09/04/2021 08:28 GMT+7

Các tân bộ trưởng ưu tiên nhiệm vụ gì?

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TTO - Ngay sau khi được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, một số tân bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn nhanh của phóng viên Tuổi Trẻ.

Các tân bộ trưởng ưu tiên nhiệm vụ gì? - Ảnh 1.

Phụ huynh luôn sẵn sàng đầu tư giáo dục cho con cái nên họ kỳ vọng ngành giáo dục ngày càng tốt hơn - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều nhiệm vụ ưu tiên được các tân bộ trưởng đặt ra cho ngành và chính bản thân mình.

* Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn:

Có chính sách đúng sẽ huy động được nguồn lực

Việt Nam là quốc gia có truyền thống hiếu học, quan tâm giáo dục từ các gia đình đến các dòng họ, trong các chi tiêu riêng luôn sẵn sàng dành cho giáo dục. Đó là thuận lợi quan trọng để có thể huy động các nguồn lực cho giáo dục.

Tôi luôn nghĩ nếu có chính sách đúng sẽ huy động được những nguồn lực không giới hạn cho giáo dục.

* Là giám đốc ĐH, liệu ông có hiểu sâu về các bậc học khác? Bởi những vướng mắc của ngành mấy năm qua phần lớn liên quan đến những vấn đề của phổ thông.

- Bất kỳ ai được lựa chọn vào vị trí này cũng không thể là một người toàn năng, bao quát được tất cả các mảng. Xét đến cùng, phổ thông hay ĐH đều là thành tố của giáo dục. Vì vậy, quan trọng không phải là anh am hiểu mảng nào hơn mà là có biết mình đang thiếu gì để bổ sung và dũng cảm điều chỉnh, học hỏi, tự hoàn thiện mình, tự vươn lên.

Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là khó khăn nhưng không phải là trở ngại lớn. Một nhà quản lý không nhất thiết phải thạo công việc chuyên môn quá sâu.

Quan trọng hơn là có tầm nhìn chiến lược với những kỹ năng về quản lý, điều phối công việc và hơn hết là xây dựng được một đội ngũ gồm những người vừa giỏi chuyên môn vừa tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đó sẽ là những phụ tá đắc lực, đồng thời là những nhà tư vấn chuyên môn quan trọng.

* Để xây dựng được thương hiệu về giáo dục ĐH, chúng ta đang thiếu gì và sẽ phải làm gì?

- Để trở thành ĐH đẳng cấp quốc tế thì cần có những nhà khoa học hàng đầu và đẳng cấp quốc tế, cần hạ tầng cơ sở vật chất, cần quản trị ĐH tiên tiến... Những điều này chúng ta còn đang thiếu hụt và phải nỗ lực bù đắp. Cái chưa mạnh của chúng ta là nghiên cứu khoa học nên các chỉ số xếp hạng thực ra cũng còn khiêm tốn.

Các trường phải mạnh dạn phát triển đào tạo và nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế theo đúng cách hiểu quốc tế, chứ không phải hài lòng với "chuẩn riêng của Việt Nam". Tất nhiên phải đẩy mạnh tự chủ ĐH mới thu hút được thêm nhà đầu tư, qua đó mới nâng cấp được cơ sở vật chất, tạo điều kiện nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu, giảng dạy.

Việc hội nhập quốc tế mạnh mẽ cũng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình này. Bộ GD-ĐT sẽ có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy, đồng thời tạo cầu nối cho các trường ĐH trong nước và trường ĐH quốc tế thông qua các chương trình hợp tác, hội thảo chất lượng.

* Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy. Tuy nhiên, tiếng nói của họ vẫn còn nhiều hạn chế, ngay cả trong chính câu chuyện giáo dục mà các thầy cô là nhân vật trung tâm. Theo ông, cần làm gì để thay đổi?

- Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện; trình độ của người thầy tiếp tục được nâng cao tương ứng với yêu cầu thời đại. Còn nhiều việc phải làm để nâng cao đời sống thầy cô giáo.

Điều quan trọng hơn nữa là cải thiện, củng cố vị thế người thầy trong xã hội, trong nhà trường. Hệ thống quản lý giáo dục từ trên xuống dưới cần quan tâm gia tăng vai trò, tiếng nói phản biện của đội ngũ với cả các vấn đề xã hội nói chung và chính sách đang thực thi trong giáo dục nói riêng.

Các thầy cô cần thể hiện vai trò của mình mạnh hơn nữa. Tất nhiên, vị thế cần nâng lên không chỉ dựa vào các chính sách mà chính người thầy cũng phải nỗ lực nâng vị thế qua năng lực, chất lượng giảng dạy, nhân cách của mình.

Tiếng nói của người thầy và sự tôn trọng, đánh giá, ghi nhận với người thầy cần được nâng lên xứng với nghề và đáng với những gì họ phải được hưởng.

* Bộ trưởng Bộ Ngoại giao BÙI THANH SƠN:

Trọng tâm là ngoại giao kinh tế

np_sanbay_tansonnhat_vietkieu_30 1(read-only)

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là công tác bảo hộ công dân đối với bà con đang sinh sống ở nước ngoài - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tôi cảm thấy rất may mắn vì nhận trọng trách bộ trưởng Bộ Ngoại giao đúng thời điểm Đại hội XIII đã thành công rất tốt đẹp, trong đó đề ra đường lối đối ngoại rất cụ thể. Với tư cách là người lãnh đạo ngành, tôi cho rằng cần phải cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và đưa đường lối vào thực tiễn với 4 ưu tiên.

Thứ nhất, cần phải tập trung làm sâu sắc và đưa vào chiều sâu mỗi quan hệ với tất cả các đối tác quan trọng của chúng ta, nhất là với các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống.

Thứ hai, ngành ngoại giao phải tập trung toàn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Trong đó, ngành ngoại giao xác định ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài phải phục vụ cho mục tiêu phát triển. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đặt trong tâm vào lĩnh vực ngoại giao kinh tế, phải tranh thủ nguồn ngoại lực quan trọng để phục vụ cho các yếu tố nội lực.

Thứ ba, chúng tôi đặt trọng tâm phải tham gia tích cực, chủ động vào các diễn đàn, tổ chức đa phương để trên cơ sở đó tham gia, định hình và phát triển các luật chơi khi đất nước hội nhập quốc tế.

Thứ tư, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mọi hoạt động bị ngừng trệ, song công tác bảo hộ công dân của chúng ta cũng được tăng cường. Trước mắt, chúng tôi coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa là để kết nối với bà con cộng đồng ta ở nước ngoài hướng về quê hương, phát triển đất nước, đồng thời cũng thể hiện tinh thần của Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng ta ở nước ngoài.

NGỌC HIỂN - TIẾN LONG

* Bộ trưởng Bộ Nội vụ PHẠM THỊ THANH TRÀ:

Xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch

Tôi nhận thức được trách nhiệm rất lớn của cá nhân mình, của Bộ Nội vụ và cả ngành nội vụ nói chung trước những yêu cầu, đòi hỏi và kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt ra cho chúng tôi.

* Bà sẽ ưu tiên giải quyết những vấn đề gì trong nhiệm kỳ của mình?

- Tôi sẽ cùng tập thể lãnh đạo Bộ Nội vụ tập trung tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và hoàn thiện chính phủ số, xã hội số.

Tôi cũng sẽ tập trung cao độ để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo tinh thần, chủ trương các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội. Gắn nhiệm vụ tinh giản biên chế với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài đáp ứng được yêu cầu của nền công vụ trong thời kỳ mới.

* Thưa bà, một trong những việc cần làm để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, thu hút nhân tài là chính sách tiền lương. Vậy trách nhiệm của bộ trưởng trong vấn đề này ra sao?

- Ban Chấp hành trung ương đã có chủ trương, định hướng rất rõ ràng về vấn đề này tại nghị quyết số 27 năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.

Tuy nhiên, hai năm vừa qua, do tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 đến tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, chúng ta chưa thể thực hiện tăng lương và trung ương đã quyết định lùi thời hạn điều chỉnh tăng lương sau năm 2022.

Với trách nhiệm của mình trong nhiệm kỳ này, chúng tôi sẽ nỗ lực phối hợp cùng với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện chính sách tiền lương đồng thời với thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy và chế độ công vụ, công chức.

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH thực hiện

* Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc HẦU A LỀNH:

Trăn trở với khó khăn của 14,7 triệu đồng bào dân tộc thiểu số

qd_sapa_dukhach_bangcatcat_31 2(read-only)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trăn trở với khó khăn của 14,7 triệu đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trăn trở của tôi đó là 14,7 triệu đồng bào dân tộc thiểu số hiện chủ yếu sinh sống, phân bố ở huyện, xã vùng cao, biên giới là những nơi có điều kiện hết sức khó khăn.

* Vậy ông sẽ chọn việc gì để "ưu tiên" khi làm bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc?

- Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 88 phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chính phủ đã có kế hoạch hành động, giao Ủy ban Dân tộc chủ trì. Trong 10 dự án hợp phần, tôi quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực.

Ngoài ra, trong 5 năm tới phải ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng để bà con nâng cao nhận thức và tiếp cận với sự phát triển của xã hội. Khi bà con nhận thức được, đồng thuận thì mọi chính sách sẽ vào được cuộc sống. Đây sẽ là vấn đề số 1 tôi phải tập trung làm ngay từ ngày đầu, xuyên suốt chu kỳ của chương trình mục tiêu từ nay đến 2030.

Tôi cho rằng cần phải tăng cường sự giám sát đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách. Quan tâm giải quyết vấn đề bức xúc cho người dân về đất ở, đất sản xuất thông qua chính sách, dự án sắp xếp, ổn định dân cư; rà soát đất đai để bố trí đủ hạn mức tối thiểu cho người dân về diện tích ở, diện tích đất sản xuất và canh tác.

Quan tâm hơn đến chuyển giao khoa học công nghệ và đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu. Trong 5 năm tới, 100% có đường ôtô đến được các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đi liền với đường sá là hệ thống thủy lợi, nước sạch vệ sinh môi trường...

ĐỨC BÌNH - LÊ KIÊN thực hiện

* Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC:

Siết kỷ cương!

Tôi đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện chiến lược ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung phát triển kinh tế, giảm bội chi ngân sách và giảm nợ công, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

* Ông có giải pháp nào để giảm bớt áp lực bội chi ngân sách cũng như thất thu ngân sách?

- Đối với vấn đề bội chi ngân sách, trong vai trò mới tôi sẽ tập trung để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường thu hút đầu tư, rõ ràng doanh nghiệp khỏe thì sẽ tăng thu ngân sách.

Thứ hai, phải siết chặt kỷ luật kỷ cương trong vấn đề thu ngân sách, khai thác những khoản thu tiềm năng. Đặc biệt, tránh thất thu ngân sách, tránh thực trạng chuyển giá hay các vấn đề thất thoát thu ngân sách thông qua sử dụng hóa đơn và những vấn đề khác.

* Dù nợ công Việt Nam đã được kéo giảm trong thời gian qua, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ nợ công tăng cao?

- Về nợ công, tôi cho rằng phải tập trung sử dụng nguồn vay một cách có hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, cần phải tiết kiệm chi, tức là chi một cách hiệu quả.

* Giữ vai trò "tay hòm chìa khóa" quốc gia trong bối cảnh hiện nay, thực lòng ông thấy có những thách thức nào sẽ gặp phải?

- Có nhiều thách thức, song thách thức trước mắt là dịch COVID-19 và những hệ lụy của nó. Hiện nay doanh nghiệp đang rất khó khăn trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp, kinh tế thế giới bị hạn chế, ảnh hưởng rất nhiều. Ngoài ra, những nút thắt về các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách cũng là những thách thức gặp phải.

NGỌC HIỂN - TIẾN LONG thực hiện

Thủ tướng trao quyết định, giao nhiệm vụ cho 2 tân bộ trưởng Thủ tướng trao quyết định, giao nhiệm vụ cho 2 tân bộ trưởng

TTO - Trao các quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Y tế và bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao 4 nhiệm vụ cho lãnh đạo Bộ Khoa học và công nghệ và 10 nhiệm vụ cho người đứng đầu ngành y tế.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên