Các nhà thư pháp (bên trái) thực hiện tác phẩm thư pháp theo yêu cầu của công chúng - Ảnh: L. ĐIỀN
Đây là chương trình thường niên của các nghệ nhân, thư pháp gia thuộc Chi hội Thư pháp của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TP.HCM cùng với báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa văn thực hiện.
Trong bối cảnh TP.HCM vừa trải qua một năm dịch bệnh trầm trọng với thời gian giãn cách kéo dài, những bức thư pháp được treo giăng trên một mặt sân Hội quán Hải Nam với sắc màu rực rỡ như báo hiệu một mùa xuân đang đến yên bình hơn.
Nhà thư pháp, nghệ nhân nhân dân Trương Lộ bày tỏ kỳ vọng vào năm mới Nhâm Dần bằng bức chữ đại triện khổ lớn: Hổ việt long đằng (Hổ vọt rồng bay) treo bên trên một góc sân thư pháp.
Bức chữ "Hổ việt long đằng" theo thể đại triện (phía trên)
Ở góc đối diện, nhà thư pháp Lâm Hán Thành cùng trong tinh thần vừa vượt qua dịch bệnh COVID-19, thực hiện bức đại tự khải thư Kiện khang thị phúc (Khỏe mạnh là phúc) như một định nghĩa sát thực với tình hình dịch bệnh.
Bốn chữ 'Kiện khang thị phúc" (phía trên, bên phải) theo thể khải thư
Trên suốt một mặt tường sân hội quán, các câu liễn của những nhà thư pháp nổi tiếng thực hiện xong được treo lên để công chúng thưởng thức, ai thích có thể nhận lấy mang về, thù lao được khuyến khích tùy tâm đóng góp cho ban tổ chức để làm từ thiện.
Năm nay, những thư pháp gia như Trương Lộ, Huỳnh Tuần Bá, Lâm Hán Thành, Trịnh Huy, Ô Dân Phát, Chu Ứng Xương, Hồ Lệ Hoa, Trương Cẩm Bình, Lưu Vĩ Hằng, Âu Dương Nguyệt Diễm... thực hiện các câu đối có nội dung mừng năm mới với nhiều điều tốt đẹp: Nhâm tuế phong điều thuận/ Dần niên khí vận hưng; Môn nghinh tử khí tài nguyên quảng/ Hộ tiếp xuân phong phúc thọ doanh; Từ niệm thi nhân sinh bách phúc/ Thiện môn bố đức tập thiên tường...
Ngay đầu buổi, nhà thư pháp Trương Lộ đã bận luôn tay bởi nhiều người đến xin chữ. Một phụ nữ nhờ viết bức chữ "Bách vô cấm kỵ" (Không kiêng kỵ gì cả), và một người khác có vẻ chủ thầu nhờ viết 4 chữ "Khai công đại cát".
Đến nửa buổi sáng, cô Thái Ý Vi từ quận 8 kịp đến sân thư pháp xin 2 câu "Nhập gia bình an" và "Khai trương hồng phát" để dán cửa nhà ngày Tết "vì đây là phong tục của người Tiều", cô vui vẻ nói.
Sau nhiều năm lỡ hẹn, năm nay hai vợ chồng nhà báo Công Khanh kịp đến với chương trình chỉ yêu cầu được cho chữ "Dịch" (di chuyển) và "Duyên", theo lý giải là chữ "Dịch" để kỳ vọng năm tới được xê dịch đi lại chứ nghề báo mà bị cấm túc phong thành như năm qua thì bi kịch quá.
"Còn chữ Duyên là xin chữ cho cô con gái, năm nay đã đến tuổi lấy chồng", phu nhân nhà báo Công Khanh vui vẻ nói.
Xúc động hơn cả là nhà thư pháp lão thành, họa sĩ Lý Tùng Niên tuổi ngoài 90 đang hồi phục sau khi mắc COVID-19 cũng đến góp mặt với chương trình.
Đông đảo đồng nghiệp và học trò các thế hệ cùng vui mừng khi thấy họa sĩ Lý Tùng Niên đứng vững cầm bút viết mấy chữ "khang, phúc" để kỷ niệm lần gặp gỡ đặc biệt này.
Nhà thư pháp lão thành Lý Tùng Niên đang viết chữ "khang"
Nhà thư pháp Trương Lộ xúc động khi thấy có một nữ sinh lớp 7 đến xin chữ. Lão sư Trương viết cho 4 chữ "Học nghiệp tiến bộ" để chúc cho việc học của cháu được hanh thông. Hỏi ra mới biết cháu là Tuệ Nghi, nhà ở Phú Nhuận, học lớp 7 Trường quốc tế Á Châu, đến sân thư pháp cùng với cả bố mẹ.
Góp mặt với chương trình thư pháp năm nay còn một gương mặt mới, là nữ thư pháp gia Gia Bảo vốn người Hong Kong, đang làm việc và học thủy mặc tại Sài Gòn.
Gia Bảo thực hiện một loạt bức thư pháp viết theo cụm như: Chiêu tài tiến bảo, Cát tường như ý, Ngũ cốc phong đăng, Nhật nhật hữu kiến tài, và một bức "Phúc vô biên" rất độc đáo.
Nhà thư pháp Gia Bảo với tác phẩm "Phúc vô biên"
Nhà thơ, dịch giả Dư Vấn Canh năm nay đang cảm khái vì gia đình có nhiều mất mát do dịch COVID-19, ông đến xin đôi câu liễn: Khứ tuế dịch lai mông Chúa quyến/ tân niên phúc chí tạ thiên ân (Năm qua dịch bệnh được Chúa che chở/ Năm mới có phúc cảm tạ ơn trời).
Càng cảm động hơn khi trưa muộn, một nhóm bạn trẻ đến nhờ thư pháp gia Trương Lộ viết đôi câu liễn: Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt/ Tây Âu khoa học yếu minh tâm (Khắc vào xương đạo cương thường của Khổng Mạnh/ Ghi trong tâm khoa học của Âu Tây).
Đây là đôi câu liễn vốn khắc trên cổng Trường Petrus Ký Sài Gòn trước đây, nay các bạn học sinh dò được tấm ảnh tư liệu, biết được nơi cổng trường từng có đôi câu đối, nên nay nhờ nhà thư pháp viết lại để kỷ niệm.
Đôi câu liễn trước cổng Trường Petrus Ký vừa được nhà thư pháp Trương Lộ viết lại
Cuối buổi, ban tổ chức công bố số tiền quyên góp được của chương trình năm nay là 210 triệu đồng (trong đó có 100 triệu đồng do Công ty Times Square tài trợ), sẽ chuyển đến quỹ từ thiện của báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa văn để chung tay hỗ trợ đồng bào người Hoa nghèo có cái Tết truyền thống ấm cúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận