photpho. Đây là nguyên nhân cadimi thường xuất hiện trong một số loại phân bón, đặc biệt là phân bón photpho (phân lân).
Các nhà nghiên cứu từ Viện ICAR (Ấn Độ) cho rằng một nguyên liệu quan trọng sản xuất phân chứa photpho là đá photphat. Các loại đá này thường có chứa cả các hợp chất của cadimi.
Trong quá trình lắng đọng hàng triệu năm, cadimi có nguồn gốc từ đá núi lửa cùng với photpho từ xương động vật, kết tụ lại thành các khoáng vật photphat.
Trong khi photpho là một nguyên tố quan trọng thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, hỗ trợ rễ, hoa, quả, cadimi lại không có tác dụng đáng kể gì cho cây trồng phát triển mà còn tác động đến sức khỏe của con người nếu tiêu thụ lượng lớn cadimi này qua đường ăn uống.
Tuy nhiên trong quá trình sản xuất phân bón, nhiều nhà máy lại gặp khó khăn hoặc không "mặn mà" loại bỏ hoàn toàn lượng cadimi có trong các nguyên liệu tự nhiên, một phần do tốn kém chi phí, một phần sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của phân bón.
Lượng cadimi dư thừa trong phân bón có thể tích tụ theo thời gian, đi vào đất và rồi tích tụ trong cây trồng.
Theo các chuyên gia hóa học tại Đại học Trung Sơn, Quảng Châu (Trung Quốc), dư lượng cadimi có trong sản phẩm nông nghiệp còn có nguyên nhân do ô nhiễm cadimi trong đất.
Ở một số khu vực, hoạt động khai thác quặng mỏ, luyện kim thải ra khói hoặc nước bẩn chứa cadimi, từ đó làm đất đai bị phơi nhiễm. Các phương pháp cải tạo đất, quản lý tưới tiêu không đạt tiêu chuẩn sẽ không kiểm soát được ô nhiễm cadimi.
Cadimi hại thận, xương, hô hấp
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thực phẩm là nguồn tích tụ cadimi lớn nhất vào cơ thể người ngoài hút thuốc. Điều đáng lo ngại là cadimi có thể đi "một quãng đường dài", từ khoáng chất, đất, cây trồng rồi vào cơ thể người.
Một số loại thực phẩm như rau xanh, đậu phộng, đậu nành, hạt hướng dương, khoai tây và các loại ngũ cốc, tinh bột… có thể chứa dư lượng cao cadimi nếu được trồng trên đất ô nhiễm cadimi nặng hoặc được dùng phân bón có hàm lượng lớn cadimi. Một số khảo sát cho thấy 98% lượng cadimi trung bình một người có thể tiêu thụ có nguồn gốc từ thực phẩm trên cạn, 1% từ thủy sản, 1% từ nước uống.
Cũng theo WHO, giới hạn an toàn cho phép của cadimi trong nước uống là 3µ/l, trong không khí là 5ng/m3, lượng ăn vào hằng tuần có thể chấp nhận được tạm thời là 25µg/kg. Vượt qua ngưỡng này, tích tụ cadimi theo thời gian sẽ để lại những tác hại lâu dài.
Theo Viện Pasteur Nha Trang, cadimi tích tụ chủ yếu ở thận trong thời gian tương đối dài từ 10-35 năm. Ăn uống thực phẩm chứa lượng cadimi cao sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy.
Nhiễm độc lâu ngày sẽ làm tổn thương chức năng hoạt động của thận, làm tăng sự bài tiết của các protein có trọng lượng phân tử thấp trong nước tiểu, tạo sỏi thận.
Nhiễm độc cadimi còn gây ra rối loạn chuyển hóa canxi, kéo theo các bệnh lý về xương như làm yếu xương, biến dạng xương, hủy mô xương, gây ra chứng loãng xương và những cơn đau nhức xương.
Ngoài ra, cadimi còn gây tổn thương đường hô hấp với các triệu chứng như viêm mũi, giảm khứu giác, mất khứu giác. Hít phải bụi chứa oxit cadimi với liều lượng cao gây viêm phổi cấp tính có thể dẫn tới chết người.
Phơi nhiễm nghề nghiệp lâu dài với hàm lượng cao cadimi có triệu chứng viêm phế quản, viêm phổi mạn tính (ho, khó thở, đau ngực, sốt); góp phần vào sự phát triển của bệnh ung thư phổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận