Không phải mọi học sinh đều phù hợp
Xung quanh việc nhiều học sinh "ngập" trong thực hiện dự án, trải nghiệm, thầy Võ Kim Bảo (tổ trưởng bộ môn ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM) cho rằng giáo viên là người góp phần lớn để hoạt động dự án, trải nghiệm không trở thành áp lực cho học sinh.
Theo đó, hoạt động này cần thuộc sở trường của giáo viên. Không có sở trường, rất khó hướng dẫn học sinh, cũng khó đánh giá học sinh; hoạt động đó phải gợi được hứng thú học tập ở đa số học sinh.
Giáo viên cần ít can thiệp, chỉ là người theo dõi và tư vấn, hướng dẫn khi cần thiết. Giáo viên cũng cần cân nhắc khi chấm điểm bởi học sinh làm việc nhiều, vất vả, điểm của hoạt động không thể quá thấp khiến các em nản lòng và nên điều tiết các nhóm để học sinh không phải "gánh team".
"Không nên ép 100% học sinh tham gia dự án, trải nghiệm, bởi không phải học sinh nào cũng phù hợp với việc tham gia dự án, trải nghiệm", thầy Bảo nhấn mạnh. Đối với học sinh không thích hoặc không có sở trường phù hợp, giáo viên cần cho các em làm một bài tập khác để có điểm thay thế.
Quá tải hay không là do cách làm
Ở góc nhìn của một giáo viên từng tổ chức nhiều dự án liên môn thành công, thầy Nguyễn Viết Đăng Du (tổ trưởng tổ lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) nói việc học dự án, trải nghiệm có quá tải hay không tùy thuộc vào cách thực hiện của chính nhà trường.
"Thực tế để giảm tải cho học sinh, các tổ bộ môn và ban giám hiệu cùng ngồi lại với nhau để lên kế hoạch phối hợp thực hiện dự án chung để công việc của học sinh thực hiện là ít nhất mà học hỏi, ứng dụng của bài học sẽ nhiều nhất. Học như thế này sẽ không bị chồng lấn, môn chồng môn.
Ở Trường THPT Lê Quý Đôn, mỗi năm học sinh chỉ thực hiện một dự án liên môn. Dự án để học sinh trải nghiệm và sử dụng thế mạnh của mình để làm bài, có kế hoạch chi tiết và đánh giá công bằng".
Thầy Du ví dụ, trong dự án Dấu ấn rồng bay mới đây của Trường THPT Lê Quý Đôn, tổ ngoại ngữ hợp tác với tổ lịch sử yêu cầu học sinh làm sản phẩm video clip quảng bá di sản.
Trong clip, học sinh phải giới thiệu di sản bằng tiếng Anh. Như vậy học sinh chỉ cần làm 1 sản phẩm nhưng sẽ có điểm của 2 môn.
Hoặc môn toán hợp tác với môn lịch sử yêu cầu học sinh dựng mô hình kiến trúc di sản. Trong phần báo cáo, học sinh sẽ trình bày về kỹ thuật toán dùng để làm mô hình và trả lời những kiến thức lịch sử liên quan đến di sản...
Với cách làm đó, học sinh sẽ không bị quá tải trong thực hiện dự án, trải nghiệm. Vì thế, theo thầy Du, có ba điều cần lưu ý khi thực hiện dự án, trải nghiệm học tập.
Thứ nhất phải có kế hoạch chi tiết, lồng ghép các kiến thức theo yêu cầu của chương trình và các kỹ năng mà nhà trường muốn hướng tới trong việc rèn luyện học sinh; thứ hai, có sự đồng thuận từ ban giám hiệu, tổ bộ môn và giáo viên tham gia hướng dẫn dự án; thứ ba, có đánh giá chi tiết và công bằng trong quá trình triển khai và hoàn thiện dự án đối với học sinh.
Tránh giao nhiều dự án, trải nghiệm về nhà cho học sinh
Theo thầy Võ Kim Bảo, khi thực hiện dự án, trải nghiệm, giáo viên nên cho học sinh thực hiện nhiều hơn ở lớp học, tránh giao về nhà quá nhiều, mất thời gian nghỉ ngơi của học sinh. Điều này cũng tránh trùng lắp với hoạt động học tập ở các môn khác ở cùng thời điểm.
"Trong nhiều trường hợp, chỉ cần 1 - 2 tiết học là có thể hoàn thành những sản phẩm rất ý nghĩa", thầy Bảo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận