Cách ghi chú vào sách

MORTIMER J. ADLER 23/04/2025 15:04 GMT+7

TTCT - Tiểu luận kinh điển của Mortimer J. Adler (1902-2001), được đọc và thảo luận rất nhiều trên các diễn đàn, về vấn đề đọc sách sao cho hiệu quả.

Mortimer J. Adler (1902-2001) là triết gia, nhà thần học, nhà giáo dục và nhà bách khoa thư nổi tiếng người Mỹ. Ông là người đồng khởi xướng bộ tuyển tập Great Books of the Western World (Những cuốn sách vĩ đại của thế giới phương Tây) bao gồm những tác phẩm kinh điển của nền văn minh phương Tây trên hầu hết các lĩnh vực như văn chương, lịch sử, triết học, tôn giáo, kinh tế, luân lý học, khoa học tự nhiên và toán học. Tiểu luận "Cách ghi chú vào sách" của ông được đăng lần đầu tiên trên tạp chí The Saturday Review of Literature, số ra ngày 6-7-1941, trở thành một tiểu luận kinh điển, được đọc và thảo luận rất nhiều trên các diễn đàn, về vấn đề đọc sách sao cho hiệu quả.

sách quý - Ảnh 1.

Một cuốn Kinh Thánh cổ với những ghi chú tuyệt đẹp của người đọc.

Bạn biết rằng cần phải đọc "giữa các dòng" thì mới có thể nắm bắt hết được những gì mình đã đọc. Tôi muốn thuyết phục bạn làm thêm một việc không kém phần quan trọng trong quá trình đọc: Hãy viết giữa các dòng. Nếu không làm vậy, bạn khó lòng đạt được hiệu quả tối đa khi đọc sách.

Tôi xin được khẳng định, một cách khá thẳng thắn, rằng ghi chú vào sách không phải là hành động phá hoại mà là một hành động thể hiện tình yêu. Bạn không nên ghi chú vào cuốn sách không phải của mình.

Thủ thư (hay bạn bè) khi cho bạn mượn sách đều mong muốn rằng bạn sẽ giữ sách sạch sẽ, và bạn nên làm như vậy. Nếu đồng ý với nhận định của tôi về lợi ích của việc ghi chú vào sách thì bạn sẽ phải mua sách. Hiện nay, hầu hết các tác phẩm vĩ đại trên thế giới đều có sẵn dưới dạng tái bản.

Có hai cách để sở hữu một cuốn sách. Cách thứ nhất là quyền sở hữu mà bạn có được khi trả tiền mua sách, cũng giống như khi trả tiền mua quần áo và đồ đạc. Nhưng hành động mua sách chỉ là bước khởi đầu của việc sở hữu. Quyền sở hữu trọn vẹn chỉ đến khi bạn biến cuốn sách thành một phần của chính bản thân mình, và cách tốt nhất để biến mình thành một phần của nó là viết vào sách.

Dưới đây là một ví dụ minh họa để làm sáng tỏ điều này. Bạn mua một miếng bít tết và chuyển nó từ tủ lạnh của người bán thịt sang tủ lạnh của bạn. Nhưng bạn không sở hữu miếng bít tết theo đúng nghĩa quan trọng nhất cho đến khi bạn ăn nó và để nó thấm vào trong máu của bạn. Tôi cho rằng sách cũng như vậy, chúng cần phải được thấm vào máu bạn thì mới có ích.

Sự nhầm lẫn về ý nghĩa của việc "sở hữu" sách khiến mọi người thể hiện một lòng tôn kính sai lạc đối với giấy in, bìa sách, và kiểu chữ - một sự tôn trọng dành cho vật thể hữu hình - đối với tay nghề của người thợ in hơn là thiên tài của tác giả. 

Họ quên rằng một người hoàn toàn có thể tiếp thu tư tưởng, sở hữu vẻ đẹp, mà một cuốn sách chứa đựng, không cần phải khẳng định quyền sở hữu bằng cách dán nhãn tên của mình vào trang lót bìa. 

Việc có được một thư viện đẹp không chứng minh được rằng chủ nhân của nó có trí tuệ được làm phong phú lên nhờ đọc sách; nó chỉ chứng tỏ rằng chính họ, cha họ, hoặc vợ họ, đủ giàu để mua sách mà thôi.

Có ba kiểu người sở hữu sách. Kiểu thứ nhất là người có đầy đủ các bộ sách tiêu chuẩn và sách bán chạy - chưa từng đọc, chưa từng đụng tới. (Kẻ ảo tưởng này thực ra chỉ sở hữu bột giấy và mực in, chứ không phải sách). 

Kiểu thứ hai là người có rất nhiều sách - một vài cuốn đã đọc hết, phần lớn chỉ lướt qua, nhưng tất cả đều sạch sẽ và sáng bóng như ngày mới mua. (Người này có lẽ cũng muốn biến sách thành của riêng mình, nhưng lại bị cản trở bởi một sự tôn trọng sai lầm dành cho vẻ ngoài của sách.) 

Kiểu thứ ba là người có ít hoặc nhiều sách - cuốn nào cũng nhàu nát, quăn góc và long gáy vì dùng liên tục, đầy những ghi chú đánh dấu nguệch ngoạc từ đầu đến cuối. (Người này mới thực sự sở hữu sách.)

sách quý - Ảnh 2.

Những ghi chú bất bình của người đọc vào một cuốn sách dịch thảm họa.

Bạn có thể hỏi: Liệu việc giữ gìn nguyên vẹn không tì vết một cuốn sách được in ấn đẹp đẽ, được đóng bìa trang nhã có phải là một sự tôn trọng sai lầm không? Tất nhiên là không. Không đời nào tôi lại viết nguệch ngoạc vào ấn bản đầu tiên của tác phẩm Thiên đường đã mất cũng như chẳng bao giờ tôi lại đưa cho con mình một hộp bút sáp màu cùng với bức tranh gốc của Rembrandt cả. 

Tôi sẽ không ghi chú lên một bức tranh hay một bức tượng. Linh hồn của chúng, có thể nói như vậy, là không thể tách biệt với thể xác của chúng. Và vẻ đẹp của một ấn bản hiếm hoặc của một cuốn sách được chế tác tinh xảo cũng giống như vẻ đẹp của một bức tranh hay một bức tượng.

Nhưng linh hồn của một cuốn sách thì "có thể" tách biệt với thể xác của nó. Một cuốn sách giống với một bản in nhạc hơn là một bức tranh. Không một nhạc sĩ vĩ đại nào lại nhầm lẫn một bản giao hưởng với những tờ giấy in bản nhạc cả. Arturo Toscanini tôn kính Brahms, nhưng bản tổng phổ mà Toscanini dùng để chỉ huy dàn nhạc chơi bản Giao hưởng Cung Sol thứ của Brahms thì lại được ghi chú kỹ lưỡng đến nỗi không ai, ngoài chính ngài nhạc trưởng đại tài Toscanini, có thể đọc nổi. 

Lý do một nhạc trưởng vĩ đại ghi chú vào những bản tổng phổ của mình - đánh dấu chúng nhiều lần mỗi khi xem lại tác phẩm - chính là lý do tại sao bạn nên ghi chú vào những cuốn sách của mình. Nếu sự tôn trọng của bạn dành cho bìa sách sang trọng hay kiểu chữ đẹp cản trở việc đó, hãy mua lấy cho mình một ấn bản rẻ tiền và bày tỏ sự tôn trọng cho tác giả.

Tại sao ghi chú vào sách lại là điều không thể thiếu đối với việc đọc sách? Trước hết, nó giúp bạn tỉnh táo. (Và tôi không chỉ nói đến việc không ngủ gật, mà tôi muốn nói đến việc tỉnh táo thực sự). 

Tiếp đến, đọc sách, nếu là hành động đọc chủ động, chính là suy nghĩ, và suy nghĩ thường có xu hướng bộc lộ ra thành lời, dù là nói hay viết. Một cuốn sách đầy rẫy những ghi chú thường là một cuốn sách đã được nghiền ngẫm kỹ càng. Cuối cùng, việc viết ra giúp bạn ghi nhớ những suy nghĩ của mình, hoặc những tư tưởng mà tác giả đã thể hiện. Tôi sẽ phân tích kỹ hơn ba điểm này.

Nếu việc đọc sách là để đạt được điều gì đó hơn là giết thời gian thì nó cần phải mang tính chủ động. Bạn không thể chỉ để mắt mình lướt qua những dòng chữ của một cuốn sách rồi mong hiểu được những gì đã đọc. 

Những tác phẩm hư cấu nhẹ nhàng thông thường kiểu như Cuốn theo chiều gió thì không đòi hỏi cách đọc chủ động cao nhất. Những cuốn sách bạn đọc để giải trí thì có thể đọc trong trạng thái thư giãn, và chẳng bị bỏ lỡ mất điều gì hết. 

Nhưng một cuốn sách vĩ đại, đầy ắp những ý tưởng và vẻ đẹp, một cuốn sách đặt ra và cố gắng trả lời những câu hỏi căn bản lớn lao thì đòi hỏi cách đọc chủ động cao nhất mà bạn có thể. Bạn không thể tiếp thu tư tưởng của John Dewey theo cách bạn tiếp nhận giọng ca ngọt ngào của ông Vallee. Bạn phải vươn tới nắm bắt chúng. Điều đó thì bạn không thể thực hiện khi đang ngủ.

Nếu khi vừa đọc xong một cuốn sách mà các trang đầy những ghi chú của bạn thì bạn biết rằng mình đã đọc một cách chủ động. Người đọc "chủ động" nổi tiếng nhất mà tôi biết là ông Hutchins, hiệu trưởng Đại học Chicago. 

Ông cũng là người có lịch trình làm việc dày đặc nhất mà tôi biết. Ông luôn đọc sách với một cây bút chì trong tay, và thỉnh thoảng, khi cầm sách và bút lên vào buổi tối, ông lại thấy mình, thay vì viết ra những ghi chú thông minh, lại vẽ những thứ mà ông gọi là "nhà máy sản xuất trứng cá muối" vào lề sách. Khi điều đó xảy ra, ông đặt sách xuống. Ông biết rằng mình quá mệt nên không thể đọc sách được nữa, và chỉ đang làm lãng phí thời gian mà thôi.

Nhưng bạn có thể hỏi: tại sao lại cần phải viết ra? Thì chính hành động viết ra bằng tay sẽ khắc sâu những từ ngữ và câu văn vào trong tâm trí bạn và giữ được chúng lâu hơn trong trí nhớ. Việc ghi lại phản ứng của bạn trước những từ ngữ và câu văn quan trọng đã được đọc, cùng với những câu hỏi mà chúng khơi dậy lên trong tâm trí bạn, chính là cách lưu giữ những phản ứng đó và làm cho những câu hỏi kia trở nên sắc bén hơn.

Ngay cả khi bạn viết ra giấy nháp, rồi vứt tờ giấy đó đi khi viết xong thì khả năng nắm bắt cuốn sách của bạn cũng sẽ chắc chắn hơn. Nhưng bạn không cần phải vứt tờ giấy đó đi. Lề sách (cả lề trên, lề dưới lẫn lề bên), các trang lót bìa, khoảng trống giữa các dòng, tất cả đều có sẵn. Chúng không phải là thứ linh thiêng gì hết. 

Và điều tuyệt vời nhất là những phần đánh dấu và ghi chú của bạn sẽ trở thành một phần không thể tách rời của cuốn sách và ở đó mãi mãi. Bạn có thể mở lại cuốn sách ra sau một tuần hoặc một năm, và tất cả mọi quan điểm đồng ý, phản đối, hoài nghi hay thắc mắc của bạn vẫn còn nguyên ở đó. Nó giống như việc tiếp tục một cuộc trò chuyện bị gián đoạn với ưu điểm là bạn có thể tiếp tục từ chỗ mình đã dừng lại.

Và đó chính là những gì mà việc đọc sách nên là: một cuộc trò chuyện giữa bạn và tác giả. Có lẽ tác giả biết nhiều hơn bạn về chủ đề đó; đương nhiên bạn sẽ giữ thái độ khiêm tốn đúng mực khi tiếp cận tác giả. 

Nhưng đừng để ai nói với bạn rằng độc giả chỉ nên đứng ở vị trí tiếp nhận thụ động. Hiểu biết là một quá trình hai chiều; học hỏi không có nghĩa là trở thành cái bình rỗng cho người ta rót vào. Người học phải biết tự đặt câu hỏi cho chính mình và đặt câu hỏi cho cả người dạy nữa. Họ thậm chí còn phải tranh luận với cả người dạy, một khi đã hiểu được những gì mà người dạy đang nói. Và việc ghi chú vào sách thực chất là cách bày tỏ sự đồng tình hay bất đồng quan điểm với tác giả.

Có đủ các cách khác nhau để ghi chú vào sách một cách thông minh và hiệu quả. Đây là cách mà tôi thường làm:

• Gạch chân (hoặc tô sáng): những ý chính, những câu quan trọng hoặc có sức thuyết phục cao.

• Dùng các đường kẻ dọc bên lề: để nhấn mạnh một câu đã được gạch chân.

• Dùng dấu sao, dấu hoa thị, hoặc các ký hiệu đặc biệt khác bên lề: được dùng một cách tiết kiệm, để nhấn mạnh mười hay hai mươi câu quan trọng trong cuốn sách. (Bạn có thể muốn gấp góc dưới của mỗi trang mà bạn sử dụng những ký hiệu này. 

Việc này không làm hỏng loại giấy bền mà hầu hết những cuốn sách hiện đại đều dùng, bạn có thể lấy sách từ trên giá xuống bất cứ lúc nào và mở ngay trang có gấp góc, nhanh chóng nhớ lại nội dung của cuốn sách).

• Đánh số ở bên lề: để chỉ ra trình tự các luận điểm mà tác giả đưa ra khi triển khai một lập luận.

• Ghi số các trang khác ở bên lề: để chỉ ra những chỗ khác trong sách mà tác giả cũng đề cập đến các ý liên quan đến luận điểm đang được đánh dấu; để liên kết các ý tưởng trong sách lại với nhau, dù chúng nằm cách nhau rất nhiều trang.

• Khoanh tròn hoặc tô sáng các từ khóa hoặc cụm từ quan trọng.

• Viết ra bên lề, hoặc ở phần đầu trang hay cuối trang, để: ghi lại các câu hỏi (và có thể cả câu trả lời) mà một đoạn văn gợi lên trong đầu bạn; tóm lược một đoạn thảo luận phức tạp thành một câu đơn giản; ghi lại trình tự của các điểm chính xuyên suốt cuốn sách. Tôi thường sử dụng những trang lót bìa sau cuốn sách để tạo chỉ mục cá nhân, ghi lại các luận điểm của tác giả theo thứ tự xuất hiện của chúng.

Với tôi, những trang lót bìa trước là quan trọng nhất. Một số người dùng chúng để dán một cái nhãn tên thật trau chuốt. Tôi thì dùng chúng để viết ra những suy nghĩ đã được trau chuốt. Sau khi đọc xong cuốn sách và tạo xong chỉ mục cá nhân ở những trang lót bìa sau, tôi sẽ giở trang lót bìa trước ra và cố gắng phác thảo nội dung cuốn sách, không phải theo từng trang hay từng luận điểm (điều đó tôi đã làm ở những trang lót bìa sau rồi), mà theo một cấu trúc tổng thể thống nhất, với sự nhất quán cơ bản và trật tự giữa các phần. Với tôi, phác thảo này chính là thước đo mức độ hiểu biết của tôi về tác phẩm.

-----------------

Nếu bạn là một người kịch liệt phản đối việc ghi chú vào sách, bạn có thể phản bác rằng phần lề, khoảng trống giữa các dòng và các trang bìa lót không đủ chỗ cho mình viết. Được thôi. Vậy còn việc sử dụng một tờ giấy ghi chú nhỏ hơn trang sách một chút - để mép giấy không bị lòi ra ngoài - thì sao? Tạo chỉ mục cho riêng mình, phác các nét chính và thậm chí là ghi chú lên tờ giấy đó, và đính những tờ giấy đó vĩnh viễn vào trong bìa trước và bìa sau của cuốn sách. 

Hoặc bạn có thể nói rằng việc ghi chú vào sách sẽ khiến bạn đọc chậm lại. Có lẽ đúng là như vậy. Đó cũng chính là một trong những lý do ta nên làm như vậy. Hầu hết chúng ta đều bị mắc lừa bởi quan niệm rằng tốc độ đọc là thước đo phản ánh trí thông minh. Không hề có cái gọi là tốc độ chuẩn cho việc đọc thông minh.

Một số thứ nên đọc nhanh và không cần nỗ lực gì cả, còn một số thì nên đọc thật chậm, thậm chí là đọc một cách khó nhọc. Dấu hiệu của trí thông minh trong việc đọc sách là khả năng đọc những thứ khác nhau theo các cách khác nhau, tùy thuộc vào giá trị của chúng. Với những cuốn sách hay, vấn đề không phải là bạn đọc được bao nhiêu cuốn, mà là bao nhiêu cuốn thực sự thấm vào bạn - bao nhiêu cuốn bạn có thể biến chúng thành của riêng mình. Vài người bạn thân thiết còn hơn cả ngàn người quen xã giao. 

Nếu đây là mục tiêu của bạn, và đúng ra nên như vậy thì bạn sẽ không sốt ruột khi việc đọc một cuốn sách hay đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn việc đọc một tờ báo. Có thể bạn vẫn còn một ý phản bác cuối cùng đối với việc ghi chú vào sách, ấy là bạn không thể cho bạn bè mượn những cuốn sách như thế được vì không ai có thể đọc chúng mà không bị phân tâm bởi những ghi chú của bạn. 

Hơn nữa, bạn cũng không muốn cho mượn vì một cuốn sách đã được ghi chú giống như một kiểu nhật ký trí tuệ, và cho mượn sách như thế gần như chẳng khác nào cho đi tâm trí của mình vậy.

Nếu bạn bè muốn đọc Những cuộc đời song hành của Plutarch, Tuyển tập Shakespeare, hoặc Luận cương thể chế liên bang, hãy nhẹ nhàng nhưng kiên quyết bảo họ rằng: hãy tự mua lấy một bản đi. Bạn có thể cho họ mượn xe hay áo khoác - nhưng sách của bạn là một phần của con người bạn, giống như đầu óc hay trái tim vậy. 

(Nguyễn Nguyên Phước dịch)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận