01/02/2024 08:47 GMT+7

Cách bán hoa Tết, tranh luận muôn thuở

Cũng như mọi năm, giá hoa Tết luôn là đề tài tranh luận của nhiều bên liên quan đến "món ăn tinh thần" đặc biệt này. Năm nay việc buôn bán hoa được ghi nhận là chậm hơn các năm, đề tài này lại càng dễ được nhắc đến.

Nhân viên trang trí hoa theo đơn đặt hàng của khách - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhân viên trang trí hoa theo đơn đặt hàng của khách - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Vậy các bên đã dùng lý lẽ của mình thế nào?

Đã có nơi niêm yết giá

Theo ghi nhận vào chiều 31-1 tại cửa hàng Hoa yêu thương (đường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM), không khí mua bán nhộn nhịp, nhiều nhân viên giao nhận làm việc luôn tay để kịp giao hàng đến khách.

Đặc biệt, trừ những đơn hàng làm theo yêu cầu, các chậu hoa, bó hoa được làm sẵn tại đây đều được niêm yết giá rõ ràng.

"Hoa nhập về rất nhiều nhưng các chủng loại đều được niêm yết giá rõ ràng từ trên mạng đến tại cửa hàng để giữ uy tín, khách hàng dễ lựa chọn. Những bình, loại hoa nào, dịch vụ đang giảm giá, miễn phí cũng nói rõ", đại diện cửa hàng này khẳng định.

Trong khi đó, đã nhập về đến vài trăm, thậm chí cả nghìn cành hoa đào Bắc bằng đường hàng không, bà Nguyễn Thị Hồng - chủ một cửa hàng hoa tại quận 1 - cho biết dù không niêm yết giá bán rõ ràng nhưng gần như không nói thách.

"Gần như chỉ mùa Tết mới bán hoa đào, nhưng dù là thời vụ thì cửa hàng vẫn giữ quan điểm giá cố định. Chúng tôi muốn tạo cho khách thói quen "không phải lăn tăn về giá". Hiểu được thì người mua dễ mua, người bán cũng yên tâm nhập hàng về, đỡ phải kỳ kèo làm mất thời gian đôi bên", bà Hồng lý giải.

Theo bà Hồng, để tiện cho khách, năm nay đơn vị chủ động chụp hình đào cắt cành ngay tại vườn ở Hà Nội để tải lên mạng, gửi đến trực tiếp cho khách.

Theo đó, với hình ảnh và giá được niêm yết cụ thể, khách mua sẽ chốt ngay, đặt cọc trước 30%, đào về tới sân bay sẽ được giao thẳng đến khách. Nhờ đó, hiện hơn 70% khách hàng của đơn vị là khách mua online.

Giá cao rồi giảm dần, vì sao?

Vừa đưa đến công viên Gia Định (TP.HCM) hơn 400 chậu hoa cúc các loại để bán Tết, chị Nguyễn Bích Trang (Ninh Hòa, Khánh Hòa) thừa nhận người bán có tâm lý kêu giá cao các ngày đầu, sau đó giảm dần.

"Nói giá cao để kỳ vọng giữ giá bán tốt. Ngoài ra, giá hoa đầu mùa được bán cao hơn cũng là lẽ hợp lý vì khách hàng được lựa mua trước, phải đi liền với giá cao" - chị Trang nêu quan điểm và cho rằng giá mỗi cây, chậu hoa còn tùy vào góc nhìn và gu của khách.

Trong khi đó, chở hơn 350 cây tắc từ Bến Tre lên bán tại khu vực đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) được hai ngày nay, ông Nguyễn Đức Vinh cũng xác nhận giá bán 350.000 - 500.000 đồng/chậu là "giá cao so với thực tế".

"Nói cao để khách trả giá giảm dần là vừa, chứ đầu mùa bán thấp hoặc đúng giá thì cuối mùa khách sẽ trả giá thấp thêm, nguy cơ bị lỗ", ông Vinh lý giải.

Tuy vậy, ông Vinh cũng thừa nhận giá hoa Tết được bán "kiểu thượng vàng hạ cám", mỗi ngày mỗi giá khiến gần như cả người bán và người mua đều "bị mệt", thậm chí bị thiệt hại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Phương - chủ vườn mai Phương Bình (TP Thủ Đức) - cho biết với đặc thù là mặt hàng giá cao, nhiều cây giá bán đến vài trăm triệu, thậm chí có cây tiền tỉ, nên bớt tiền chút cho khách cũng không khó khăn.

Tuy nhiên, quan điểm của vườn là đưa ra giá bán không quá chênh lệch lớn giữa đầu mùa và ngày 30 Tết, thậm chí giữ giá gần như ổn định mà không quan tâm sức mua.

"Chúng tôi muốn định giá rõ ràng cho loại cây này, bởi vất vả cả năm mới trồng được cây mai chất lượng chưng Tết.

Ngoài ra, không bán năm nay thì nhà vườn vẫn giữ lại để bán cho các năm sau", ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, ngoài bán lẻ, hiện ông đăng bán online trên các trang mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng và quảng bá thêm thương hiệu, đặc biệt đến khách hàng ở xa như khách Hà Nội, khách Campuchia...

Nhóm nông dân livestream bán hoa kiểng tại cơ sở cây cảnh Sa Đéc, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Nhóm nông dân livestream bán hoa kiểng tại cơ sở cây cảnh Sa Đéc, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Chẳng lẽ bó tay?

Nhiều năm nay, một số thương lái và nhà vườn cho biết vẫn giữ quan điểm "hoa Tết ế thì đập bỏ chứ không bán rẻ", bởi bán rẻ sẽ vô tình tạo thói quen cho người mua canh me mua hoa Tết rẻ, đặc biệt càng sát Tết.

Khi được hỏi về quan điểm này, ông Phạm Hoàng Thái Dương, giám đốc chuỗi Hoa yêu thương, cho hay dù giá hoa giảm 80 - 90% vào chiều 30 Tết cũng không xấu bởi ai cũng hiểu đó là hàng tồn, kém chất lượng.

"Tại sao hàng thời trang, giày dép xả kho 80 - 90% được nhưng hoa Tết cuối vụ xả lại than trời và cho rằng tạo tiền lệ xấu?", ông Dương đặt câu hỏi và chia sẻ thêm số lượng người mua hoa chiều 30 Tết chỉ khoảng 10%.

Đây là những người quá bận rộn hoặc điều kiện kinh tế không cho phép, chứ ít khách cố tình đi "săn" hoa chiều 30 Tết.

Theo ông Dương, thay vì tập trung vào 10% số lượng nhỏ, tiêu cực nên tìm cách làm sao chăm sóc tốt 90% khách hàng mua hoa vào đợt cao điểm. Cụ thể, cao điểm hoa chậu rơi vào 2-3 tuần trước Tết và hoa cắm rơi vào 27, 28 Tết. Trong đó có việc minh bạch giá, niêm yết sản phẩm.

Theo đó, việc minh bạch giá cả, nguồn gốc sản phẩm giúp các thương hiệu dễ tạo được uy tín, tin tưởng lớn từ khách hàng.

"Ví dụ trên trang web của chúng tôi tuy không có lượng mua cao nhưng lượng truy cập luôn rất lớn, điều này cho thấy nhu cầu tham khảo giá hoa không nhỏ từ tất cả các bên", ông Dương nói.

Tuy nhiên, ông Dương cũng nhận định để thiết kế giá hoa không đơn giản. Theo đó, ngoài am hiểu thị trường, kinh tế chung, đơn vị bán đó còn phải đánh giá được tác động từ yếu tố thời tiết sắp tới mới tránh được việc đầu mùa kê giá quá cao rồi thấp thỏm hạ giá cuối mùa.

Xa hơn nữa, cần xây dựng một sàn giao dịch hoa hoặc một cổng thông tin, kênh thông tin để chủ shop hoa và người tiêu dùng tham khảo giá. Từ đó giúp thị trường dần vào khuôn khổ, bình ổn, hài hòa lợi ích cả hai bên mua bán.

"Để làm được điều này cần sự dẫn dắt, bắt tay của các công ty lớn cùng sự đầu tư kinh phí không nhỏ về hạ tầng.

Giống như câu chuyện thịt thà cá mắm những năm trước thường tăng nóng cận Tết nhưng sau đó siêu thị ra đời cùng các chính sách bình ổn giá đã giúp thị trường đi vào khuôn khổ hơn", ông Dương nói.

Mùa Tết nhiều biến động nên khó niêm yết giá?

Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10), sạp có niêm yết giá hoa Tết không nhiều, chủ yếu khách tới sẽ có nhân viên tư vấn theo nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - tiểu thương tại đây - cho hay giá hoa "nhảy múa" mỗi ngày, càng cận Tết biến động càng mạnh nên rất khó niêm yết cụ thể. "Năm nay kinh tế khó khăn, tôi vừa bán vừa thăm dò thị trường và điều chỉnh giá giảm dần theo sức mua, không biết niêm yết ra sao", ông Hiếu nói.

Tương tự, tiểu thương Nguyễn Minh Trí cho rằng niêm yết giá hoa quá khó bởi không thể dự đoán trước giá hoa, trong năm niêm yết được đã khó, cận Tết lại càng khó gấp bội. "Nhiều hôm chỉ tối tới sáng mai hoa đã có giá khác", ông Trí cho hay.

Chợ hoa cấp TP không có tình trạng "chặt chém"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Công Phương - giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM (đơn vị tổ chức ba chợ hoa lớn gồm các công viên 23-9, Gia Định và Lê Văn Tám) - cho biết hiện công tác tổ chức tương đối ổn.

Đơn vị đã bắt đầu cho các tiểu thương, hộ kinh doanh có nhu cầu thuê nơi bán đăng ký lô, sạp. Tính tới ngày 30-1, một số tiểu thương và hộ kinh doanh đã vận chuyển hoa, cây cảnh đến tập kết để chuẩn bị mở bán phục vụ Tết Giáp Thìn tại các công viên trên.

Với câu hỏi liệu có thể tổ chức niêm yết giá các loại hoa kiểng bán tại chợ hoa, ông Phương cho biết các chợ hoa quy mô cấp TP là nơi đảm bảo giá cả, tạo nơi mua bán đúng giá cho người dân mua sắm dịp Tết, do đó không có việc "chặt chém" xảy ra.

"Đa số người dân buôn bán tại các chợ hoa này đều đã bán ở đây nhiều năm, do đó không có việc nâng giá, làm giá. Giá cả ngày Tết có thể nhỉnh hơn so với thông thường một chút.

Công ty cũng làm việc với các hợp tác xã để họ quán triệt xã viên của mình không nâng giá cả quá mức. Nhiều năm nay các chợ hoa xuân do công ty tổ chức chưa ghi nhận trường hợp nào phản ảnh về giá cả", ông Phương khẳng định.

Chấp nhận hoa đẹp dù giá không "thơm"

Hoa lay ơn Hiệp An (Đức Trọng, Lâm Đồng) không lo dội chợ - Ảnh: M.V.

Hoa lay ơn Hiệp An (Đức Trọng, Lâm Đồng) không lo dội chợ - Ảnh: M.V.

Vốn có niềm đam mê cắm hoa và chăm chút nhà cửa nên bà Nguyễn Thị Trinh (quận 4, TP.HCM) luôn chọn chơi hoa Tết từ sớm và chấp nhận mua hoa giá cao.

Bà Trinh cho hay sau khi bỏ cây thông Giáng sinh, bà đã "ngóng" các loại hoa Tết đặc trưng. Trong đó, bà Trinh "ngóng" nhất cành đào.

Theo bà Trinh, mua đào sớm dù giá cao nhưng dễ lựa được cành đẹp, ưng ý, vừa có hoa lại có lộc, dáng cành phù hợp với không gian nhà. "Cả năm có một cái Tết nên tôi muốn chăm chút, mang những điều đẹp đẽ, trọn vẹn nhất cho gia đình", bà Trinh nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Chung (quê Thanh Hóa) chia sẻ vì là người Bắc nên bà thường chọn mua cành đào để tặng đối tác, bạn bè dịp Tết. Bà Chung cho hay chấp nhận việc mua đào Tết đầu mùa giá cao để chọn được những cành đẹp đem biếu, tặng.

Bên cạnh đó, vì cả gia đình đều về quê chồng ăn Tết nên chỉ có thời gian trước Tết để trang hoàng nhà cửa, tận hưởng không gian Tết của căn nhà nhỏ ở TP.HCM.

Trái ngược, chị Nguyễn Thúy An (ngụ quận 5) lại có thói quen "săn" hàng rẻ chiều 30 Tết. Chị An cho hay cùng một cành đào đầu mùa bán 500.000 đồng nhưng chiều 30 Tết cành ế giá chỉ còn một nửa, thậm chí rẻ như cho.

Tuy nhiên, chị An cũng thừa nhận hoa khi đó không còn được đẹp, héo nhưng quan trọng vừa túi tiền, chủ yếu chưng cho có không khí Tết.

Chị An cho hay cũng hiểu người nông dân vất vả mới trồng được chậu hoa Tết, người bán cũng phải trắng đêm, lay lắt lề đường bán hoa rất tội, tuy nhiên hoa đầu mùa quá cao so với tài chính gia đình nên chị đành phải đợi cuối mùa để mua hàng rẻ.

"Mua sớm giá cao mà còn dễ bị nói thách không thật chẳng biết đâu mà lần nên tôi mua cuối vụ tránh bị hớ", chị An chia sẻ.

Bán đúng giá, hoa Tết "chạy" nhanh hơn?

Tôi có sở thích đi một vòng ngắm nghía hoa Tết bày bán ở phường nhà. Nhiều người bán nhưng mua sớm cũng phải mua giá cao nên tôi hay mua chỗ người quen bán.

Năm nay vợ chồng chị bán hoa đã dời chỗ bán qua phường khác nhưng vẫn nhắn tin và gửi hình Zalo mời khách cũ ghé qua chọn. Khách ngại xa thì con trai chị sẽ giao hoa tận nhà.

Tôi hỏi sao chị không công khai giá mỗi chậu bao nhiêu để khách an tâm "quẹo lựa". Chị nói treo bảng giá vậy giống "bán xổ" không hên, những người bán xung quanh cũng không thích thấy mình công khai bán đúng giá. Không treo bảng giá, chị luôn nói giá thật để bán nhanh nhưng khách ghé vô vẫn cứ trả giá, không bớt họ lại đi.

28 Tết năm ngoái tôi mua bốn chậu hoa phụng vỹ cỡ lớn giá 40.000 đồng/chậu. Người bán nói giá này lời ít nhưng bán hết về quê sớm mình cũng vui, khách mua cũng vui.

Chở hoa về nhà, chị hàng xóm ra hỏi giá rồi buồn thiu chỉ hai chậu chị mua trước đó năm ngày người bán nói 150.000 đồng, chị mua 120.000 đồng/chậu, nay đã có phần xuống sắc do không được hướng dẫn tưới đủ nước.

Tại sao trên mạng họ có thể công khai bán, còn ngoài chợ hoa thì không? Tôi chấp nhận mua giá cao hơn chút vì mình lựa được chậu ưng ý nhất, nhưng tôi rất không thích kiểu nhìn mặt khách mà nói giá.

Điều này vẫn thường thấy ở chợ hoa Tết. Giá hoa được nâng lên cao trong mấy ngày đầu để hạ xuống còn 1/3 thậm chí 1/4 trong những ngày cuối.

Khách mua sớm được chọn hoa đẹp, hoa tươi hơn nên giá cao hơn nhưng nên cao chút ít thôi. Chính những người mua sớm là mở hàng, mang may mắn cho người bán, họ xứng đáng được mua đúng giá. Bán đúng giá cho những người đến sớm, tại sao không?

Bạn đọc YÊN BÌNH

Không dễ Không dễ 'ăn' với nghề buôn hoa Tết

Cũng như các nhà vườn, người kinh doanh cây cảnh Tết bị phụ thuộc vào thời tiết, rét quá cũng lo mà nắng quá cũng lo, chỉ mong một vụ buôn bán suôn sẻ.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên