TS. Angela Pratt, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhận định Việt Nam đã kiểm soát được số ca tử vong và ca mắc mới nhờ triển khai một loạt các biện pháp về xã hội và y tế công cộng kịp thời, hiệu quả.
"Sau khi tiếp cận vắc xin COVID-19, Việt Nam đã triển khai một chiến dịch bao phủ vắc xin khẩn cấp bao gồm nỗ lực đưa vắc xin tiếp cận được mọi nơi, mọi người trên đất nước.
Chiến dịch triển khai vắc xin này đã tạo tiền đề cho việc mở cửa trở lại. Việt Nam cũng phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất trong khu vực và cách thức ứng phó COVID-19 của Việt Nam đã trở thành hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia về nhiều phương diện.
Thứ nhất là năng lực phát hiện sớm ca nhiễm, điều tra truy vết và ứng phó rất nhanh chóng; thứ hai là biện pháp kết hợp hiệu quả giữa đóng cửa biên giới, cách ly, phong tỏa; thứ ba, các bạn có ưu thế tuyệt vời nhờ đội ngũ nhân viên y tế tận tâm và trình độ cao, có tinh thần yêu nước; thứ tư là những nỗ lực để có được vắc xin, triển khai chiến dịch vắc xin thần tốc; thứ năm là sự nhiệt tình tham gia của toàn xã hội vào việc ứng phó; thứ sáu, quan trọng nhất, là vai trò chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia cũng như ban chỉ đạo ở các cơ sở", đại diện WHO nói.
WHO cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về rà soát và cập nhật kế hoạch ứng phó với đại dịch để Chính phủ phê duyệt trên cơ sở diễn đàn quốc gia về đại dịch.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu những thành tích đạt được, bài học kinh nghiệm rút ra và đề xuất phương hướng sau hơn 3 năm chống dịch. Dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng tuyên bố hết nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Ngày 20-10-2023, COVID-19 chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, ra khỏi danh mục bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận