06/05/2019 14:27 GMT+7

Các quy tắc mới khi cho bé ăn dặm

Nguồn: Cổng Thông tin Thực phẩm Cộng đồng
Nguồn: Cổng Thông tin Thực phẩm Cộng đồng

Trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tháng tuổi, chế độ ăn uống hoàn toàn bằng chất lỏng của bé đã trở nên lỗi thời so với tự nhiên.

Các quy tắc mới khi cho bé ăn dặm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: famifi.com

Trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tháng tuổi, chế độ ăn uống hoàn toàn bằng chất lỏng của bé đã trở nên lỗi thời so với tự nhiên. Đó là lúc bạn nên bắt đầu cho bé ăn dặm, vậy với một ít thịt gà cà ri có được không? Hoặc một bát canh súp củ cải borscht (một loại củ cải đỏ)?

Có thể bạn không tin nhưng trẻ dưới 1 tuổi đã có khả năng xử lý tốt tất cả các loại thức ăn. Những nghiên cứu mới và nhìn nhận mới về việc cho bé ăn dặm đã và đang thay đổi những thói quen, kinh nghiệm lâu đời và thậm chí là những quan điểm của các chuyên gia trước đây, và nhiều người tin rằng sự thay đổi này sẽ tốt hơn cho trẻ.

Những thức ăn nhạt nhẽo mà từ lâu đã chiếm ưu thế trong chế độ ăn uống của trẻ sơ sinh ở Hoa Kỳ - như là bánh ngũ cốc từ gạo, mì ống, và các loại thức ăn tương tự - không phải là xấu cho trẻ nhưng có thể lấy đi các chất dinh dưỡng quan trọng và có thể tạo ra sự kén ăn ở trẻ. Trẻ nhỏ thường rất thận trọng trong khẩu vị và thường không thích những loại "thực phẩm thực sự" (là thức ăn nấu từ nguyên liệu tươi nguyên) tốt cho sức khỏe, thay vào đó chúng thích những loại "thực phẩm trẻ em" (là thức ăn trẻ em chế biến sẵn bán trong siêu thị) đồng nhất (về cấu trúc, hình dạng) và chứa nhiều natri, ví dụ món mì ống và pho mát, món gà tẩm bột và những miếng bánh ngọt hình con cá.

Vậy phải làm thế nào để giúp trẻ thay đổi thói quen ăn uống từ sớm? Thật ngạc nhiên là phương pháp này rất đơn giản. Dưới đây là những suy nghĩ mới thú vị về việc cho bé ăn dặm như thế nào và ăn cái gì.

Hãy xem xét lại những gì bạn đã nghe nói về dị ứng thực phẩm

Các chuyên gia đã từng khuyến cáo rằng hãy chờ đến khi trẻ được ít nhất 1 tuổi mới cho trẻ làm quen với các loại thực phẩm thường gây dị ứng, và các bậc phụ huynh khắp nơi đều tạo một danh sách dài không giới hạn bao gồm trứng, các loại hạt cây (quả hạch), đậu phộng, cá và động vật có vỏ. Nhưng vào năm 2008, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (The American Academy of Pediatrics - AAP) đã đưa ra báo cáo bác bỏ quan điểm trên.

'Không có bằng chứng cho thấy nên hoãn việc cho bé ăn thử các loại thực phẩm này cho đến khi bé đạt khoảng 4 đến 6 tháng tuổi nhằm ngăn ngừa dị ứng thực phẩm', Frank Greer - bác sĩ nhi khoa và là tiền chủ tịch Hội đồng Dinh dưỡng thuộc Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ - cho biết.

Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, bạn cũng nên trì hoãn. Greer nói rằng nếu con bạn có những dấu hiệu của dị ứng (chẳng hạn như eczema) đối với một loại thực phẩm nào đó thì nên tạm dừng việc cho bé ăn loại thực phẩm này và tham khảo ý kiến bác sĩ về việc khi nào thì có thể cho trẻ ăn thử các chất gây dị ứng phổ biến.

Ngoài ra, các hướng dẫn này cũng không đúng hoàn toàn cho các em bé có tiền sử gia đình bị dị ứng thực phẩm hoặc bệnh hen suyễn. Các chuyên gia tin là các hướng dẫn này vẫn an toàn (tức là cho bé thử thực phẩm có khả năng gây dị ứng nhưng dừng ngay khi bé có dấu hiệu dị ứng). Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu tham khảo ý kiến bác sĩ trước.

Mặc dù vậy, cuối cùng đây vẫn là sự lựa chọn của các bậc phụ huynh. Nếu bạn lo ngại khi cho bé tập ăn trứng thì bạn không phải là người duy nhất. Ngay cả một số chuyên gia y tế cũng có thể không đồng tình với quan điểm mới này.

Đừng e ngại với gia vị

Trong khi trẻ trên khắp thế giới đang ăn những món cầu kỳ và nhiều hương vị, trẻ em ở Hoa Kỳ chỉ quen với những món đơn giản và nhạt nhẽo. Nguyên nhân đằng sau vẫn còn gây nhiều tranh luận, nhưng có một điều chắc chắn đó là những nguyên nhân này không dựa trên bằng chứng khoa học.

'Ý tưởng về việc trẻ em chỉ nên ăn những thực phẩm nhạt nhẽo chỉ là một tin đồn nhưng không biết vì sao lại trở thành một tập quán văn hóa ăn uống của chúng ta', Susanna Block - bác sĩ Nhi khoa ở Seattle - cho biết. 'Hoàn toàn không có một cơ sở khoa học nào đằng sau giả thuyết này'.

Nói cách khác, cho trẻ ăn đa dạng thức ăn với những gia vị khác nhau chẳng có ảnh hưởng xấu nào đối với trẻ cả. Trong thực tế những bé bú mẹ cũng đã ăn theo cách đó.

Block cho biết sữa mẹ mang theo tất cả hương vị của thực phẩm mà người mẹ đã ăn, vì thế nếu bạn đã ăn món Ấn Độ trước khi cho con bú, con của bạn cũng đã thưởng thức hương vị ẩm thực Ấn Độ trong sữa mẹ. Cô ấy nói: 'Đi từ sữa mẹ đa dạng về hương vị đến thực phẩm chế biến sẵn nhạt nhẽo dường như là một bước đi thụt lùi'.

Vì vậy, hãy cho thêm một ít hương thảo (rosemary) vào món bí, ướp gà với một chút hạt thì là hay cho vào món khoai tây nghiền một ít bột ớt chuông và rau mùi tây. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên bởi phản ứng của bé với chúng.

Trái ngược với hiểu biết thông thường, bạn cũng không cần phải loại bỏ những gia vị có tính cay ra khỏi khay thức ăn của trẻ. 'Không có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm cay có tác động tiêu cực đối với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên mức độ cay mang tính văn hóa từng nước', Greer nói.

Tất nhiên là bạn sẽ muốn tránh xa bất cứ món ăn nào có thể gây kích ứng da hoặc miệng của bé - như là ớt trái habanero - nhưng sẽ không có hại nếu cho bé thử thức ăn có độ cay nhẹ hoặc vừa phải. Những loại ớt cay nhẹ như là anaheim và poblano thường sẽ không gây hại khi cho một ít vào thức ăn của bé.

Nếu ông bà hoặc các bậc phụ huynh khác chau mày, bạn có thể nói rằng trẻ em ở các vùng khác trên thế giới đều có thể thưởng thức thức ăn chứa nhiều gia vị và con tôi cũng sẽ như thế.

Không cần phải ngán việc tự làm thức ăn cho trẻ

Thức ăn trẻ em tự nấu có vẻ như cũng sẽ tốn nhiều thời gian và công sức như quần áo tự may, nhưng thật ra không phải vậy. Tự nấu thức ăn cho trẻ rất đơn giản, không cần phải có bằng cấp về dinh dưỡng, kỹ năng nấu ăn tuyệt vời hay những đồ dùng nấu ăn tốt nhất. Làm thức ăn cho trẻ có thể đơn giản như là nghiền một quả chuối hoặc quả bơ bằng nĩa và thêm một chút gia vị, hay mở một hộp đậu và nghiền chúng với tỏi, hoặc hấp rau và gia vị và sau đó nghiền kỹ.

Dĩ nhiên, nếu bạn không có tâm trạng chuẩn bị bữa ăn riêng cho bé, bé vẫn có thể ăn chung những món ăn của bạn nhưng với điều kiện là thức ăn mà bạn ăn là những thực phẩm lành mạnh.

Aviva Pflock và Devra Renner, tác giả của cuốn Mommy Guilt nói 'Chúng tôi thích xay đồ ăn cho bé'. Quyển sách cũng khuyến khích bố mẹ nên xay đồ ăn của họ cho tới khi đạt được độ nhuyễn hợp lý và cho bé ăn. 'Trẻ sẽ quen dần với các món ăn của bạn và bạn sẽ không cần phải tìm kiếm những công thức nấu ăn riêng biệt cho trẻ'. Dĩ nhiên, để tự làm đồ ăn cho trẻ, bố mẹ sẽ cần một máy xay sinh tố.

Mặt khác thức ăn trẻ em chế biến sẵn trong hũ hoặc túi nhỏ cũng có lý do tồn tại của nó, chẳng hạn như khi bố mẹ không thích nấu ăn hoặc bố mẹ quá bận rộn không có thời gian vào bếp.

Eileen Behan, chuyên gia dinh dưỡng và là tác giả của cuốn The Baby Food Bible cho biết: 'Tôi không thấy có vấn đề gì với thực phẩm trẻ em chế biến sẵn cả. Các công ty chế biến đồ ăn cho trẻ đã làm rất tốt để giữ thức ăn trẻ không bị nhiễm khuẩn và cũng không còn chứa đường, muối hay tinh bột biến tính bổ sung nữa (là những thứ không tốt cho bé).'

Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần đọc nhãn mác trước khi mua. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho biết các thực phẩm đóng hộp càng chứa ít thành phần thì càng tốt. Behan cho biết 'Thay vì mua món mì gà đóng hộp cho bữa tối, bố mẹ nên trộn lọ thịt gà đóng hộp với mì gia đình đang ăn cho bé. Như thế bố mẹ sẽ biết được rằng trẻ đang nhận dinh dưỡng chủ yếu từ thịt gà chứ không phải là từ mì'.

Cho trẻ ăn những thực phẩm hữu cơ

Bà Jodi Greebel ở New York, chuyên gia dinh dưỡng và là một người mẹ cho biết: 'Có rất nhiều sự nhầm lẫn khi nói đến các thực phẩm hữu cơ vì chưa có bằng chứng nào chứng tỏ các thực phẩm hữu cơ sẽ có nhiều dinh dưỡng hơn so với các thực phẩm thông thường. Và có những bằng chứng trái chiều nhau về việc liệu hàm lượng thuốc trừ sâu và hormon trong thực phẩm thông thường có đủ gây hại hay không'.

'Tuy nhiên cảm nhận chung là bất cứ những cái gì có hại đều sẽ có tác động lớn hơn đến trẻ nhỏ vì trẻ có kích thước nhỏ bé - những chất có hại trong cơ thể trẻ sẽ không bị loãng đi như trong cơ thể người lớn'.

Một số nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa việc tiếp xúc thuốc trừ sâu với bệnh ung thư cũng như các vấn đề phát triển ở trẻ như rối loạn hành vi dẫn đến mất tập trung hoặc chậm phát triển trí não. Tuy nhiên, những tác động tạm thời và lâu dài của việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu vẫn chưa được hiểu rõ ràng và các chuyên gia cũng chưa thống nhất về mức độ mà bố mẹ nên lo ngại về vấn đề này.

Với một số bố mẹ thì thấy đã có đủ lý do để cho trẻ ăn những thực phẩm hữu cơ, nhưng một số khác thì chưa. Để quyết định xem nên cho trẻ ăn như thế nào, toàn bộ, một phần hay hoàn toàn không có thực phẩm hữu cơ, bạn cần xem xét xem liệu cách nào hợp với văn hóa và tài chính của gia đình bạn.

Có một điều chúng ta nên biết, đó là khi nói tới thực phẩm hữu cơ, một số loại sẽ quan trọng hơn so với một số loại khác. Ví dụ, măng tây, khoai lang và quả bơ thì thường có hàm lượng thuốc trừ sâu tương đối thấp. Trong khi đó, táo, rau diếp và dâu tây là những loại thực phẩm có hàm lượng thuốc trừ sâu cao nhất. Tổ chức phi lợi nhuận Làm việc vì Môi trường (Environmental Working Group) đã xếp hạng 53 loại rau củ quả có hàm lượng thuốc trừ sâu từ cao nhất cho tới thấp nhất.

Bác sĩ Nhi khoa Greebel và Block đều khuyến khích bố mẹ nên mua sản phẩm sữa hữu cơ cho bé ngay khi bé đã sẵn sàng uống sữa (từ một tuổi trở lên) cũng như ăn các loại thịt và gia cầm hữu cơ khi có thể.

Ông Greebel nói: 'Sữa và thịt hữu cơ đến từ nguồn động vật không có dùng thuốc kháng sinh hoặc hormon tăng trưởng và không có bị nuôi dưỡng bằng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Sữa là mối quan tâm đặc biệt bởi vì trẻ uống rất nhiều sữa mỗi ngày'.

Cho dù bạn quyết định nuôi con như thế nào thì nên nhớ là nhìn chung thì dinh dưỡng tốt vẫn quan trọng hơn nhiều so với hữu cơ. Ông Greebel nói: 'Điều quan trọng nhất là cung cấp cho con bạn đa dạng các thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh.'

Hãy mở rộng khẩu vị cho bé

Trong khi sự nhất quán trong mọi thứ, từ thời gian ngủ cho tới kỷ luật, là một trong những điểm quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ thì một ít linh động về giờ ăn có thể là một điều tuyệt vời. Thay đổi thực đơn mỗi ngày sẽ mở rộng thêm khẩu vị của bé và giúp đảm bảo dinh dưỡng.

Điều này có nghĩa là chúng ta phải bỏ đi thói quen ăn hoài một vài món quen thuộc.

Suốt ngày khoai lang rồi lại khoai lang? Hãy thử với một ít củ cải hấp. Cho trẻ ăn đậu Hà Lan và cà rốt mỗi buổi tối? Hãy thay bằng bắp cải tí hon. Quá nhiều ngũ cốc từ yến mạch? Hãy thử hạt diêm mạch.

Karin Hosenfeld, một chuyên gia dinh dưỡng cho biết: 'Tôi cho con ăn diêm mạch nấu với súp rau củ. Đây là món dễ ăn bằng tay, giàu đạm và tốt cho tim'. (Phải chắc chắn rằng bé đã sẵn sàng cho những thức ăn ăn bằng tay trước khi bạn nấu món này cho bé). Thay vì cứ ăn thịt gà rồi lại thịt gà, bạn hãy thử cho bé ăn thịt vịt. Thịt vịt rẻ và dễ nấu, ăn cũng rất ngon.


Nguồn: Cổng Thông tin Thực phẩm Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên