Có một thực tế tồn tại khá lâu là ngành tòa án không có lực lượng chuyên trách bảo vệ các phiên tòa. Trong các phiên tòa hình sự, nếu không có gì đặc biệt, lực lượng cảnh sát áp giải bị cáo kiêm luôn lực lượng bảo vệ (trực thuộc ngành công an).
Đây là lý do mà các phiên tòa hình sự có bị cáo được tại ngoại và đặc biệt là trong các phiên tòa dân sự hầu như không có ai bảo vệ. Chính từ chỗ “không phải nhiệm vụ chính” mà tại phiên tòa xử Hồ Duy Trúc, lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp làm chưa tốt việc trấn áp những kẻ manh động. Họ nhẹ tay đã đành, nhưng còn thẩm phán, chánh án - những người có thẩm quyền xử phạt hành chính các đối tượng gây rối trật tự tại phiên tòa - vì sao không làm gì cả?
Không phải chỉ ở phiên tòa xử Hồ Duy Trúc, trước giờ có nhiều trường hợp quậy phá tại tòa, phần nhiều rơi vào các phiên tòa dân sự. Từ chỗ không có lực lượng chuyên trách nên việc khống chế đối tượng để vãn hồi trật tự tại nhiều phiên tòa là công việc của các nhân viên bảo vệ của tòa án. Trường hợp quá đáng thì tòa mới đề nghị công an phường hoặc cảnh sát 113 đến hỗ trợ, nhưng khi lực lượng này tới nơi thì thường mọi việc đã rồi. Trong khi đó các thẩm phán, chánh án hiếm khi ra quyết định xử phạt hành chính khiến các đối tượng đâm lờn.
Để chấn chỉnh, lãnh đạo TAND TP.HCM nhiều lần đề xuất nên có lực lượng cảnh sát tư pháp tham gia bảo vệ, giữ gìn trật tự tại tất cả phiên tòa, không phân biệt hình sự hay dân sự... Thế nhưng đề xuất này chưa được chuẩn y.
Hiện TAND tối cao đang dự thảo pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND. Chưa rõ khi nào pháp lệnh mới được ban hành nhưng chắc chắn từ đây có rất nhiều việc mà các cơ quan chức năng phải khẩn trương xem xét để giữ gìn được sự uy nghiêm buộc phải có của công đường.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận