20/05/2018 11:23 GMT+7

Các vụ án xâm hại tình dục trẻ em: Tìm chứng cứ ở đâu?

H.ĐIỆP - T.LỤA - M.ĐỨC ghi
H.ĐIỆP - T.LỤA - M.ĐỨC ghi

TTO - Từ vụ án dâm ô với trẻ em mà tòa án đang xét xử với ông Nguyễn Khắc Thủy ở Bà Rịa - Vũng Tàu, có một vấn đề rắc rối gây tranh cãi trong vụ án là chứng cứ phạm tội. Việc khó xác định bằng chứng chính xác gây khó khăn cho vấn đề xét xử.

Các vụ án xâm hại tình dục trẻ em: Tìm chứng cứ ở đâu? - Ảnh 1.

Vậy với các vụ án trẻ em, làm sao xác định được đủ để xử phạt nghiêm minh? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến các chuyên gia luật pháp sau đây để gợi mở một vấn đề đang rất được dư luận quan tâm.

* Ông QUẢNG ĐỨC TUYÊN (phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM):

Trẻ con không có nhu cầu vu khống cho ai!

quảng-đức-tuyên

Một trong những nguyên nhân khiến các cơ quan tiến hành tố tụng rất dè dặt đối với loại án xâm hại tình dục chính là vì chứng cứ.

Ai cũng yêu cầu chứng cứ vật chất vững chắc, nhưng thực tế việc lưu giữ bằng chứng này không đơn giản, thậm chí đối với tội quấy rối hoặc dâm ô với trẻ em thì bằng chứng vật chất gần như không có.

Một vấn đề nữa là lời khai của trẻ em (nạn nhân) thường không được thống nhất từ đầu đến cuối, chính xác các câu chữ 100% vì bản thân nhận thức của trẻ về vấn đề đó không giống như người lớn để mà nhớ, mà mô tả chính xác.

Khi không yêu cầu được bằng chứng vật chất thì các cơ quan tiến hành tố tụng không dám mạnh dạn để thực hiện các bước tiếp theo sau khi tiếp nhận tin báo tố giác. Chính điều này làm mất lòng tin của nhân dân vào các cơ quan tố tụng và họ cũng thường đặt câu hỏi có tiêu cực gì hay không.

Tuy nhiên, nếu các cơ quan tố tụng một mặt cẩn trọng để đảm bảo không oan sai, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm thì phải tìm những bằng chứng tiệm cận đến với sự thật của vụ án để đưa tội phạm thực sự ra xét xử.

Trẻ con không có nhu cầu nói xấu hay vu khống cho ai. Vậy nên từ việc nhận dạng đối tượng đến thời điểm đó đối tượng có mặt tại nơi xảy ra vụ án hay không cần đối chiếu với lời khai của các nạn nhân.

Không thể chỉ vì bằng chứng vật chất mà bỏ qua tội phạm và cuối cùng nạn nhân, gia đình nạn nhân và xã hội phải gánh hậu quả thật nặng nề từ vấn nạn xâm hại tình dục, còn hung thủ thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

* TS ĐINH THẾ HƯNG (trưởng phòng pháp luật hình sự Viện nhà nước và pháp luật, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam):

Cần lưu ý hiện tượng bệnh lý

đinh-thế-hưng

Với tội xâm phạm tình dục trẻ em, pháp luật nhiều nước trên thế giới quy định ngoài hình phạt chính thì tòa án còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung rất nghiêm khắc.

Ví dụ ở Mỹ, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngoài án phạt tù còn bị giám sát đặc biệt, cấm người phạm tội tiếp xúc với nạn nhân, cách ly người phạm tội khỏi trẻ em với khoảng cách 90m...

Mục đích của biện pháp này là bảo vệ trẻ em và triệt tiêu điều kiện để người phạm tội không có cơ hội tiếp tục phạm tội.

Cần lưu ý xâm hại tình dục trẻ em nhiều khi là hiện tượng bệnh lý. Thi hành hình phạt tù xong rồi, người phạm tội được tự do mà không có các biện pháp kiểm soát đặc biệt thì sẽ rất nguy hiểm. Rất có thể người phạm tội tiếp tục hành vi xâm hại tình dục với trẻ em.

Đơn cử, trong vụ án ông Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu, tòa án cho bị cáo hưởng án treo, không cách ly bị cáo khỏi xã hội là không đánh giá hết tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này. Từ đó, dư luận có căn cứ để lo ngại về việc bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội.

* Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ (chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM):

Cán bộ điều tra ngại?

trần-thị-ngọc-nữ

Hệ thống pháp luật nào cũng quy định phải có bằng chứng mới có thể buộc tội được hung thủ. Nhưng chứng cứ là gì, khái niệm về chứng cứ và các điều kiện với từng loại tội phạm khác nhau, và phải có sự tính toán phù hợp.

Trong các vụ án hiếp dâm, dâm ô trẻ em mà đòi hỏi nạn nhân phải miêu tả được chính xác hành vi, khuôn mặt, thời gian, địa điểm, diễn biến, có chứng cứ vật chất, có nhân chứng thì… không thể hiểu nổi.

Vì nạn nhân là những đứa trẻ, là những người non nớt về nhận thức, không hiểu biết và đặc biệt là rất yếu đuối, dễ bị tổn thương, bị hung thủ chủ mưu hãm hại thì làm sao đáp ứng đủ các yêu cầu đó?

Ngoài ra, không ít cán bộ điều tra, người tiến hành tố tụng có tâm lý… ngại, vừa sợ vất vả, lại sợ sơ suất bị quy kết trách nhiệm làm oan, sai khiến tình trạng kẻ thủ ác như thách thức dư luận, ngang nhiên "khủng bố" tinh thần nạn nhân và thân nhân của họ vì việc không bị xử lý.

Rất cần sự chung tay của các cơ quan liên quan từ lập pháp, hành pháp tới tư pháp, trong đó đặc biệt là cơ quan điều tra. Cần có sự tận tâm, tận lực và trách nhiệm tới cùng mới mong xử lý, góp phần ngăn chặn tình trạng này.

* Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn luật sư TP.HCM):

Cần thay đổi quy trình

nguyễn-văn-đúc

Theo tôi, việc điều tra án chậm, kéo dài có khi mấy năm là do hầu hết thuộc trường hợp truy xét, ít có trường hợp bị bắt quả tang hoặc có chứng cứ rõ ràng.

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng tinh vi, cố tình xóa mọi dấu vết, kể cả việc đe dọa, khống chế nạn nhân.

Đối với người bị hại là người chưa thành niên, nhận thức của các cháu còn rất non nớt, nhiều cháu bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại, nên trình báo với cơ quan chức năng là việc hết sức khó khăn.

Cơ quan chức năng lấy lý do người bị hại khai báo không nhất quán, chứng cứ, dấu vết mờ nên không dám khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì sợ oan sai; khi xét xử thì lấy lý do lời khai bị hại bất nhất, không đáng tin cậy nên không dám tuyên.

Các cơ quan tố tụng đòi hỏi bị hại là trẻ em phải khai báo nhất quán là điều không thể.

Mặt khác, nhiều trường hợp các điều tra viên, kiểm sát viên là nam xác minh, điều tra cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người bị hại. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ xâm hại tình dục ở trẻ em bị kéo dài, thậm chí không xử lý được kẻ biến thái.

Vì vậy, tôi cho rằng cần phải thay đổi quy trình, nhân sự tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, bởi loại tội này mang tính đặc thù nên cần phải có một quy trình, cách xử lý riêng. Mặt khác, cơ quan tố tụng cũng cần có sự thay đổi từ nhận thức, cách làm.

Đối với tội phạm, cơ quan tố tụng đòi hỏi phải có đầy đủ chứng cứ sẽ không bao giờ có được. Điều quan trọng đối với việc điều tra, xử lý tội phạm này là cái tâm của người thực thi công vụ.

Phải tận tâm, tìm mọi biện pháp để đấu tranh, vạch mặt kẻ phạm tội thì dù tội phạm có quỷ quyệt đến đâu cũng phải có sơ hở, để lại dấu vết.

"Nhân chứng trung gian" giúp trẻ cung cấp bằng chứng

Tháng 10-2017, Đài truyền hình ABC đưa ra một số liệu gây sốc: chỉ có không tới 20% các vụ tấn công tình dục trẻ em được báo cáo là được mang ra tòa. Nguyên nhân có thể vì quá trình tố tụng và làm chứng trước tòa gây quá nhiều tổn thương cho nạn nhân và gia đình các em.

Tuy nhiên, từ đầu năm ngoái, các tòa án ở bang New South Wales, miền đông nam nước Úc đã thử nghiệm một chương trình nhằm giảm nhẹ mức độ tổn thương cho nạn nhân ấu dâm, đồng thời có được những bằng chứng chuẩn xác nhất trong các vụ kiện.

Chương trình này bao gồm việc ghi âm trước những bằng chứng mà trẻ em cung cấp và chỉ định những nhân chứng trung gian được đào tạo để giúp các em hiểu được các câu hỏi trong quá trình điều tra, thu thập hiệu quả câu trả lời của các em.

Kể từ khi bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 10-2017, chương trình đã tiếp nhận hơn 700 trẻ em thông qua 44 nhân chứng trung gian. Hơn một nửa những người có vai trò trung gian đó là các nhà trị liệu về ngôn ngữ, số còn lại là chuyên viên trị liệu, giáo viên và nhân viên xã hội.

"Nhân chứng trung gian là một viên chức của tòa án, có nhiệm vụ chính là giúp các em cung cấp bằng chứng của mình theo cách hữu ích cho tòa án" - ông Mark Speakman, bộ trưởng tư pháp New South Wales, phát biểu.

Thẩm phán Kate Traill, người từng chủ trì một phiên tòa của chương trình thí điểm, cho biết phản hồi là rất tích cực.

Trong các vụ lạm dụng tình dục trẻ em, lời khai của nhân chứng rất quan trọng bởi những vụ việc đó thường xảy ra ở nơi kín đáo, được che đậy trong bí mật hoặc không có nhân chứng nào khác cả.

Đối với các em còn quá nhỏ hoặc những em có rắc rối trong giao tiếp hay có khuyết tật cơ thể, việc đưa ra chứng cứ rõ ràng và chính xác đôi khi rất khó khăn.

"Trong quá trình thí điểm, tôi đã thấy những đứa trẻ mà có thể sẽ không bao giờ đưa ra bằng chứng, hoặc nếu có đưa ra thì cũng sẽ rất khó hiểu, không rõ ràng hoặc không hiệu quả. Còn bây giờ, tôi đã nhìn thấy những trẻ em khuyết tật, tự kỷ, mất trí nhớ, bị tổn thương não, trẻ rất nhỏ tuổi đưa ra bằng chứng rõ ràng" - thẩm phán Kate Traill nói.

NHÃ XUÂN

Vụ dâm ô ở Vũng Tàu: Tòa không kháng nghị vì dư luận!

TTO - Ông Quảng Đức Tuyên - phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM - khẳng định có đủ căn cứ ra kháng nghị giám đốc thẩm, chứ không kháng nghị bản án vì áp lực dư luận.

H.ĐIỆP - T.LỤA - M.ĐỨC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên