GS Tạ Ngọc Tấn nêu ý kiến về giáo viên hợp đồng tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật giáo dục sửa đổi do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 24-8-2018 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Câu chuyện và không biên chế vẫn là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm. Tôi còn nhớ như in khi bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lần đầu tiên đề xuất bỏ biên chế giáo viên, lập tức một làn sóng phán đối, phẫn nộ bùng lên bởi vì nó đụng chạm đến quyền lợi của hàng triệu nhà giáo trên khắp cả nước.
Biên chế bao lâu nay vẫn là một "tấm hộ chiếu" bất di bất dịch cho những người công tác trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là giáo dục. Nó tạo ra sự an toàn, ổn định trong công tác, lương bổng, cuộc sống cho cán bộ công chức, viên chức.
Nhưng cũng chính nó sản sinh ra tư duy ỷ lại, sức ì tiêu cực và triệt tiêu tinh thần phấn đấu, nỗ lực sáng tạo của chính đội ngũ làm công ăn lương. Trong môi trường giáo dục, điều này thật sự nguy hại!
Trong những năm tháng cuối cùng ở trường sư phạm, một người thầy khá nghiêm khắc của chúng tôi khi phê bình một nữ sinh lơ là học tập đã nói thẳng, đại ý là: Bây giờ không lo trau dồi chuyên môn, sau này ra trường vẫy vùng trong "vùng trời của ta" thì dạy học trò thế nào?
Hồi ấy, tôi chưa hiểu lắm về cái "vùng trời của ta" trong ấn ý của cô giáo. Giờ thì cái "vùng trời" ấy hiển hiện đầy đủ tốt - xấu, phải - trái trong môi trường giáo dục.
Sau hơn mười năm công tác, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp của mình được tuyển dụng dưới hình thức hợp đồng không xác định thời hạn với những đãi ngộ và chính sách gần như chẳng khác biệt nhiều so với giáo viên biên chế. Và trong "vùng trời của ta" ấy, tôi chứng kiến khá nhiều những mặt trái của biên chế.
Có những người an phận với nghề nghiệp, bằng cấp đạt chuẩn của mình. Họ bình thản lên lớp, hết tiết xách cặp ra về, an nhiên tự tại chờ ba năm lên một bậc lương. Đòi hỏi họ phải cống hiến, sáng tạo, đổi mới, tất cả họ đều thực hiện một cách đối phó, hình thức.
Có những người hạn chế về năng lực, chuyên môn vẫn được tuyển dụng và an toàn trong biên chế. Sau những lần dự giờ, góp ý, đề nghị thẳng thắn phải trau dồi thêm về nghiệp vụ, mọi thứ dường như "vũ như cẩn". Không ít lần tôi đã từng nghe chính những đồng nghiệp của mình thở dài: "Tội cho học sinh phải học với…".
Có rất nhiều người thầy giỏi chuyên môn, giàu nhiệt huyết sau những lần cống hiến không mỏi mệt bỗng nhận ra sự bất công giữa người này với người kia. Họ phải dạy dỗ, tham gia các phong trào, hoạt động ngoài giờ không ngừng nghỉ.
Trong khi đó, nhiều người chỉ hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, chủ nhiệm của mình và bó khuôn trong một vài hoạt động trường lớp bắt buộc. Kết quả tất cả đều nhận một mức danh hiệu thi đua như nhau.
Sự bất bình đẳng ấy khiến người ta dễ nản lòng, dần dà nhiệt huyết cống hiến, sáng tạo bị mai một. Sức ì nảy sinh, nhân rộng trong đội ngũ khiến lực đẩy đổi mới giáo dục bị cản trở, môi trường giáo dục biến thành một cỗ máy trì trệ, ì ạch.
Biên chế là "tấm hộ chiếu" an toàn nhưng cũng là "con dao hai lưỡi" vô tình tạo ra nguồn năng lượng tiêu cực trong chính đội ngũ nhà giáo.
Bỏ biên chế giáo dục và thực hiện nghiêm túc, công bằng, khách quan quá trình tuyển dụng "có vào, có ra" đối với đội ngũ nhà giáo là phương án cực kỳ cần thiết nhằm tạo động lực đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà trong thời điểm này!
Một cuộc "cách mạng" về biên chế giáo dục để hướng tới động lực phát triển, tại sao không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận