Trái ngược với sự vỡ mộng sau các chuyến công tác chiến đấu ở Afghanistan và Iraq, nhiều cựu chiến binh phương Tây đến Ukraine với niềm tin họ sẽ giúp “giảm bớt đau khổ cho Ukraine”. Đồng thời, việc bảo vệ nền dân chủ cũng là động lực mạnh mẽ đưa hàng nghìn tình nguyện viên đến Kiev.
Bom đạn không phải hoa hồng!
Tuy nhiên, phần lớn "khách nước ngoài" đã về nước trước mùa hè năm 2022 vì một số lý do.
Một số thiếu kinh nghiệm chiến trường và bị buộc tội là "khách du lịch chiến tranh", thay vì cống hiến sức lực cho Ukraine.
Ngược lại, người lính tình nguyện phương Tây cũng thấy mình hoạt động mà không có sự hỗ trợ mạnh mẽ của không quân và các lợi thế công nghệ quan trọng khác.
Rào cản ngôn ngữ cũng khiến các tình nguyện viên nước ngoài không thể giao tiếp rõ ràng với các đối tác Ukraine. Các cáo buộc về tội phạm, cả ở nước họ và ở Ukraine, cũng đã được áp dụng cho một số tình nguyện viên nước ngoài.
Toàn cầu hóa chiến tranh
Theo báo Asia Times, hiện nay ước tính còn khoảng 1.000 đến 3.000 tình nguyện viên nước ngoài đang hỗ trợ lực lượng Ukraine, phần lớn phục vụ trong ba tiểu đoàn của Quân đoàn quốc tế.
Hàng trăm tình nguyện viên nước ngoài chuyên nghiệp hơn đang phục vụ trong các đơn vị nhỏ hơn, tách biệt với Quân đoàn quốc tế.
Họ bao gồm các nhóm công dân từ Liên Xô cũ chẳng hạn như Quân đoàn Gruzia, các tiểu đoàn Chechnya và trung đoàn Kalinoŭski, một nhóm các chiến binh Belarus.
Các đơn vị quân đội do phương Tây thống trị bao gồm các nhóm như Alpha, Phalanx và lữ đoàn Norman.
Các công ty quân sự và an ninh tư nhân phương Tây (PMSC) cũng đang hoạt động ở Ukraine.
Nhóm Mozart - đặt theo tên của một nhà soạn nhạc người Đức - là một PMSC của Mỹ. Nhóm này được thiết kế để chống lại nhóm PMSC Wagner của Nga.
Sóng sau có xô sóng trước?
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, 16.000 chiến binh nước ngoài cho biết họ sẵn sàng chiến đấu bên cạnh lực lượng Nga ở Ukraine, tờ Newsweek cho biết.
Ông Yevgeny Prigozhin, chủ của Tập đoàn Wagner, tuyên bố trên kênh Telegram trong tháng 2: Hơn 10 triệu công dân Mỹ đã đăng ký tham gia để đấu tranh cho Nga.
Nhiều người Serbia cũng phẫn nộ với vai trò lịch sử của phương Tây trong các vấn đề của đất nước họ. Các nhóm nhỏ công dân Serbia đã chiến đấu bên cạnh các lực lượng Nga ở Ukraine kể từ năm 2014.
Các binh sĩ và nhân viên Iran đang ở Ukraine để giúp người Nga vận hành máy bay không người lái do Iran sản xuất.
Khả năng có thêm tình nguyện viên từ các quốc gia khác tham chiến ở cả hai bên vẫn còn cao.
Vào tháng 8-2022, truyền thông Nga gợi ý có tới 100.000 tình nguyện viên Triều Tiên có thể sẽ hỗ trợ chiến dịch của Điện Kremlin ở Ukraine. Ngoài ra, cũng có một số ít công dân Mỹ cùng với các biệt kích Afghanistan do Mỹ huấn luyện đã chiến đấu cho Nga.
Các lực lượng đặc biệt từ Anh, Pháp, Canada, Litva và các đồng minh phương Tây khác cũng đang hoạt động ở Ukraine.
Phản ứng không nhất quán
Sự tham gia của các tình nguyện viên Mỹ ở Ukraine cũng đặt ra câu hỏi về khả năng vi phạm Đạo luật trung lập, được ban hành vào năm 1794. Đạo luật này ngăn chặn công dân Mỹ tham gia vào các cuộc chiến tranh nước ngoài.
Tuy nhiên, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến nghị không cho người Mỹ đi du lịch đến Ukraine, Washington đã làm rất ít để ngăn cản hàng ngàn công dân của mình đi du lịch ở Ukraine.
Chính phủ Anh tuyên bố việc quân đội Anh và các cựu quân nhân đến Ukraine để chiến đấu là bất hợp pháp. Nhưng chỉ vài ngày sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, ngoại trưởng khi đó là bà Liz Truss tuyên bố ủng hộ các cá nhân người Anh đến Ukraine chiến đấu.
Các chính phủ phương Tây khác tuyên bố họ sẽ không khuyến khích từng công dân đi du lịch đến Ukraine, nhưng sẽ không truy tố những người đã làm như vậy.
Cảnh giác với việc xúi giục một cuộc chiến rộng lớn hơn giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Nga, các quan chức phương Tây đã kiềm chế không triển khai chính thức. Tuy nhiên, các lực lượng hoạt động đặc biệt của Mỹ đã hoạt động ở Ukraine từ trước chiến tranh đến nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận