Thật ra với không ít loại trái cây, giá trị cái vỏ còn xịn hơn cả ruột nên với chúng xơi trọn “da lẫn thịt” mới là người tiêu dùng thông thái.
Đáng biểu dương nhất là vỏ nhiều loại quả từ lâu được các “đại phu” Đông lẫn Tây Y tín nhiệm. Người ta tin rằng chúng sẽ có tương lai sáng sủa với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt với các vấn nạn thời đại như béo phì, tim mạch, tiểu đường...
Ăn tiền nhất là nhóm chống oxy hóa (flavonoid, polyphenol…) có dồi dào trong vỏ táo, cam, quýt, cà tím, đặc biệt là nho (tím)... Ai cũng biết chất oxy hóa, gốc tự do đang là “đinh” trong vấn đề kiểm soát sức khỏe hiện đại, liên quan đến những kẻ “giết người máu lạnh” như xơ vữa, huyết khối động mạch, ung thư hoặc vấn nạn suy giảm trí nhớ, stress, lão hóa sớm...
Còn vitamin C, cánh tay phải của hệ miễn dịch vốn là bản chất của nhiều họ hoa quả, đặc biệt các loại quả chua. Với một số loại, lượng C trong vỏ thậm chí nhỉnh hơn ngũ tạng bên trong, hơn thế chúng còn cung cấp hoạt chất giúp hấp thu vitamin C tối đa. Ăn quả cả vỏ, trong trường hợp này, được cung cấp trọn gói và ứng viên sáng giá là quả sơri.
Vỏ trái cây còn là kho khoáng chất (kali, calci, sắt, phosphor, đồng, crom, magnesium, vitamin C, D, E, B...), mà lắm khi nó át cả ruột quả. Đơn cử lượng calci trong vỏ củ cải trắng cao hơn phần ruột. Vỏ quả lê giàu chất xơ gấp bội bộ đồ lòng. Đường tề tựu ở vỏ và nạc ngoài của cà rốt trong khi phần lõi rất nghèo nàn...
Với vai trò bảo vệ “miền biên viễn”, một số vỏ trái cây được vũ trang các loại vũ khí tự nhiên có tác dụng kháng khuẩn, chống sâu, rầy đục khoét. Con người hoàn toàn có thể mượn tay chúng để giữ gìn cương thổ. Acid chlorogenic và acid caffeic chuyên kháng khuẩn, chống viêm được tìm thấy trong vỏ dưa chuột, nho, khoai tây, khoai lang…
“Bốc thơm” như thế cũng tạm đủ, vấn đề tiếp theo là đưa tài năng xuống núi giúp đời như thế nào bởi thực tế việc “ăn cả vỏ” vấp phải khá nhiều cản trở, kỳ thị mà đầu tiên là tâm lý e dè vấn đề vệ sinh, hóa chất (thuốc trừ sâu, tăng trọng, chất bảo quản…) nên nhiều người dù biết “rằng hay thì thật là hay” nhưng vẫn đành lòng gọt bỏ vỏ cho bảo đảm. Ngoài ra, bản thân một số loại vỏ chính-tà lộn sòng, có khi nham hiểm giết người. Đơn cử alcaloid trong vỏ khoai tây có thể gây ngộ độc, đặc biệt khi mọc mầm. Khoai, củ sinh dưỡng trong đất hút dinh dưỡng lẫn tạp chất nên vỏ của chúng thường là thành phần phức tạp. Tanin trong vỏ quả hồng, cà chua phản ứng với protein tạo kết tủa gây khó tiêu, hại dạ dày...
Rốt lại, dùng quả cả vỏ có vẻ là một cách tiêu dùng thông minh nhưng người dùng còn phải tinh thông món “dụng nhân như dụng mộc”, rửa sạch trong mọi tình huống. Tuy vậy, xối rửa có thể ít hoặc chẳng xi-nhê gì với sự đeo bám của hóa chất độc hại có thể đã kịp chui sâu vào trong. Lúc này may rủi chỉ trông vào... lương tâm của nhà trồng trọt hoặc “giết lầm hơn bỏ sót” cho lành. Cả với những tên tuổi đã được cầu chứng nhưng nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu khả nghi như hư, giập, đốm có màu lạ, bốc mùi cũng cần loại ngay, thậm chí loại khỏi vòng chiến luôn cả quả.
Cũng cần lưu ý, những “đề cử” trên chỉ mới điểm mặt những loại củ quả thông dụng trên bàn ăn và cũng chỉ nhắm đến những loại vỏ quả có thể ăn được, và cũng có rất nhiều loại quả mà phần thịt mới là tinh hoa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận