21/12/2020 19:00 GMT+7

Cách Brazil, Úc… bảo vệ ngành mía đường nước nhà

P.Q
P.Q

Các quốc gia đâm đơn kiện hoặc liên kết với nhau khiếu nại lên cấp cao, cung cấp bằng chứng xác đáng và dẫn thông lệ quốc tế để đạt được mục tiêu.

Cách Brazil, Úc… bảo vệ ngành mía đường nước nhà - Ảnh 1.

Điều tra và sớm áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại sẽ bảo vệ ngành đường nước nhà và sinh kế cho 350.000 nông dân, 15.000 lao động

Có nhiều lý do các quốc gia phải áp dụng biện pháp phòng vệ phù hợp cho ngành đường. 

Lợi ích trước mắt là tái thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng; bảo vệ sinh kế cho lao động; ổn định tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Song tầm vĩ mô hơn là bảo vệ an ninh lương thực quốc gia, tránh phụ thuộc vào nước khác.

Vụ kiện Brazil - Thái Lan

Năm 2016, Brazil đã kiện Thái Lan trợ giá mía cho nông dân trong nước, làm dư thừa sản lượng và kéo giá đường thế giới giảm xuống, đẩy thị phần Thái Lan tăng lên.

Từ 2011 đến 2014, giá đường thế giới giảm tới 40%. Ngược lại, xuất khẩu đường Thái Lan tăng 70%. Thái Lan trở thành quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, mặc dù sản xuất đường của nước này kém hiệu quả so với các nhà sản xuất lớn (thời tiết khô hạn, chất lượng mía kém, quy mô đồng mía nhỏ, thiếu cơ giới hóa...).

Vậy làm thế nào Thái Lan có thể tăng sản lượng, trong khi giá đường thế giới giảm đáy? Câu trả lời là sự can thiệp của Chính phủ Thái Lan, trợ cấp ngành đường nội địa suốt nhiều thập kỷ, mở rộng sản xuất và xuất khẩu đường, bất kể nhu cầu và giá cả thị trường thế giới.

Thái Lan hỗ trợ ngành mía đường ít nhất 1,3 tỉ USD/năm, gồm 775 triệu USD trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua hệ thống tổng hợp giá và 500-525 triệu USD cho các khoản thanh toán trực tiếp khi giá đường thế giới giảm. Ngoài ra, các nhà máy đường và nông dân trồng mía còn hưởng lợi đáng kể từ các khoản vay ưu đãi và trợ cấp đầu vào (vật tư, phân bón...).

Các chính sách này tạo điều kiện cho đường Thái Lan có thể bán phá giá khắp khu vực và toàn cầu. Trong khi đó, Chính phủ lại cố định giá đường cao trong nước, áp dụng chính sách CPP (customer pay producer), siết chặt hạn ngạch nhập khẩu.

Đứng trước đơn kiện, Thái Lan buộc phải đưa ra một số thay đổi tạm thời để xoa dịu căng thẳng. Chính phủ đã thả nổi giá đường, bãi bỏ hạn ngạch và chỉ định lượng dự trữ đủ tiêu thụ trong nước. Đồng thời, huy động Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại giao, người trồng mía và nhà máy đường đàm phán với Brazil.

Trước cam kết nghiêm túc của Thái Lan trong việc giải quyết vấn đề và tuân thủ quy định của WTO, tháng 3-2018, Brazil đã tạm hoãn vụ kiện và sẽ đợi cho đến khi Thái Lan hoàn thiện tái cơ cấu ngành mía đường, sửa đổi đạo luật mía đường.

Vụ kiện Úc, Brazil, Guatemala - Ấn Độ

Đầu 2019, Ấn Độ - nhà sản xuất đường thứ hai thế giới - đối mặt với cuộc điều tra của WTO về chính sách trợ giá và trợ cấp xuất khẩu. Khởi kiện Ấn Độ không chỉ có một, mà tới ba nước.

Úc, Brazil và Guatemala liên kết đệ đơn lên cấp cao nhất, cáo buộc Ấn Độ gây "dư thừa" và "giảm giá" đường toàn cầu xuống dưới cả giá sản xuất. Ngành đường trị giá 1,35 tỉ USD ở Úc hiện tạo ra 40.000 việc làm, song lại bị đường Ấn Độ thay thế ở nhiều thị trường xuất khẩu lâu đời.

Trước đó, Úc đã yêu cầu tham vấn với Ấn Độ và dẫn chứng chính sách của Ấn Độ không phù hợp với các điều 3.2, 3.3, 6.3, 7.2 (b), 8, 9.1, 10, 18.2 và 18.3 của hiệp định nông nghiệp; điều 3 và 25 của hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng; và điều XVI của hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994.

Ấn Độ đã không có hành động cụ thể đáp lại và tiếp tục khoản trợ cấp. Đến tháng 10-2019, WTO đồng ý với yêu cầu ba nước thành lập hội đồng tranh chấp gồm 15 nước với tư cách bên thứ ba, điều tra và phán quyết về việc trợ cấp của Ấn Độ có vi phạm quy tắc thương mại toàn cầu không. 

Do tính chất phức tạp của vụ kiện, WTO vẫn đang gấp rút điều tra và sẽ đưa ra phán quyết trước quý 2-2021.

Úc, Brazil, Ấn Độ đều có mối quan hệ bền chặt, song hệ thống thương mại có giá trị quan trọng hơn cả đối tác thân thiết. WTO trở thành nhóm tổ chức giải quyết tranh chấp quốc tế tích cực nhất thế giới, với hơn 350 phán quyết về 500 vụ tranh chấp kể từ 1995.

Vụ điều tra Việt Nam - Thái Lan

Kể từ 1-1-2020, Việt Nam đã tuân thủ ATIGA bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN. Song ngành đường nước nhà lại đang chịu cú đấm kép từ cả đường lậu lẫn đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan.

Đường Thái Lan có dấu hiệu phá giá sau khi nhận trợ cấp lớn từ chính phủ. Hiện nước này đang xuất khẩu đường sang Việt Nam với giá bình quân (334 USD/tấn) thấp hơn cả giá mua mía (410 USD/tấn) và giá bán hiện hành ở nội địa Thái Lan (755 USD/tấn).

Việt Nam đang điều tra thu thập chứng cứ bước đầu bảo vệ ngành đường nước nhà. Trên lộ trình dài hơi này, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Úc hay Brazil. 

Sau điều tra, Bộ Công thương sẽ xem xét áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp trong nước và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, có thể đệ đơn lên tổ chức cấp cao yêu cầu Thái Lan thực hiện 2 thay đổi quan trọng: cần bỏ trợ cấp ngành đường và định giá đường cao hơn giá mía.

P.Q
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên