30/09/2019 16:36 GMT+7

Các trường y áp dụng công nghệ vào môn giải phẫu cơ thể người

MINH HẢI (THEO SCIENTIFIC AMERICAN)
MINH HẢI (THEO SCIENTIFIC AMERICAN)

TTO - Để đảm bảo tính nhân văn và trực quan, một số trường Y khoa tại Mỹ đang áp dụng công nghệ ảo thay cho việc sử dụng cơ thể người chết trong giảng dạy.

Các trường y áp dụng công nghệ vào môn giải phẫu cơ thể người - Ảnh 1.

Ảnh: Straits Time

Năm 1231, hoàng đế La Mã Frederick II ban hành một sắc lệnh yêu cầu các trường đào tạo thầy thuốc tổ chức giải phẫu cơ thể người cứ 5 năm một lần, nhằm giúp học viên quan sát và lĩnh hội kiến thức tốt nhất. 

Trong thời Phục Hưng, việc giải phẫu giúp các nhà khoa học và nghệ sĩ hiểu rõ hơn về cơ thể người. 

Ngày nay, đó là một môn học và kinh nghiệm thiết yếu cho sinh viên y khoa trước khi trở thành những bác sĩ tương lai.

Gần một thiên niên kỷ sau những sự kiện ấy, bộ môn giải phẫu có thể sẽ bước sang trang mới khi một vài trường y ở Mỹ xây dựng chương trình giảng dạy mà không cần bất kỳ xác chết nào. Thay vào đó, các sinh viên sẽ tìm hiểu cơ thể con người bằng cách sử dụng công nghệ kết xuất đồ họa ba chiều, kết hợp với tiêu bản các bộ phận và hình ảnh y tế thực sự của bệnh nhân như siêu âm và CT.

Các nhà phát triển chương trình giảng dạy hy vọng công nghệ có thể cải thiện một số hạn chế của phương pháp truyền thống.

Thông thường phải mất một thời gian dài để mổ xác. Một số bộ phận cơ thể thường bị làm hỏng, mất kết cấu trong quá trình mổ xẻ. 

Ngoài ra, các cơ thể được hiến tặng phần lớn là người già và chết vì bệnh nên kết cấu và màu sắc các bộ phận của xác cũng không giống như với cơ thể sống.

"Nếu như các sinh viên Y khoa trong tương lai vẫn học qua giải phẫu người thật thì kiến thức sẽ không có gì khác biệt so với 1000 năm trước cả. Đó là lý do chúng ta phải thay đổi phương pháp dạy và học. Áp dụng công nghệ tiến bộ và kiến thức sẽ được tăng lên", giáo sư, bác sĩ James Young, Đại học Y khoa Cleveland Clinic Lerner, cho biết.

Giáo sư, bác sĩ Young là người có gần 50 năm nghiên cứu y học nhưng cảm thấy mình "như chưa được học gì" khi trải nghiệm thực tế. Những gì ông biết trong quá trình đào tạo lâm sàng về tim mạch trên xác không giống như khi ông quan sát trực tiếp các bộ phận cơ thể ở những bệnh nhân còn sống. 

"Cho dù đã nhìn vào kết quả hình ảnh hoặc cảnh quay từ những chiếc camera chuyên dụng nhỏ xíu, tôi vẫn thấy bên trong cơ thể người sống không khớp với những gì được nhìn thấy trong xác chết. Sự khác biệt này có thể làm sai lệch kết quả khám và điều trị bệnh", giáo sư, bác sĩ Young nói.

Ngược lại, các công cụ giải phẫu ảo cung cấp một cái nhìn trung thực hơn về các cơ quan sống, giúp sinh viên hình thành một sự hiểu biết cơ bản rõ nét về cấu trúc của cơ thể người và quan sát được dưới nhiều góc độ. Ví dụ có thể điều chỉnh thiết bị để quan sát tim đập; khớp di chuyển; xem chi tiết một cơ quan hay sự kết nối cả hệ thống tuần hoàn với nhau.

"Việc áp dụng công nghệ cao có ý nghĩa rất lớn đối với các chương trình y tế. Ưu điểm lớn nhất chính là nhân văn và rất sạch sẽ. Hình ảnh rõ nét và quan sát được từ nhiều hướng sẽ cho sinh viên thấy rằng tất cả các bộ phận đều liên quan đến nhau", Darren Hoffman, trợ lý Giáo sư Khoa Giải phẫu và Tế bào Bệnh, người đã sử dụng phần mềm giải phẫu 3-D trong các khóa học của mình tại Đại học Y khoa Carver nói.

Bên cạnh những lợi thế về giáo dục thì đây là một quyết định mang tính kinh tế. Các trường thường phải mất rất nhiều tiền để xây dựng một phòng thí nghiệm và lưu xác đáp ứng được các quy định pháp lý về không gian, biện pháp an toàn. 

Mặc dù xác chết được hiến tặng nhưng phía trường y vẫn trả tiền cho việc chuẩn bị, bảo trì và cuối cùng là chôn cất. Những chi phí này là một thách thức lớn hơn đối với các trường học ở các quốc gia đang phát triển. Chưa nói đến việc không phải trường y ở quốc gia nào cũng nhận được xác hiến tặng và các khoản đóng góp.

Tuy thế, theo Darren Hoffman, phương pháp nãy vẫn có nhược điểm là có thể khó phát triển nhận thức về chiều sâu trong cơ thể ảo và sinh viên sẽ bỏ lỡ việc nhìn thấy các biến thể giải phẫu tự nhiên của cơ thể. 

Sinh viên cũng có thể mất đi tác động về mặt cảm xúc, thậm chí là triết lý khi làm việc với một xác chết, thường được xem là bệnh nhân đầu tiên của bác sĩ. 

"Sinh viên y khoa thường phát triển một loại cảm xúc đặc biệt: kinh ngạc và tôn trọng cơ thể người khi tiếp xúc xác thật. Họ có thể nhận ra cơ thể con người kỳ diệu và phức tạp đến mức nào và bắt đầu nhận ra rằng tất cả mọi người trên hành tinh này đều tuyệt vời. Tính mạng là đáng quý và việc cứu chữa bệnh nghiêm túc, đáng trọng đến mức nào. Công nghệ ảo có thể không mang lại điều này", trợ lý giáo sư Hoffman nói.

Hiện nay, công nghệ này mới chỉ được áp dụng ở một số trường tại Mỹ. Các nhà nghiên cứu vẫn đang thăm dò liệu sinh viên có học tốt bằng cách sử dụng các công cụ kỹ thuật số hay không và nếu kết quả tích cực, có thể khuyến khích nhiều trường trên khắp thế giới chuyển đổi phương pháp dạy học.

MINH HẢI (THEO SCIENTIFIC AMERICAN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên