Công nhân Nhà máy Sankyo trong Khu công nghệ cao TP.HCM sản xuất thiết bị điện tử - Ảnh: Thuận Thắng |
Tham gia diễn đàn TS LÊ BẢO LONG (Viện Khoa học quốc gia (INRS) thuộc Đại học Québec, Canada) đã gởi đến Tuổi Trẻ bài viết này. Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc.
Tôi tin rằng phát triển KHCN cao và giáo dục đẳng cấp là con đường ngắn nhất để TP.HCM cất cánh thành một đô thị phát triển và đáng sống hàng đầu khu vực, một Hòn ngọc Viễn Đông thật sự tỏa sáng và phát triển bền vững |
Thực tế đã chứng minh các con rồng châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan hay xa hơn như Nhật Bản với các đô thị hiện đại đều vươn lên nhờ sự thành công thần kỳ của KHCN.
Phát huy thế mạnh con người
TP.HCM hoàn toàn có thể đóng vai trò đầu tàu cho cả nước, theo chân và vượt các đô thị trong vùng như Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok, xa hơn như Thượng Hải, Seoul, Hong Kong. Chúng ta có những điều kiện để thực hiện giấc mơ phát triển của mình dựa trên KHCN nếu biết phát huy thế mạnh về con người và có chính sách thông minh.
TP.HCM đã thành lập Khu công nghệ cao và đã thu hút được một số doanh nghiệp công nghệ lớn như Intel, Samsung. Cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp này triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) chuyên sâu, qua đó chúng ta có thể hấp thu các công nghệ tiên tiến của họ.
Đây cũng là bước đi chiếc lược giúp chúng ta xây dựng trình độ công nghệ và cả quản lý, để tạo ra các tập đoàn công nghệ đẳng cấp toàn cầu của mình trong tương lai. Việc này có thể thực hiện qua các chính sách phù hợp, kích thích các hoạt động R&D chuyên sâu và hỗ trợ hợp tác giữa doanh nghiệp và các đại học dẫn đầu.
Một điểm thiếu cơ bản từ phía chúng ta là đội ngũ nghiên cứu từ các đại học trên địa bàn TP chưa tham gia hiệu quả vào quá trình hợp tác nghiên cứu khoa học vì nhiều lý do như đội ngũ chưa đủ mạnh, lại khó tập trung vào nghiên cứu khoa học do việc giảng dạy quá tải và thu nhập quá thấp trong khi các quỹ nghiên cứu khoa học chưa được tổ chức và hoạt động hiệu quả.
Vì thế, để thực hiện thành công việc phát triển KHCN, TP.HCM có thể và nên thực hiện hai việc quan trọng: 1) lập ra một viện nghiên cứu liên ngành chất lượng cao, 2) sắp xếp lại các quỹ nghiên cứu khoa học ứng dụng, giúp đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các đại học và doanh nghiệp công nghệ cao.
Công nhân Nhà máy Sankyo trong Khu công nghệ cao TP.HCM sản xuất thiết bị điện tử - Ảnh: Thuận Thắng |
Chính sách thu hút nhân tài và nguồn quỹ lớn
Viện nghiên cứu liên ngành có thể lập ra và thu hút các nhà khoa học trẻ tài năng đang làm việc tại các đại học trong nước và mời gọi các nhà khoa học trẻ người Việt đang làm việc từ nước ngoài trở về bằng các chính sách đãi ngộ phù hợp và môi trường làm việc chuyên nghiệp. Chúng ta có thể tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở giáo dục và nghiên cứu hàng đầu của khu vực hay thế giới.
Một điển hình tốt là Viện Kỹ thuật California (Caltech) của Mỹ vốn chỉ có hơn 2.000 sinh viên và khoảng 300 giáo sư nhưng họ luôn dẫn đầu trong các bảng xếp hạng đại học toàn cầu và có đến 34 giải Nobel.
Để xây dựng một viện nghiên cứu khoa học hàng đầu như thế, chúng ta nhất thiết cần một chính sách thu hút nhân tài đủ đột phá để tuyển chọn và sử dụng một đội ngũ giáo sư và các nhà quản trị đẳng cấp. Quan trọng hơn, đội ngũ quản trị của viện cần được trao một quy chế hoạt động đặc biệt và thông thoáng với mức độ tự chủ và tự do học thuật cao.
Để một cơ sở nghiên cứu như thế hoạt động hiệu quả, đội ngũ các nhà khoa học của nó cần được tiếp cận các nguồn quỹ nghiên cứu khoa học đủ lớn và liên tục. Điều đó sẽ giúp họ có đủ kinh phí trang trải và tạo ra các phát minh khoa học, đào tạo xuất sắc và chuyển giao tri thức cho giới công nghệ.
Trong việc này, TP.HCM nên sắp xếp lại và tạo ra các quỹ nghiên cứu khoa học, có thể chia thành các chương trình khác nhau hỗ trợ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và đầu tư cho thiết bị nghiên cứu. Các chương trình nghiên cứu ứng dụng sẽ giúp kết nối và hỗ trợ phát triển công nghệ cao. Chúng ta cần đặt ba đối tượng sau tương tác và kết nối chặt chẽ với nhau: đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Việc tạo ra một viện nghiên cứu khoa học liên ngành như đề nghị sẽ giúp TP thu hút và tập trung một lực lượng các nhà khoa học giỏi, được làm việc và sáng tạo khoa học trong một môi trường chuyên nghiệp.
Mặt khác, vận hành thành công các quỹ nghiên cứu khoa học ứng dụng sẽ đóng vai trò then chốt cho quá trình đào tạo nhân tài và nhân lực KHCN chất lượng cao.
Quan trọng hơn, nó là hạt nhân để TP hấp thu công nghệ, tiến tới tạo ra các tập đoàn công nghệ toàn cầu cho mình trong tương lai. Nhìn xa hơn, đây là chiến lược quan trọng để TP nâng dần tỉ trọng của các ngành công nghệ xanh và sạch, thay thế dần các ngành công nghiệp cũ, gây nhiều ô nhiễm đang hoạt động trên địa bàn của mình.
Đầu tư ngân sách vào dự án nghiên cứu Việc đầu tư ngân sách vào các quỹ và dự án hợp tác nghiên cứu khoa học giữa doanh nghiệp công nghệ và đại học giúp ích cơ bản cho việc đào tạo lực lượng khoa học giỏi, có kiến thức hàn lâm lẫn thực tiễn, giúp đại học hấp thu công nghệ tiên tiến từ doanh nghiệp nước ngoài. Ở Canada có khá nhiều chương trình và quỹ nghiên cứu khoa học giúp đại học hợp tác và chuyển giao công nghệ cho giới công nghiệp. Trong các chương trình như thế, nhà nước và doanh nghiệp cùng đóng góp vào các dự án nghiên cứu khoa học với phần đóng góp của chính phủ ít nhất là 50% trị giá dự án. Các dự án này thường vẫn có yêu cầu cao trong chuyện tạo ra các kết quả học thuật mới, đồng thời các kết quả nghiên cứu phải được chuyển giao cho các công ty tham gia để thương mại hóa chúng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận