05/07/2019 09:33 GMT+7

Cách dạy con của cô Tuyết

NGUYỄN QUANG THẠCH
NGUYỄN QUANG THẠCH

TTO - Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (Hà Tĩnh) lập gia đình trong những ngày đất nước chưa bình yên, chồng tham gia quân ngũ. Từ năm 1978-1988, cô lần lượt sinh bốn người con gái. Chồng ở xa, cô vừa lo việc dạy học ở trường, vừa chăm sóc, nuôi dạy các con.

Cách dạy con của cô Tuyết - Ảnh 1.

Vợ chồng cô Tuyết với bốn người con của mình - Ảnh: QUANG THẠCH

Mỗi cá thể khi sinh ra và lớn lên được hoặc bị tương tác với môi trường xung quanh. Nhóm tương tác mạnh nhất là cha mẹ, ông bà và họ hàng. Thứ hai là cộng đồng, từ làng xã đến trường học. Cuối cùng là xã hội rộng lớn hơn. Từ nỗ lực dạy con không ngừng nghỉ của gia đình cô Tuyết, cần đưa giáo dục gia đình thành một cấu phần quan trọng của giáo dục để xây dựng một xã hội nhân văn và sáng tạo từ mỗi gia đình.

Khi cặp sinh đôi đầu lòng Thành Tâm và Tuyết Hạnh lên 7, một hôm hai con hốt hoảng chạy về nhà hỏi mẹ "nhà ta còn có đường không mẹ?". Như một phản xạ có điều kiện, thấy chú lợp mái tranh cho trường bị ngất, hai con cô đã vội vã về nhà lấy đường để pha nước cho chú.

Bắt chước hành động nhân ái

"Hành động của Tâm và Hạnh làm tôi nhớ đến việc tôi nấu cơm cho người ăn mày lúc 6 tuổi. Đơn giản vì tôi chứng kiến bà nội tôi chia phần cơm cho những hàng xóm đói kém. Nếu chúng ta chỉ đơn thuần nói với đứa trẻ rằng con phải yêu con người, con phải nhân ái... mà không có những hành động cụ thể thì sự thẩm nhận sẽ rất thấp. 

Hành động của người lớn thể hiện tình thương người sẽ thấm vào tâm trí con trẻ một cách tự nhiên. Trẻ em sẽ bắt chước những hành động nhân ái đó, và khi được người lớn khen ngợi, lòng nhân ái sẽ ngày một lớn lên".

Cô nhận ra tính cách và năng lực của từng đứa con khi quan sát các con chia kẹo. Bé Tâm thì vốc từng nắm kẹo đưa cho mọi người, trong khi bé Hạnh thì kiên trì đếm từng viên kẹo để đảm bảo ai cũng được bằng nhau. Bé Hạnh còn biết tạo công bằng cho các em khi chia mía bằng cách chẻ dọc cây. Còn Tâm thì sớm thể hiện khả năng tư duy logic khi thường giải được các bài toàn khó của lớp trên.

Từ những quan sát như vậy, cô Tuyết đã dự đoán Hạnh có năng lực trở thành nhà khoa học, còn Tâm sẽ phù hợp làm giáo viên toán. Dự đoán của cô Tuyết đã đúng. 

Hạnh đã trở thành giảng viên và là nhà nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe môi trường, xuất sắc ba lần giành học bổng toàn phần ở Úc cho bậc học đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Hiện nay Hạnh cũng thường xuyên tham gia các hoạt động khai mở dân trí như làm tủ sách, lên tiếng bảo vệ biển đảo... 

Còn Tâm đã trở thành giáo viên toán uy tín ở trường THPT, luôn giúp đỡ, động viên các học sinh nghèo.

Hướng con theo sở thích, đam mê

Về cô con gái thứ ba - Bình Nguyên, qua việc chia sẻ niềm yêu thích với thiên nhiên, thích nằm nền đất, thích chơi cây cỏ của con, cô Tuyết dự đoán rằng Bình Nguyên phù hợp với lĩnh vực về môi trường sinh thái. 

Sau này cô con gái thứ ba đã xuất sắc được chọn sang Nga để học bảy năm về công nghệ sinh học và nay là giảng viên của Học viện Nông nghiệp. Nhóm nghiên cứu của con gái cô Tuyết đã cho ra nhiều sản phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống.

Tháng 10 này, con gái út Quý Linh sẽ sang Úc làm tiến sĩ về y tế công cộng. Học giỏi các môn tự nhiên nhưng cô con gái út lại sớm thể hiện sở thích làm thơ từ hồi lớp 1 với năng lực quan sát và liên tưởng. 

Biết được niềm yêu thích của con, cô Tuyết đã trao cho con cuốn sổ để ghi thơ với trang đầu tiên là bài thơ cô đề tặng: "... Con lớn lên trong căn nhà bé nhỏ/Thiếu thốn nhưng giàu nghị lực niềm tin/Gắng chắt chiu nhựa sống vươn lên/Qua mưa nắng vững bền con tới đích". 

Khi trưởng thành, bên cạnh đam mê khoa học, Quý Linh tích cực tham gia các hoạt động xã hội thúc đẩy văn hóa đọc, tiếng Anh cho trẻ em nông thôn Việt Nam.

Bài học cuộc sống qua thực hành

Vợ chồng cô Tuyết luôn dạy các con những bài học về cuộc sống thông qua thực hành. Cứ mỗi dịp nghỉ hè, vợ chồng cô lại cùng các con đi về các vùng nông thôn mua hoa quả đem về chợ trung tâm bán.

Các con cô học được kỹ năng buôn bán giao tiếp ngay từ nhỏ. Hơn thế nữa là hiểu được cuộc sống khó khăn của người lao động, thông cảm hơn cho người nghèo, biết trân trọng đồng tiền mình kiếm được và sử dụng vào mục đích chân chính.

NGUYỄN QUANG THẠCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên