Hầu hết các trẻ bị nhiễm giun, sán đều nhẹ cân hơn so với trẻ cùng lứa tuổi. Những trẻ bị nhiễm giun, sán với số lượng nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến việc học tập do không đủ sức khỏe để đi học và thường xuyên bị mất tập trung trong lúc học tập do các tác hại của bệnh nhiễm giun.
Nguyên nhân gây nhiễm giun, sán
Nguyên nhân chính là do giun sống trong ruột người, hàng ngày chúng đẻ ra rất nhiều trứng. Trứng theo phân ra ngoài đất phát triển rồi lại quay trở lại nhiễm bệnh cho người khác theo các con đường khác nhau, chủ yếu là qua đường tiêu hóa.
- Giun có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, do ăn thức ăn không sạch, chưa chín kỹ (như: nem chua, tiết canh…), ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch, uống nước chưa đun sôi, nguồn nước sinh hoạt không đủ vệ sinh.
- Trẻ bị nhiễm giun khi đưa các đồ chơi bẩn vào miệng.
- Cầm, nắm thức ăn mà không rửa tay sau khi đi đại tiện.
- Người lớn không rửa tay sạch khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ.
- Trẻ chơi, tiếp xúc với súc vật.
Tác hại khi bị nhiễm giun sán
Dù xâm nhập vào cơ thể người bằng con đường nào thì khả năng gây hại của chúng đều vô cùng nguy hiểm. Ở giai đoạn ấu trùng, giun đũa và giun móc có thể gây viêm phổi dị ứng, giun móc gây viêm da tại chỗ do ấu trùng qua da.
Ở giai đoạn giun trưởng thành, do chất tiết của giun, hoạt động của giun gây kích thích hóa học, cơ học tại chỗ làm thành ruột bị tổn thương, gây buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu lỏng, đi ngoài ra máu.
Giun đũa có chu kỳ phát triển trong 30 ngày, có thể gây tắc ruột, lồng ruột, viêm tắc ruột, giun chui ống mật, viêm ruột thừa, dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm khả năng phát triển trí tuệ của trẻ.
Giun tóc có chu kỳ phát triển 60 - 70 ngày, đẻ 3.000 - 20.000 trứng một ngày, sống 5 - 10 năm. Giun tóc có thể gây tổn thương niêm mạc ruột, hội chứng giống lỵ, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, táo bón, khó tiêu, chán ăn. Nhiễm nặng và kéo dài gây sa trực tràng, nhiễm trùng thứ phát, thiếu máu nhược sắc.
Giun móc có chu kỳ phát triển trong 4-5 tuần, đẻ 9.000-30.000 trứng giun mỗi ngày, ký sinh trong tá tràng. Nhiễm giun móc hay gặp ở trẻ em lớn sống ở vùng nông thôn do tiếp xúc nhiều với đất cát, phân bón… Khi ấu trùng chui qua da thì trên da có thể thấy nốt hồng ban dị ứng hoặc các mụn nhỏ và ở giai đoạn ấu trùng qua phổi thì xuất hiện ho, ngứa họng, viêm họng.
Trẻ nhiễm giun móc thường mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, đau vùng thượng vị hoặc quanh rốn đau âm ỉ, đau cả lúc no, lúc đói, táo bón, đi ngoài phân đen, chóng mặt, ù tai, da xanh, thiếu máu. Nếu không điều trị dần dần trẻ bị thiếu máu nặng và có thể tử vong do suy tim. Người nhiễm trứng giun mất 0,02 - 0,1ml máu một ngày gây thiếu máu nhược sắc, suy tim, suy kiệt, viêm dạ dày, tá tràng...
Phòng nhiễm giun, sán như thế nào?
- Rửa tay sạch
+ Bàn tay là phương tiện truyền bệnh giun, sán do nhiễm bẩn khi đi đại tiện, trẻ ngứa hậu môn đưa tay vào gãi… Do vậy, phải giáo dục trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát trùng, đặc biệt là sau khi đại tiện, trước khi ăn làm giảm tỷ lệ giun sán, tiêu chảy.
+ Khi chế biến đồ ăn cũng phải đảm bảo đôi tay sạch để hạn chế nguy cơ trúng giun rơi vào thức ăn.
+ Thường xuyên rửa tay hàng ngày là biện pháp tốt nhất để phòng giun, sán.
- Thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh an toàn thực phẩm
+ Không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, không an toàn để chế biến thức ăn, vệ sinh cơ thể.
+ Nước dễ bị ô nhiễm trong quá trình vận chuyển hoặc do đồ chứa, chum, vại không có nắp đậy, vì vậy, cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nguồn nước, nơi chứa nước.
+ Thực hiện ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không được uống nước lã. Không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn đồ tái. Che đậy thức ăn không để chuột, gián bò vào. Trước khi ăn, nên nấu nóng lại, kể cả đồ ăn để trong tủ lạnh.
- Đi vệ sinh an toàn
+ Trẻ em nông thôn có tỷ lệ nhiễm giun sán cao một phần là do nhà vệ sinh không đạt yêu cầu. Khi tiểu tiện vào nhà tiêu hợp vệ sinh sẽ ngăn chặn được sự lây lan nguồn bệnh vào môi trường.
Không chỉ trẻ em, mà cả người lớn luôn phải giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay sạch, vệ sinh môi trường, không để phân làm ô nhiễm nguồn nước, nhốt súc vật xa khỏi nơi sinh hoạt của gia đình…
+ Giáo dục cho trẻ thường xuyên đi giày dép, kể cả đi học và ở nhà, không nên đi chân đất, nghịch cát, mặc quần không đũng để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh giun móc…
- Nâng cao nhận thức
+ Uống thuốc tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Ngoài ra còn có thể tẩy giun bằng phương pháp dân gian như: hạt bí ngô, nước sắc hạt cau…
+ Đối với trẻ đã tẩy giun mà vẫn còn xanh xao, gầy yếu, kém ăn, cần phải kiểm tra xem có loại giun sán gì khác nữa không, hoặc có thể trẻ bị mắc thêm bệnh khác như còi xương, suy dinh dưỡng, sơ nhiễm lao… để được điều trị đúng bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận