Cô trò lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM) ráo riết ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG
N.V.H.Hậu - học sinh lớp 12 ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - kể về kế hoạch ôn thi của mình. Không những vậy, ở một số địa phương, việc tích cực ôn luyện còn nhắm đến mục đích khác: hạn chế gian lận thi cử.
TP.HCM: tranh thủ những ngày cuối
Hậu cho biết năm nay sẽ đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Y dược TP.HCM và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cả hai trường đều có điểm chuẩn rất cao.
Hậu đã nhờ hỏi các anh chị khóa trước và xin học thêm với 3 thầy giáo nổi tiếng ở ba môn toán, hóa, sinh của thành phố.
Lớp học thêm và luyện thi của Hậu được bắt đầu từ tháng 6-2018. Cả ba môn đều phải làm bài kiểm tra trước, đạt từ 7 điểm trở lên mới được thầy nhận vào học, dù trước đó Hậu đã được một giáo viên khác giới thiệu.
Theo ghi nhận, năm nay đa số học sinh lớp 12 ở TP.HCM chọn giải pháp ôn thi ngay tại trường THPT mình đang học.
Riêng những thí sinh có nguyện vọng thi vào các trường ĐH tốp đầu, ĐH công lập mới đi luyện thi bên ngoài trường THPT. Thường các em sẽ chọn luyện thi theo từng môn tại nhà của các giáo viên nổi tiếng, hoặc luyện thi ở các trung tâm.
Một thầy dạy toán ở quận 5 (TP.HCM) cũng cho biết lớp học của thầy đến trưa 24-6 mới kết thúc. Thầy giáo này cho biết kiến thức đã ôn hết cho các em, nhưng vẫn yêu cầu học sinh đến lớp để hệ thống lại các dạng toán và giải thêm một số bài toán khó.
"Học sinh lớp của tôi đều đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH tốp đầu nên các em rất chăm chỉ. Thậm chí ngay cả giờ giải lao có em cũng tranh thủ thời gian trình bày những thắc mắc của mình và nhờ thầy giải đáp" - thầy giáo này cho biết thêm.
Với việc ôn thi tại trường THPT, nhiều trường đã cải tiến phương pháp để thu hút học sinh bằng cách tổ chức lớp luyện thi theo trình độ và nhu cầu của thí sinh. Các lớp được sắp xếp lại với học sinh giỏi học chung một lớp cùng chương trình học nâng cao, học sinh khá học lớp riêng, học sinh trung bình một lớp riêng nữa.
Tại các trường tư thục thì những ngày này hầu hết học sinh khối lớp 12 đều ăn và ngủ tại trường, kể cả học sinh bán trú. Đây là mô hình chung của hầu hết các trường THPT tư thục trên địa bàn TP.HCM, vì đối tượng học sinh chủ yếu có hộ khẩu ở các tỉnh ngoài TP.HCM.
Các em không rành đường đi và phụ huynh đa số cũng ở xa. Vì vậy, các trường tư thục sẽ bố trí cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn đưa và đón học sinh đi thi.
Hà Nội: ngày cuối dặn dò "nói không" với gian lận thi cử
Hầu hết các trường ngoài công lập ở Hà Nội đều tăng ca, tăng buổi để kết thúc sớm chương trình học, dành thời gian nhiều hơn cho học sinh ôn tập chuẩn bị thi THPT quốc gia. Vì thế, có những trường có tới gần 3 tháng cho việc ôn tập, hoặc song song vừa chạy chương trình chính khóa vừa ôn tập.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết học sinh lớp 12 của trường vừa học chính khóa vừa kết hợp ôn tập luôn theo tinh thần "học tới đâu chắc tới đó".
Tương tự, thầy Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho biết do học sinh của trường phân hóa nhiều trình độ khác nhau, nên trong kế hoạch ôn tập đã có hướng phân trình độ học sinh từ đầu năm học.
"Tính tới thời điểm hiện tại, các em có gần 3 tháng để ôn luyện" - thầy Lâm chia sẻ.
Nhiều trường THPT công lập ở Hà Nội cũng tổ chức lớp học đặc biệt vào thời điểm cuối cùng để ôn thi cho những học sinh còn hổng nhiều kiến thức.
Theo ông Đàm Tiến Nam - hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm trước trường có học sinh rơi vào điểm liệt môn lịch sử nên năm nay với quyết tâm không để học sinh nào bị điểm liệt, nhà trường đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, phân tích kỹ trường hợp điểm liệt.
Ngoài tập trung ôn tập cho tất cả học sinh lớp 12, trường tổ chức lớp ôn tập đặc biệt các môn toán, văn, tiếng Anh để những học sinh còn đuối được củng cố kiến thức, đặc biệt là rèn luyện kỹ năng làm bài thi. "Trường còn áp dụng hình thức kiểm tra vấn đáp với một số môn học để giúp học sinh làm tốt bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi tới" - ông Nam cho biết thêm.
Thầy Đào Tuấn Đạt, hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh, cho biết mặc dù trường đã chủ trương tăng tiết cho học sinh lớp 12 nhưng vẫn chú trọng nhiều hơn ôn tập cho học sinh giai đoạn nước rút.
Theo thầy Đạt, trường đã chuẩn bị tài liệu ôn tập, bộ đề thi do giáo viên của trường biên soạn để cung cấp cho học sinh. Các hình thức ôn tập duy trì đến sát ngày thi là học tập trung cả lớp, học tách nhóm theo trình độ và học gia sư - giáo viên tập sự kèm học sinh theo hình thức 1-1.
Theo bạn Nguyễn Ngọc Anh - học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, buổi học cuối cùng thầy cô chỉ dặn dò cách thức làm bài, cách phân bố thời gian, một số lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm.
Trong khi đó, bạn Trần Đức Tuấn, học sinh Trường THPT Đoàn Kết, cho biết cô giáo còn dành thời gian dặn dò về chuyện tránh xa gian lận thi cử.
Theo Tuấn, cách tốt nhất để "nói không" với quay cóp tài liệu là ôn tập kỹ kiến thức cơ bản và luyện đề để làm quen với việc phải tập trung cao độ, phân bố thời gian làm bài thi.
Tăng ôn tập để hạn chế gian lận thi
Với bài học từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, nhiều tỉnh thành đã xác định tăng cường ôn thi để hạn chế gian lận.
Ông Bạch Đăng Khoa, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang, cho biết sở đã yêu cầu các trường THPT liên kết giữa các vùng miền để giáo viên trường có chất lượng tốt hỗ trợ giáo viên trường yếu hơn.
Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Tuế, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết ở giai đoạn cuối các thầy cô chủ yếu giúp học sinh làm quen với dạng đề thi, dựa theo đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT để tránh sai sót không đáng có.
"Đặc biệt lưu ý các thầy cô nhắc nhở học sinh tuân thủ tuyệt đối quy chế" - ông Tuế cho biết.
Trong khi đó, ông Phạm Khương Duy, phó giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, cho biết trong những ngày trước ngày thi, các thầy cô giáo vẫn có các buổi hướng dẫn học sinh cách làm bài thi, trong đó có làm bài thi trắc nghiệm hiệu quả nhất, phổ biến kỹ quy chế để tránh sai sót, bị mất điểm.
8 năm thầy nấu cơm cho trò ôn tập
Đây là năm thứ 8 thầy cô Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) phục vụ ăn trưa cho tất cả học sinh lớp 12 sau khi kết thúc thi học kỳ 2 đến hết ngày thi THPT.
Thầy Nguyễn Hữu Đỉnh, hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, cho biết hiện bếp ăn phục vụ hơn 160 suất ăn mỗi ngày cho học sinh, đến thời điểm này tiền quyên góp của nhà hảo tâm lẫn thầy cô ở trường cung cấp đủ thức ăn, nước uống đủ dinh dưỡng cho toàn khối 12 ở trường.
"Hầu như các em không vắng buổi ôn tập nào ở trường, các em không chỉ miệt mài cho kỳ thi sắp tới mà còn vì theo các em: cơm ở trường ngon quá" - thầy Đỉnh nói.
Học sinh Trường THPT Thới Lai trong giờ ăn trưa qua ống kính thầy hiệu trưởng
Thầy Đỉnh cho biết thêm phần lớn học sinh có nhà rất xa trường, hoàn cảnh khó khăn, có thể nghỉ học bất cứ lúc nào, những suất cơm trưa chỉ là phần phụ, chính là các em có thêm động lực, tiếp thu bài tốt, tự tin vào phòng thi.
"Học không phải nhồi nhét kiến thức, mà tạo điều kiện để các em tiếp thu tốt, có động lực mới quan trọng, để những ngày ngồi trên ghế nhà trường là kỷ niệm đẹp đối với các em" - thầy Đỉnh nói.
Thời điểm này, trường đã đóng cửa để chuẩn bị cho những ngày thi sắp tới, nhưng nhà trường vẫn bố trí bếp ăn ở nhà văn hóa để phục vụ học sinh suốt những ngày thi.
T.TRANG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận