Hãng tin Bloomberg đưa ra nhận định: Sự "thối rữa" đang len lỏi bên trong các tòa nhà văn phòng, giống như một vết đen xuyên qua nền kinh tế toàn cầu.
Ngay cả khi thị trường chứng khoán phục hồi và các nhà đầu tư hy vọng tốc độ tăng lãi suất sẽ giảm, nhưng rắc rối về bất động sản vẫn diễn ra trong nhiều năm.
Sau một thời gian dài đầu tư điên cuồng vào bất động sản thương mại do lãi suất rẻ, đến nay cả chủ sở hữu và ngân hàng đang vật lộn với những thay đổi về cách thức và nơi mọi người làm việc, mua sắm và sinh sống sau đại dịch.
Đồng thời, lãi suất cao hơn khiến việc mua lại hoặc tái cấp vốn cho các tòa nhà văn phòng trở nên đắt đỏ hơn.
Một điểm bùng phát đã xuất hiện: Chỉ riêng ở Mỹ, khoảng 1.400 tỉ USD cho các khoản vay bất động sản thương mại đến hạn trong năm 2023 và năm 2024, theo Hiệp hội các ngân hàng hoạt động thế chấp.
Đến nay, các chủ sở hữu lớn bao gồm Blackstone, Brookfield và Pimco đã chọn ngừng thanh toán tiền vay ngân hàng với một số tòa nhà văn phòng.
Số lượng giao dịch mua bán các tòa nhà văn phòng đang giảm xuống và giá giảm rõ rệt. Những tai ương của bất động sản thương mại sẽ gây thêm căng thẳng cho hệ thống tài chính, vốn đã quay cuồng với cuộc khủng hoảng các ngân hàng khu vực trong năm 2023.
Hiện tại, tình trạng nợ nần liên quan đến các tòa nhà văn phòng đã kéo dài từ Los Angeles đến Thụy Điển và Hàn Quốc. Những rắc rối đang diễn ra ở một số trung tâm tài chính và kinh doanh lớn trên thế giới.
San Francisco
Không nơi nào ở Mỹ khủng hoảng rõ rệt hơn ở San Francisco, khi hết tòa nhà văn phòng này đến tòa nhà khác rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Kho bạc của thành phố đang bị ảnh hưởng, thị trưởng London Breed dự kiến thâm hụt ngân sách 780 triệu USD trong 2 năm.
New York
Mặc dù thành phố New York luôn nhộn nhịp với khách du lịch và cư dân, nhưng chỉ có khoảng một nửa số nhân viên văn phòng trở lại bàn làm việc, theo công ty an ninh tòa nhà Kastle Systems.
Rất nhiều tòa nhà văn phòng đang phải vật lộn với tình trạng mất người thuê và nhu cầu nâng cấp.
Ngay cả những tòa nhà mang tính biểu tượng ở thủ đô tài chính của thế giới cũng lâm vào những tình huống rắc rối.
Chủ sở hữu tòa nhà chọc trời Seagram, nổi tiếng về mặt kiến trúc với thiết kế hiện đại có từ những năm 1950 ở Midtown, RFR Holding phải đối đầu với khoản nợ 1 tỉ USD sắp đáo hạn.
London
Việc áp dụng rộng rãi phương thức làm việc kết hợp ở nhà đang tác động đến London.
Quận Canary Wharf, nơi có những tòa tháp bằng thép và kính từ những năm 1990, đang gặp rắc rối lớn nhất.
Tòa nhà YY, một công trình tái phát triển chiếm vị trí đắc địa ngay bên ngoài ga tàu điện ngầm Canary Wharf gần đây vẫn hoàn toàn bị bỏ trống.
Stockholm
Đối với thị trường bất động sản Thụy Điển, vấn đề chính không phải là các văn phòng bỏ trống, mà là số nợ khổng lồ của một số công ty bất động sản tích lũy trong thời kỳ lãi suất thấp nhất.
Các chủ nhà ở quốc gia Bắc Âu lớn nhất này phải tái tục hoặc tái cấp vốn cho 42 tỉ USD trái phiếu trong 5 năm tới, gần 1/3 trong số đó sẽ đáo hạn vào năm 2024.
Hong Kong
Tập đoàn China Evergrande đã mua tòa nhà 26 tầng với tầm nhìn bao quát ra cảng Victoria nổi tiếng của Hong Kong vào năm 2015 với giá 1,6 tỉ USD.
Khi cuộc khủng hoảng nợ bất động sản tại Trung Quốc diễn ra và Evergrande là trung tâm, ông khổng lồ bất động sản phải cấn nợ tòa nhà văn phòng cho một ngân hàng để trừ cho khoản vay 971 triệu USD.
Hong Kong cũng không thể đổ lỗi công việc từ xa là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa sút.
Thị trường thương mại sụt giảm trong môi trường lãi suất tăng cao khiến các chủ bất động sản như Evergrande và nhiều công ty khác rơi vào tình thế khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận