10/10/2023 15:41 GMT+7

Các vấn đề về chân có thể là triệu chứng của bệnh tim

Chúng ta cần vận động để duy trì sức khỏe tim mạch tốt, nhưng mối quan hệ giữa tim và chân còn sâu sắc hơn thế, một số vấn đề về tim và mạch máu có xu hướng xuất hiện trước ở chân.

Các vấn đề về chân có thể là triệu chứng của bệnh tim - Ảnh 1.

Một số dấu hiệu ở bàn chân có thể cho thấy bạn có vấn đề về sức khỏe tim mạch. Nguồn: medicine.umich.edu

Bàn chân cách khá xa tim nhưng lại tiết lộ rất nhiều điều về sức khỏe của tim cũng như quá trình tuần hoàn máu của bạn. Bác sĩ chuyên khoa tại Phòng khám Bàn chân Hongkong Sean Farnan cho biết vai trò chính của hệ thống tim mạch là cung cấp máu đi khắp cơ thể, trong khi bàn chân hỗ trợ khi chúng ta di chuyển.

Chúng ta cần vận động để duy trì sức khỏe tim mạch tốt, nhưng mối quan hệ giữa tim và chân còn sâu sắc hơn thế và một số vấn đề về tim và mạch máu có xu hướng xuất hiện trước ở chân, bác sĩ Sean Farnan cho biết.

Các dấu hiệu đặc trưng của các bệnh về tim mạch bao gồm khó thở, nhịp tim không đều và đau ngực. Nhưng một triệu chứng quan trọng khác cần chú ý là sưng tấy ở cẳng chân và bàn chân, bác sĩ David Lo Ka-yip, chuyên gia tư vấn nội trú về tim mạch tại Bệnh viện Cơ Đốc Phục Lâm Hong Kong, cho biết.

"Phù nề là tình trạng sưng tấy do chất lỏng tích tụ trong các mô của cơ thể. Phù nề có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nhưng nó thường xuất hiện ở chân và bàn chân nhiều hơn", bác sĩ David Lo Ka-yip nói.

Nguyên nhân phổ biến gây phù nề ở chân là suy tim sung huyết khiến một hoặc cả hai buồng dưới của tim bơm máu kém hiệu quả. Kết quả có thể là máu ứ lại ở chân, mắt cá chân và bàn chân, gây sưng tấy.

Bác sĩ Farnan cũng cho biết một số dấu hiệu khác ở bàn chân có thể cho thấy bạn có vấn đề về sức khỏe tim mạch. Đầu tiên là bàn chân lạnh.

Thông thường, nhiệt độ da giảm dần từ bắp chân đến bàn chân. Nhưng nếu bàn chân đột nhiên lạnh bất thường thì đây có thể là dấu hiệu tắc nghẽn động mạch. Nếu bàn chân luôn trong trạng thái lạnh, bạn nên tư vấn y tế để loại trừ bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào.

Bác sĩ Farnan cho biết nếu móng chân của bạn phát triển chậm hơn bình thường đồng nghĩa với việc bàn chân của bạn có thể không được cung cấp đủ máu. Việc lưu lượng máu giảm dần khi chúng ta già đi là điều bình thường, nhưng những thay đổi nhanh chóng là dấu hiệu cần đi khám. Nếu có sự tắc nghẽn một phần trong việc động mạch bơm máu đến chân và bàn chân của bạn, móng mới nó không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng để phát triển.

Sự thay đổi màu da cũng có thể là một cảnh báo. Khi nhìn từ chân xuống bàn chân, màu da thay đổi một chút là điều bình thường. Nhưng nếu vùng da phía dưới nhợt nhạt hơn nhiều, đó có thể là dấu hiệu của việc giảm lưu lượng máu đến các chi, bác sĩ Farnan nói. Đây là một tình trạng được gọi là giảm tưới máu động mạch.

Đau chân và chuột rút, đặc biệt là khi nằm, cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Nó có thể là dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên - mảng bám tích tụ trong động mạch làm hạn chế lưu lượng máu đến các chi và các cơ quan của bạn.

Bác sĩ Farnan cho biết có thể khó nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề nếu bạn chỉ nhận thấy một trong những triệu chứng này. Ông cho biết thêm: "Việc tìm kiếm nhiều loại trong số chúng sẽ cho bạn biết liệu có điều gì đáng lo ngại hay không".

"Chỉ nhận thấy những dấu hiệu này ở một chân chứ không phải ở chân kia là một dấu hiệu quan trọng khác để được chuyên gia y tế đánh giá bệnh càng sớm càng tốt," Bác sĩ Farnan nói.

Nếu bạn mắc bệnh tim mạch, điều quan trọng là phải chăm sóc đôi chân để giúp kiểm soát tình trạng của bạn. Ví dụ, bạn cần giảm lượng muối ăn hằng ngày để giúp giảm phù nề. Bác sĩ David Lo Ka-yip gợi ý nên đọc kỹ nhãn thực phẩm để biết mình thực sự đang tiêu thụ bao nhiêu natri.

Bạn cũng có thể kê cao bàn chân của mình để chống sưng tấy. "Khi bạn bị suy tim, tim bơm máu kém hơn. Điều này có nghĩa là nó không thể đẩy máu qua các tĩnh mạch ở xa một cách dễ dàng. Bạn có thể 'hỗ trợ trọng lực' cho trái tim mình bằng cách nâng cao bàn chân và cẳng chân ngay khi bạn nhận thấy chúng bắt đầu sưng lên", bác sĩ Lo nói.

Trong khi đó, bác sĩ Farnan khuyên rằng việc kiểm tra bàn chân thường xuyên là điều quan trọng, chẳng hạn như để theo dõi mọi thay đổi trong quá trình phát triển của móng và màu da.

Luôn cẩn thận làm sạch và băng bó bất kỳ vết cắt nào trên bàn chân của bạn, vì khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể ở khu vực này bị giảm do lượng máu giảm.

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa chân hằng năm để được kiểm tra, bác sĩ Farnan gợi ý. Bệnh tiểu đường có thể sẽ ảnh hưởng đến các mạch máu khắp cơ thể và do tính chất mãn tính của nó nên cần theo dõi thường xuyên.

Một trái tim khỏe mạnh có thể giúp bảo vệ sức khỏe của đôi chân và bàn chân của bạn./.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên