14/04/2021 19:28 GMT+7

Các trường xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế, nhiều học sinh thiệt thòi?

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Nhiều thí sinh băn khoăn việc các trường xét tuyển đại học bằng chứng chỉ quốc tế sẽ tạo ra sự bất bình đẳng cho người học, vì không phải học sinh nào cũng có điều kiện lấy chứng chỉ quốc tế.

Các trường xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế, nhiều học sinh thiệt thòi? - Ảnh 1.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021 do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Trong các chương trình, ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2020 và 2021, nhiều thí sinh có chung câu hỏi: "Hiện nhiều trường đại học tuyển thẳng bằng chứng chỉ nước ngoài. Phương thức này liệu có lấy mất cơ hội của những thí sinh thi bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT không?".

PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế mấy năm nay rất phổ biến và có gây tranh cãi, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì đây là một xu hướng lành mạnh, tạo cho thí sinh nhiều cơ hội xét tuyển hơn.

PGS.TS Vũ Thị Hiền cho biết học sinh hay nhầm rằng các trường tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ quốc tế. Đa số các trường coi chứng chỉ quốc tế là chứng chỉ độc lập, có chất lượng nhất định, là một căn cứ đáng tin cậy để họ xem xét sử dụng, kết hợp với các phương thức xét tuyển khác.

"Các trường vẫn dành chứng chỉ quốc tế cho những chuyên ngành, chương trình đòi hỏi tiếng Anh. Và phương thức xét tuyển kết hợp với chứng chỉ quốc tế chỉ chiếm chỉ tiêu nhỏ, không lấy mất cơ hội của các em. Cho dù không có chứng chỉ quốc tế, các em vẫn có cơ hội thi vào các chương trình tiên tiến, chất lượng cao bằng các phương thức xét tuyển khác. 

Đỗ vào trường rồi, trường sẽ cho các em thời gian tích lũy để lấy được chứng chỉ. Do đó, sử dụng phương thức tuyển bằng chứng chỉ quốc tế không có gì tiêu cực", PGS.TS Vũ Thị Hiền giải thích.

Các trường xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế, nhiều học sinh thiệt thòi? - Ảnh 2.

Nếu thí sinh thi vào khoa Y Trường ĐH Y Hà Nội năm 2021 bằng phương thức xét tuyển kết hợp, thì bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp quốc tế và đạt mức điểm tối thiểu theo bảng nêu trên

PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết trường chỉ coi chứng chỉ quốc tế là một phần của phương thức xét tuyển kết hợp, và chứng chỉ quốc tế chỉ là phần điều kiện để được xét duyệt hồ sơ, không phải tấm vé vào thẳng đại học.

"Tuyển thẳng là tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Các em cứ tập trung thi tốt. Chứng chỉ quốc tế không ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh tổng thể của mỗi trường", PGS.TS Bùi Đức Triệu nói.

TS Nguyễn Thị Cúc Phương, hiệu phó Trường ĐH Hà Nội, trong các cuộc tư vấn tuyển sinh đều gọi các chứng chỉ quốc tế như IELTS như "tấm vé gửi xe" để qua được "vòng gửi xe" sơ tuyển. Có chứng chỉ quốc tế là một lợi thế, nhưng không phải tất cả, vì các phương thức xét tuyển khác - đơn cử xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn chiếm đa số chỉ tiêu của các trường.

Xét tuyển đại học kết hợp chứng chỉ quốc tế và học bạ THPT Xét tuyển đại học kết hợp chứng chỉ quốc tế và học bạ THPT

TTO - Điểm mới này dự kiến được ĐH Ngoại thương áp dụng cho mùa tuyển sinh 2019. Thí sinh không trúng tuyển theo phương thức xét tuyển này có thể tiếp tục tham gia các phương thức còn lại.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên