04/03/2008 08:07 GMT+7

"Cách mạng mơ" Armenia

NG.THANH
NG.THANH

TT - "Cách mạng mơ” là cụm từ một số nhà báo gọi diễn biến cuối tuần qua ở Armenia, nước cộng hòa nằm ở khu vực Kavkaz. Cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người ủng hộ phe đối lập phản đối kết quả bầu cử đã làm tám người chết, gần 200 người bị thương.

hkyt9dlg.jpgPhóng to

Người biểu tình lật đổ và đốt ôtô tại Yerevan - Ảnh: Reuters

TT - "Cách mạng mơ” là cụm từ một số nhà báo gọi diễn biến cuối tuần qua ở Armenia, nước cộng hòa nằm ở khu vực Kavkaz. Cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người ủng hộ phe đối lập phản đối kết quả bầu cử đã làm tám người chết, gần 200 người bị thương.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Mọi chuyện bùng nổ vào thứ bảy, 1-3. Nhưng từ những ngày trước, ứng viên thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 19-2, Levon Ter Petrosyan, đã tổ chức liên tục các cuộc mittinh phản đối tại trung tâm Yerevan. Ông khẳng định giành được 68% phiếu, chứ không phải 21% như kết quả của Ủy ban bầu cử trung ương công bố.

Trong những lần đó, Thủ tướng Serge Sarkisyan (theo số liệu chính thức, giành chiến thắng với 52% phiếu) đã kêu gọi người biểu tình kiềm chế và hòa hợp. Tuy nhiên, tới ngày 1-3 sự kiên nhẫn của chính quyền Yerevan không còn nữa. Cảnh sát đặc biệt vào cuộc giải tán đám đông biểu tình tới gần 8.000 người, còn ông Petrosyan (từng là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Armenia thập niên 1990) bị quản thúc tại gia.

Theo Itar Tass, biện pháp vũ lực khiến chính quyền phải đối phó với đám đông mới (Sự Thật Komsomol nói lên tới 40.000 người) kéo đến trước tòa thị chính Yerevan chiều tối 1-3. Họ dựng chướng ngại vật bằng cách lật đổ và đốt ôtô, xe buýt rồi cướp các cửa hàng, đụng độ với cảnh sát chống bạo động làm tám người chết và gần 200 người bị thương, trong đó có 33 cảnh sát.

Hỗn loạn chỉ chấm dứt sau khi quyền tổng thống Robert Kocharyan ban bố tình trạng khẩn cấp 20 ngày tại thủ đô, đưa xe tăng và quân đội vào Yerevan. Trong khi đó, từ nơi bị quản thúc, ông Petrosyan kêu gọi những người ủng hộ mình tuân thủ chế độ tình trạng khẩn cấp.

Theo các nhà quan sát, vụ hỗn loạn khiến nhiệm vụ của chính phủ mới của Armenia trở nên nặng nề hơn. Đầu thời kỳ lãnh đạo của mình, họ đã phải đối phó với một phe đối lập không thể nói là yếu. Nhưng phe đối lập cũng không hẳn đã có lợi thế. Vấn đề là cả SNG lẫn EU đều đã công nhận kết quả bầu cử Armenia nên nhiều khả năng sẽ không can thiệp, chỉ riêng Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) thừa nhận cuộc bầu cử "gần" đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện một số tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, EU, OSCE và Mỹ đã tỏ ý lo ngại về tình hình căng thẳng tại Armenia và cử phái viên tới Yerevan để thúc đẩy các cuộc đàm phán khôi phục an ninh chính trị tại quốc gia này.

Đến nay, về lý thuyết, Armenia là đồng minh của Nga. Cả hai ông Sarkisyan lẫn Petrosyan đều tuyên bố tiếp tục tình hữu nghị với Nga khi lên nắm quyền, mặc dù Petrosyan được cho là có xu hướng thân phương Tây hơn (nhưng ông không chủ trương đưa Armenia vào NATO như Tổng thống Ukraine Viktor Yuschenko hay Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili). Nhưng mặt khác, phương Tây cũng không ủng hộ chính thức phe phái nào.

Vì vậy, cuộc "cách mạng mơ” (người Armenia tự hào rằng đất nước mình là quê hương của trái mơ) đã đẩy Armenia sâu hơn vào khủng hoảng nội bộ.

Nagorno - Karabakh: một "Kosovo" giữa Azerbaijan

Mâu thuẫn lớn nhất giữa ứng viên đối lập Petrosyan và người thắng cử Sarkisyan là về cách giải quyết lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armenia với nước láng giềng Azerbaijan. Ông Petrosyan chủ trương nên có một số nhân nhượng với Azerbaijan để giải quyết rốt ráo vấn đề Karabakh, và cáo buộc Thủ tướng Sarkisyan đã kéo dài quá lâu vấn đề này. Còn ông Sarkisyan không chấp nhận nhân nhượng với lý do: "Nếu họ (Mỹ và phương Tây) công nhận độc lập Kosovo nhưng lại không công nhận (như thế) với Nagorno-Karabakh thì đó là chuẩn mực kép". Ông này chủ trương đường lối cứng rắn hơn để giành lại lãnh thổ trên.

Sau khi Liên Xô tan rã, giữa Armenia và Azerbaijan đã nổ ra xung đột để giành lãnh thổ tự trị này. Chiến tranh kết thúc năm 1994 bằng việc Armenia giành được quyền kiểm soát, nhưng đến nay hai nước vẫn chưa ký kết hiệp định hòa bình nào và về mặt chính thức, Karabakh vẫn thuộc về Azerbaijan. Và giống như người Albania ở Kosovo, người Armenia đang thống lĩnh ở Karabakh vẫn đang đòi công nhận họ là nước độc lập.

NG.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên