Thẩm phân phúc mạc tại nhà. Ảnh: nhs.uk
Suy thận là một căn bệnh có xu hướng ngày càng tăng cao, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Bệnh được chia thành 5 giai đoạn. Ở giai đoạn thứ 5, bệnh nhân được chỉ định thay thế thận bằng các phương pháp khác nhau.
Trước tiên, cần hiểu về chức năng thận. Ngoài việc tạo nước tiểu và lọc bỏ chất thải, thận còn giúp cơ thể cân bằng nước và các chất điện giải, cân bằng axit - kiềm, điều hoà huyết áp, tạo yếu tố kích thích tạo hồng cầu…
Và suy thận mạn chính là tình trạng suy giảm từ từ và không hồi phục chức năng thận. Điều gì xảy ra khi suy thận?
Trước tiên, các chất thải sẽ bị tích tụ làm tăng ure và creatinin máu; giảm hoặc ngưng tạo nước tiểu; gây ứ đọng dịch trong cơ thể; thiếu máu và hàng loạt biến chứng nguy hiểm tính mạng…
Nếu điều trị nội khoa ở 4 giai đoạn đầu đã "hết cách", bệnh nhân được chỉ định sang các phương pháp điều trị thay thế thận. Các phương pháp thay thế thận điển hình như:
1. Ghép thận
Ghép thận là việc lấy một quả thận của người khỏe mạnh hoặc một quả thận còn tốt của người đã bị chết não để ghép cho bệnh nhân thận mạn.
Phương pháp này giúp bệnh nhân có được quả thận của chính mình. Chế độ ăn uống sau ghép gần như người bình thuờng và không cần đường vào mạch máu hay ổ bụng.
Tuy nhiên, vì nguồn thận rất hiếm và cần phải tương thích với bệnh nhân nên rất khó tìm người cho thận.
Chi phí ghép thận ở Việt Nam nằm trong khoảng 300 - 400 triệu đồng (ngoài BHYT) và được BHYT chi trả cho hầu hết các loại thuốc đối với bệnh nhân ghép thận. Sau mổ có thể gặp những biến chứng mà phải sử dụng thuốc thêm hoặc dị ứng thuốc này phải thay bằng thuốc khác… do đó, việc chuẩn bị mức tiền trên là dùng cả cho phương án dự trù này.
Không phải bệnh nhân nào cũng có đủ sức khỏe để trải qua một cuộc đại phẫu ghép thận. Nguy cơ thải ghép sau ghép thận là điều khó tránh khỏi.
2. Thận nhân tạo
Chạy thận nhân tạo có nghĩa là bệnh nhân cần đến sự trợ giúp của máy lọc thận sẽ làm việc thay thế thận. Máu được bơm từ cơ thể, qua màng lọc của máy lọc máu và quay trở về cơ thể. Bệnh nhân thận mạn sẽ phải chạy thận nhân tạo 3 lần mỗi tuần, thời gian mỗi lần chạy thận từ 4-6 giờ/ 3 lần/ tuần. Khi thận ngưng làm việc, việc lọc thận là suốt đời.
Như thế, có nghĩa là cuộc sống của bệnh nhân thận mạn gắn liền với bệnh viện: Phải đến bệnh viện 3 lần/tuần. Mỗi lần lọc máu phải chích 2 kim, gây ám ảnh cho không ít bệnh nhân. Ăn kiêng và giới hạn lượng dịch nhập nghiêm ngặt, đặc biệt trong ngày không chạy thận.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo có nguy cơ đối mặt với nhiều tai biến về tim mạch cũng như dễ nhiễm viêm gan siêu vi cao.
3. Lọc màng bụng
Nói theo cách đơn giản, lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) là phương pháp sử dụng màng bụng của người bệnh làm màng lọc thay thế cho thận suy, để lọc các chất chuyển hóa, nước, điện giải ra khỏi cơ thể người bệnh và giúp cân bằng nội môi.
Có 2 phương pháp lọc màng bụng là lọc màng bụng liên tục và lọc màng bụng tự động bằng máy.
Để thực hiện phương pháp này, người bệnh sẽ được phẫu thuật đặt ống thông (catheter) và được hướng dẫn tỉ mỉ cách tự lọc màng bụng.
Ưu điểm chính của phương pháp này là đơn giản, dễ thực hiện và áp dụng cho nhiều nơi. Trong khi bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải đến bệnh viện 15-16 lần mỗi tháng thì những người lọc màng bụng chỉ phải có mặt mỗi tháng một lần để kiểm tra và lấy dịch lọc. Điều này rất quan trọng với những người ở xa trung tâm y tế, xa nơi có điều kiện chạy thận nhân tạo.
Khi được chỉ định phương pháp này, bác sĩ và y tá sẽ chăm sóc và hướng dẫn bệnh nhân cách tự lọc màng bụng. Khi đã thuần thục các kỹ năng cần thiết, bệnh nhân có thể về nhà tự điều trị.
Với phương pháp lọc màng bụng, bệnh nhân không phải thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt như khi lọc máu bằng các phương pháp khác, ít xảy ra biến động huyết áp và không cần sử dụng kim tiêm. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối việc giữ gìn vệ sinh để tránh xảy ra nhiễm trùng./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận