11/03/2019 19:38 GMT+7

Các trường đại học lên tiếng sau kết luận điều tra gian lận thi cử ở Hoà Bình

TRẦN HUỲNH ghi
TRẦN HUỲNH ghi

TTO - Lãnh đạo và chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH đã đưa ra giải pháp hạn chế tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, ngay sau khi có kết luận điều tra về những xảy ra sai phạm động trời xảy ra trong kỳ thi năm ngoái ở Hoà Bình.

Các trường đại học lên tiếng sau kết luận điều tra gian lận thi cử ở Hoà Bình - Ảnh 1.

Hàng chục ngàn học sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2019 tại Cần Thơ do báo Tuổi Trẻ tổ chức

Ngay sau khi Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an công bố bản kết luận điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình, lãnh đạo và chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH đã đưa ra giải pháp hạn chế tiêu cực trong kỳ thi năm nay.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM:

Cần tăng cường thêm các giải pháp công nghệ 

Cơ quan điều tra xác định trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình đã có 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh bị can thiệp tẩy xóa để nâng điểm, cho thấy việc giao cho địa phương chấm thi là chưa ổn.

Năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định giao cho các trường đại học chấm thi trắc nghiệm là biện pháp đầu tiên để . Thứ hai, các trường sẽ sử dụng phần mềm chấm trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT cũng sẽ giải quyết khâu chỉnh sửa file scan.

Tôi cho rằng, với kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD-ĐT cần tăng cường các giải pháp công nghệ để hạn chế tiêu cực. Nếu lắp camera cho các điểm tập trung bài thi theo từng buổi thi và cả nơi chấm sẽ ngăn ngừa tiêu cực.

Ngoài ra, cần có thêm giải pháp dán niêm phong bài thi bằng keo trong khi nộp bài để chống tẩy sửa, rọc phách bài trắc nghiệm. Việc này cần quy định rõ trong quy chế thi.

TS Trần Đình L‎ý - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM:

Tăng cường giám sát để không có cơ hội tiêu cực

Việc gian lận sửa điểm thi trong kỳ thi THPT năm 2018 ở Hoà Bình và một số địa phương khác bị phát hiện vừa qua chủ yếu phục vụ cho mục tiêu thứ hai là xét tuyển vào đại học. Theo tôi, về mặt quy chế thi không sai, cũng khá đầy đủ và bài bản. Tuy nhiên, khi con người cố tình can thiệp, thậm chí có tổ chức vào các con số cộng với sự chủ quan của cơ sở nên mới xảy ra chuyện không lường ban chỉ đạo thi các cấp.

Tôi được biết Bộ GD-ĐT đã có những tính toán về mặt chiến lược cho câu chuyện thi và xét tuyển sẽ theo hướng giao quyền tự chủ cho các trường đại học, nhưng cần phải có lộ trình nên năm nay, bộ có những điều chỉnh mới về kỳ thi, theo tôi là khá căn cơ.

Bộ GD-ĐT biết rõ nguyên nhân do đâu và đưa ra những hoạt động phòng ngừa hợp lý, tập huấn, khuyến cáo lựa chọn con người, đặc biệt giao trọng trách chấm trắc nghiệm cho các trường đại học hoặc trung tâm khảo thí lớn, có năng lực đảm nhiệm là hết sức hợp lý.

Tuyệt đối không chủ quan và tăng cường sự giám sát, đưa ra hoạt động phòng ngừa tiêu cực để cho con người không có cơ hội thực hiện tiêu cực. Hiện tại, với những thay đổi, điều chỉnh nhỏ là để tốt hơn trong ngắn hạn.

Bộ GD-ĐT đã có lộ trình để hướng đến điều tốt nhất theo lộ trình với hướng xuyên tâm là giao tự chủ cho cơ sở, tách việc thi xét tốt nghiệp và việc xét tuyển vào ĐH, CĐ.

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM:

Khâu giám sát kỳ thi có vấn đề

Tôi cho rằng các quy định, quy trình trong quy chế thi THPT quốc gia thông thường là chặt chẽ, tuy nhiên những người cố tình sai phạm vẫn có thể tiêu cực.

Thực tế, vụ tiêu cực tại Hoà Bình cho thấy những người trong tổ chấm trắc nghiệm đã có âm mưu thực hiện sai phạm tập thể rất nghiêm trọng. Nhưng điều tôi băn khoăn và không hiểu công tác giám sát trong kỳ thi được thực hiện ra sao để tiêu cực xảy ra như vậy.

Phòng lưu trữ bài thi, phiếu trả lời trắc nghiệm lẽ ra phải có cơ quan công an giám sát 24/24h. Sai phạm xảy ra như vậy cho thấy khâu giám sát có vấn đề. Có lẽ vì quá buông lỏng khâu giám sát nên những cán bộ này có thể dễ dàng lấy bài để sửa, niêm phong cũng không tốt, không đúng kỹ thuật.

Năm nay, Bộ GD-ĐT giao việc chấm thi trắc nghiệm cho các trường ĐH, tôi tin các trường sẽ làm tốt hơn việc này. Về đội ngũ, tính chuyên nghiệp của các trường ĐH đều tốt hơn các địa phương và quan trọng hơn các trường không bị sức ép từ cấp trên, lãnh đạo địa phương…

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc trang bị thêm camera giám sát các phòng lưu trữ bài thi, phòng chấm thi, scan phiếu trả lời trắc nghiệm để hạn chế tối đa tiêu cực.

* ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM:

Việc lựa chọn nhân sự tham gia công tác thi chưa tốt

Đây là một sự cố đau lòng trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và hậu quả của nó đã làm mất niềm tin của xã hội vào kỳ thi này. Vấn đề này làm nảy sinh suy nghĩ về tác phong của nhà giáo cũng như những lỗ hổng trong công tác quản lý làm dẫn đến trường hợp sai phạm trên.

Sự việc này cho thấy việc chọn lựa nhân sự tham gia các công tác thi cử cấp quốc gia rõ ràng chưa được sâu sát nên những cá nhân không đàng hoàng đã len vào và trục lợi từ công việc của mình.

Về quy định tổ chức thi và chấm thi chưa lường hết những sai sót có thể xảy ra nên vẫn tạo lỗ hổng để các cá nhân này trục lợi.

Với sự cố trên thì năm 2019 Bộ GD-ĐT đã phải có nhiều cải tiến, sửa đổi quy chế thi mới để tránh tình trạng tương tự.

Hi vọng với bài học thương đau năm 2018 này công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được an toàn và công bằng. Và trong tương lai cần xem lại vai trò của các kỳ thi để phù hợp với định hướng phát triển giáo dục.

ThS Phùng Quán - trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM):

Tiêu cực do không giám sát, kiểm soát sự an toàn của bài thi

Do quy chế thi THPT quốc gia năm 2018 vẫn còn những lỗ hổng nên một số người lợi dụng lỗ hổng ấy để trục lợi, tiêu cực. Theo tôi, để thực hiện nghiêm túc quy chế cần chú trọng tăng cường ý thức trách nhiệm cho cán bộ làm công tác thi.

Năm nay Bộ GD-ĐT có quy định giảng viên đại học không coi thi, chấm thi tại địa phương mình là một trong những điều chỉnh hợp l‎ý. ‎

Trong kỳ thi THPT quốc gia, hầu hết các môn thi/ bài thi đều là thi trắc nghiệm, thí sinh thi trên giấy, thu về qua nhiều khâu sau đó mới qua máy quét bài gốc. Nhiều khâu như thế nên con người có thể can thiệp được và đã không giám sát, kiểm soát sự an toàn của bài thi.

Để chống gian lận, Bộ GD-ĐT cần thay đổi và tăng cường bảo mật, đảm bảo tính nghiêm túc trong công tác chấm thi, như lắp camera tại các khâu chấm thi, mã hóa bài thi, nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm.

Hi vọng với những thay đổi trong quy chế thi như trong dự thảo sẽ tránh những sai sót, gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

TRẦN HUỲNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên