Học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie, quận 3, TP.HCM nghe hướng dẫn cách ghi hồ sơ thi tốt nghiệp THPT (ảnh chụp tháng 4-2021) - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) - cho biết bộ đã xây dựng nhiều phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021 dựa vào tình hình dịch bệnh. Nhưng mỗi địa phương vẫn cần có những kịch bản riêng sát với tình hình địa phương.
Vậy kịch bản thi của các địa phương ra sao?
Lập khu phong tỏa cho thí sinh diện F
Tỉnh Thừa Thiên Huế năm nay có 38 điểm thi chính thức và 38 điểm thi dự phòng với 578 phòng thi. Hiện ngành giáo dục tỉnh đang lên phương án cụ thể cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, trong đó có việc nghiên cứu lập khu vực phong tỏa tổ chức thi cho các thí sinh là các F.
Sở GD-ĐT tỉnh dự kiến huy động khoảng 2.398 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi. Mỗi phòng thi dự kiến có 20 thí sinh ngồi giãn cách nhau và được lực lượng y tế kiểm tra sức khỏe trước khi vào thi.
Nếu xuất hiện trường hợp thí sinh có biểu hiện mắc COVID-19, trưởng điểm thi sẽ tùy tình hình cụ thể xem xét chuyển thí sinh đến phòng thi dự phòng. Tổng hồ sơ đăng ký dự thi tại tỉnh năm nay là 13.347 hồ sơ. Trong đó THPT có 12.804 thí sinh, giáo dục thường xuyên có 543 và có 585 thí sinh tự do.
Ông Nguyễn Tân - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh - cho biết hiện nay tỉnh không có thí sinh nào thuộc diện các F. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sở vẫn cho nghiên cứu để xây dựng điểm thi phong tỏa cho các thí sinh là F1, F2.
"Hiện chúng tôi đang tập trung cho kỳ thi vào lớp 10 diễn ra đầu tháng 6 tới. Sau khi kỳ thi này hoàn thành, sở sẽ công bố kế hoạch chi tiết, cụ thể về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT" - ông Tân nói.
Dự phòng tình huống di chuyển cả điểm thi
Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng... đều đang ưu tiên phương án tổ chức thi theo lịch của Bộ GD-ĐT nhưng bố trí phòng thi, điểm thi riêng cho đối tượng F1, F2 và các phòng thi cách ly dự phòng ở mỗi điểm thi bình thường.
Theo ông Chử Xuân Dũng - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay Hà Nội có trên 100.000 thí sinh, tăng 22.000 so với năm học trước và là địa phương có số thí sinh đông nhất cả nước. Số phòng thi dự kiến hiện nay của Hà Nội là 4.200 với 187 điểm thi. Hà Nội cũng phải huy động một lực lượng lớn cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi.
Việc tổ chức thi đúng lịch của Bộ GD-ĐT cho cả thí sinh trong diện F1, F2 là một thách thức. Thách thức lớn nhất là sẽ gia tăng số điểm thi, phòng thi cách ly, phòng thi dự phòng tình huống phát sinh và lực lượng cán bộ, nhân viên tham gia tương ứng.
Ông Dũng cho biết kinh nghiệm từ năm trước, Hà Nội còn phải chuẩn bị cả những địa điểm dự phòng cho tình huống phải di chuyển cả một điểm thi ngay trước ngày thi vì mục đích an toàn cho thí sinh.
Còn ông Dương Xuân Huyên - phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - cho biết những địa điểm như Hữu Lũng, Chi Lăng đang xảy ra dịch tỉnh sẽ tính toán để đề xuất cho thí sinh thi đợt 2. Trong khi thí sinh ở các nơi khác của tỉnh thi đợt 1 theo lịch Bộ GD-ĐT.
Theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, việc tổ chức thi đồng thời cho cả thí sinh trong diện đang phải cách ly sẽ rất phức tạp, vì thế tổ chức đợt 2 cho những thí sinh đang phải cách ly, hoặc để thí sinh toàn tỉnh thi đợt 2 nếu như ở thời điểm Bộ GD-ĐT ấn định tổ chức thi dịch vẫn lan rộng là phương án khả thi hơn.
Trong số các tỉnh phía Bắc, Bắc Ninh là nơi có nhiều học sinh lớp 12 và cán bộ giáo viên trong diện F0, F1, F2 nhất. Theo ông Nguyễn Thế Sơn - phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Ninh, Ban chỉ đạo thi của tỉnh đang xây dựng cả phương án tổ chức điểm thi riêng cho học sinh đang phải cách ly tập trung tại các huyện thị (mỗi nơi 1 điểm) trong trường hợp số thí sinh này nhiều hơn 2 phòng thi, tương đương với trên 20 thí sinh. Nếu số thí sinh ít hơn sẽ tập trung về 1 điểm thi riêng của tỉnh.
Xét nghiệm sàng lọc người làm công tác thi
UBND TP.HCM cũng đã có văn bản chỉ đạo về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, giao Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT sàng lọc, cung cấp và cập nhật danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi và thí sinh thuộc các diện F0, F1, F2. Xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cán bộ giáo viên làm công tác thi và xét nghiệm cho tất cả cán bộ, nhân viên phải cách ly để làm nhiệm vụ thi. Khử khuẩn trước khi thi 1 ngày và sau khi hoàn tất nhiệm vụ; hỗ trợ phương tiện và nhân sự thực hiện đo thân nhiệt cho các thí sinh vào đầu mỗi buổi thi...
Về tình hình ôn tập, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, hiệu trưởng các trường THPT tại TP.HCM cho biết đã chuyển ôn tập cho học sinh lớp 12 từ trực tiếp sang trực tuyến ngay sáng 28-5.
Ông Trần Phước Đức - hiệu trưởng Trường THPT An Lạc (quận Bình Tân) - thông tin: "Chúng tôi phải xếp lại thời khóa biểu vì học trực tuyến không thể như trực tiếp. Đa số học sinh trường tôi đều học trên điện thoại, nếu thời gian học kéo dài sẽ gây mỏi mắt và rất mệt. Vì vậy, sau mỗi tiết học, học sinh sẽ được nghỉ giải lao theo hướng dẫn của giáo viên".
Ông Đức nói thêm: "Điều đáng lo nhất là việc phụ đạo cho các học sinh yếu. Trước đây dạy trực tiếp thì giáo viên dễ kèm cặp, đôn đốc, nhắc nhở, giờ chuyển sang trực tuyến rất khó khăn vì ý thức tự giác của những học sinh này không cao".
Trong khi đó, ông Võ Thiện Cang, hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5), cho biết: "Trường xếp lớp ôn tập theo trình độ giỏi, khá, trung bình, yếu để giáo viên dễ truyền đạt, rèn luyện kỹ năng làm bài thi cho học sinh. Việc ôn tập trên Internet cũng được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau như giao bài tập, gửi clip ôn thi, tương tác trực tuyến giữa giáo viên, học sinh".
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay TP có 88.744 học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Sở đã bố trí 160 điểm thi với 3.868 phòng thi và 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác coi thi. Lực lượng làm công tác chấm thi (làm phách, lên điểm, chấm thi trắc nghiệm, tự luận...) là 3.000 người.
Tổ chức phòng thi cách ly: nhiều yếu tố phải tính
Tại cuộc họp với Bộ GD-ĐT ngày 27-5, đại diện các tỉnh cho rằng sẽ có nhiều yếu tố phải tính khi tổ chức một điểm thi hoặc phòng thi cách ly trong điểm thi bình thường. Cụ thể, phải tính toán kỹ việc đón, trả học sinh diện F1, biện pháp phòng hộ, đảm bảo khử khuẩn khu vực thi, phòng thi, bài thi.
Việc in sao và vận chuyển, bàn giao, bảo quản đề thi ở những điểm thi cách ly, việc thu bài, chấm bài thi của thí sinh diện F1, F2 cũng là việc phát sinh. Bởi đây là khâu vừa cần đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và quy trình bảo mật, vừa phải đảm bảo an toàn phòng dịch.
VĨNH HÀ
Đà Nẵng: 1 điểm thi dành cho thí sinh F1, F2
Học sinh TP.HCM học trực tuyến sáng 28-5 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ngày 28-5, bà Lê Thị Bích Thuận - giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng - cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến sẽ có 31 điểm thi. Trong đó có 1 điểm thi dành cho các đối tượng F1, F2... Ngoài ra tại mỗi quận huyện sẽ bố trí 1 điểm thi dự phòng cho các tình huống về phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho thí sinh, cán bộ làm công tác thi.
Số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay tại Đà Nẵng là hơn 12.700 thí sinh. Trong đó có 12.121 thí sinh đang học lớp 12 và 595 thí sinh tự do.
ĐOÀN CƯỜNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận