28/09/2021 08:13 GMT+7

Các phương án cho học sinh trở lại trường

VĨNH HÀ - ĐOÀN CƯỜNG - CHÍ CÔNG
VĨNH HÀ - ĐOÀN CƯỜNG - CHÍ CÔNG

TTO - Nhiều tỉnh thành chưa thể cho học sinh trở lại trường đã tính toán các phương án khác nhau để học sinh đến trường an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phức tạp.

Các phương án cho học sinh trở lại trường - Ảnh 1.

Sáng 27-9, nhiều trường học ở Đắk Nông đã mở cửa đón học sinh trở lại - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Theo Bộ GD-ĐT, đến ngày 27-9 cả nước có 24 tỉnh, TP tổ chức dạy học trực tiếp; 15 tỉnh thành kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình và 24 tỉnh thành vẫn tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Ưu tiên học sinh "vùng xanh"

Sở GD-ĐT Hà Nội đang có nhiều kịch bản khác nhau trong việc để học sinh trở lại trường. Theo lãnh đạo Hà Nội, nếu tình hình dịch kiểm soát tốt thì khoảng đầu tháng 11-2021, 100% học sinh các cấp sẽ quay lại trường. Tuy nhiên, trong các kịch bản đang được dự thảo đã đặt ra các phương án khác nhau về việc đưa dần học sinh trở lại trường sớm hơn mốc thời gian trên.

Trong các kịch bản do Sở GD-ĐT Hà Nội dự thảo đã trình lên UBND TP Hà Nội có phương án cho phép học sinh các khối lớp 6, 9, lớp 10, 12 và học sinh các cấp ở "vùng xanh" được trở lại trường học sớm hơn. 

Số học sinh còn lại sẽ quay lại trường sau vài tuần nếu tình hình dịch yên ổn, công tác phòng dịch của các trường triển khai chặt chẽ, nề nếp. Một phương án khác là chỉ học sinh các cấp ở "vùng xanh" đi học trở lại. Học sinh thuộc 9 quận ở "vùng vàng", "vùng đỏ" vẫn học trực tuyến, học qua truyền hình.

Phương án 1 nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Có những ý kiến ủng hộ vì cho rằng học sinh đầu cấp cần làm quen với nề nếp, học sinh cuối cấp phải tăng tốc ôn luyện nên ưu tiên bố trí đi học sớm hơn cũng hợp lý. Nhưng những ý kiến ngược lại thì cho rằng đó là phương án "làm khó" cho nhà trường, giáo viên. 

Ông Nguyễn Xuân Khang - hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) - nhận xét: phương án để học sinh các lớp đầu và cuối cấp như lớp 6, 9, 10, 12 và học sinh ở "vùng xanh" được đến trường học trực tiếp có yếu tố tích cực. Nhưng sẽ có những trường gặp khó khăn trong công tác điều hành và triển khai hoạt động dạy học.

"Nếu một trường chỉ cho 1-2 khối lớp đến trường trước, số còn lại vẫn học trực tuyến thì sẽ rất phức tạp. Trường sẽ phải có hai thời khóa biểu, giáo viên phải đan xen vừa dạy trực tiếp vừa trực tuyến rất phức tạp" - ông Khang phân tích. 

Theo ông Khang, nên thực hiện phương án 2 là trước mắt cho học sinh "vùng xanh" trở lại trường. Nơi nào an toàn thì 100% học sinh đến trường học bình thường, không chia theo khối hay chia nhỏ lớp. Nơi nào chưa an toàn, trở lại trường chậm hơn.

Kịch bản "vùng xanh" đến trường trước được nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ở các huyện ngoại thành Hà Nội mong muốn. 

Theo bà Trần Thị Thanh Huế - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sóc Sơn, huyện có 85.000 học sinh hiện đang học trực tuyến. Dù cố gắng khắc phục nhưng theo bà Huế, hiệu quả học trực tuyến chỉ đạt 50-60% so với dạy học trực tiếp. Chưa kể việc dạy học trực tuyến kéo dài khiến mục tiêu rèn luyện ý thức, nề nếp cho học sinh bị ảnh hưởng.

Ông Trần Thế Cương - giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - cho rằng mặc dù đã có trên 96% giáo viên Hà Nội được tiêm vắc xin phòng chống COVID-19, nhưng 100% học sinh chưa có vắc xin tiêm. Vì thế chọn phương án nào cũng phải cân nhắc kỹ.

Các phương án cho học sinh trở lại trường - Ảnh 2.

Học sinh Cần Thơ học trực tuyến tại nhà - Ảnh: CHÍ CÔNG

Đón giáo viên, học sinh về học trực tiếp

Ngày 27-9, bà Lê Thị Bích Thuận - giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng - cho biết hiện việc dạy và học vẫn đang thực hiện theo hình thức trực tuyến. Sở đang tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa bàn để có phương án phù hợp cho việc dạy học trực tiếp khi dịch được kiểm soát.

Bà Thuận cũng cho biết thêm sẽ bắt đầu đón giáo viên, học sinh Đà Nẵng đang ở các địa phương khác về theo sự cho phép của UBND TP Đà Nẵng. Việc này nhằm đảm bảo số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục bắt đầu các hoạt động dạy học trực tiếp khi tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn được kiểm soát.

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch cho phép cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên và người hỗ trợ (đi cùng) không ở trong vùng dịch được trở về TP. Đợt 1 bắt đầu đón từ ngày 29-9 đến hết ngày 6-10, công dân trở về TP tự túc phương tiện đi lại đường bộ. Tổng số lượng là 17.002 người, trong đó học sinh, học viên: 7.915 người; giáo viên, nhân viên: 1.409 người; người hỗ trợ (đi cùng): 7.678 người.

Công dân trở về TP Đà Nẵng phải đảm bảo các điều kiện như: Có tên trong danh sách do Sở Giáo dục - đào tạo cung cấp; không ở tại các xã, phường, thị trấn đang thực hiện chỉ thị 15, chỉ thị 16 và các địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao theo quyết định 2686 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (địa phương có dịch).

Vùng chỉ thị 15 đến trường từ 4-10

Ông Dương Tấn Hiển, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiêm giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, cho biết sở dự kiến trình và đề xuất xin ý kiến Cần Thơ cho học sinh ở vùng thực hiện chỉ thị 15 học tập trung trở lại vào ngày 4-10. Cấp mầm non sở sẽ thận trọng hơn trước khi để các con đến trường. 

Đối với những phường, quận còn áp dụng chỉ thị 16, sở sẽ yêu cầu trường đánh giá tình hình dịch bệnh thật kỹ rồi có phương án dạy học phù hợp trực tuyến kết hợp trực tiếp, đảm bảo an toàn sức khỏe, kiến thức cho các em.

Ngày 27-9, cô Lam Mỹ Linh - hiệu trưởng Trường THCS An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ - cho biết hiện quận Bình Thủy đã xuống chỉ thị 15 phòng dịch nhưng nhà trường vẫn áp dụng hình thức dạy học online cho các em học sinh từ ngày 6-9 đến nay. Nhà trường cũng đang chờ chỉ đạo chung để có hướng dạy học phù hợp.

Cô Linh cho rằng hiện một số giáo viên của trường có nhà ở tại vùng còn áp dụng chỉ thị 16 của Cần Thơ thì chưa thể đến trường lúc này. "Trường cũng chuẩn bị nhiều phương án học trực tiếp và học online. Khi dịch bệnh ổn định, các em trở lại trường học tập trung, thầy cô sẽ chia lớp, chia khối ra dạy cho các em học xen kẽ, đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19" - cô Linh chia sẻ.

Hà Nam: dịch bùng phát sau 3 tuần học trực tiếp

Theo thông tin từ UBND tỉnh Hà Nam, hiện học sinh các cấp ở tỉnh vẫn tạm ngừng đến trường sau khi dịch bùng phát tại địa phương này, đặc biệt có 3 giáo viên và 38 học sinh mắc COVID-19.

Hà Nam là 1 trong 25 địa phương cho học sinh đi học trực tiếp ngay sau khi khai giảng năm học mới. Nhưng sau gần ba tuần, dịch bùng phát và xảy ra lây lan dịch cho học sinh, giáo viên trong trường học khiến Hà Nam phải cho học sinh dừng đến trường. Ngày 26-9, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở GD-ĐT hướng dẫn học sinh các cấp tiếp tục ngừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến từ ngày 27-9.

TP.HCM: huyện "vùng xanh" đang lên kế hoạch

Ngày 27-9, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, lãnh đạo huyện Cần Giờ cho biết đang xây dựng kế hoạch để trình UBND TP.HCM về việc cho học sinh đi học trở lại.

dongnai 28-9-21 4(read-only)

Học sinh Trường THCS Tam Hiệp (TP Biên Hòa, Đồng Nai) học bằng hình thức trực tuyến - Ảnh: B.A.

Đắk Nông: hàng trăm trường mở cửa đón học sinh trở lại

Sáng 27-9, hàng chục ngàn học sinh tỉnh Đắk Nông bắt đầu ngày đầu tiên đi học sau thời gian dài nghỉ học vì dịch COVID-19. Các trường ở TP Gia Nghĩa, các huyện Đắk Song, Krông Nô, Tuy Đức và Đắk Glong đã mở cửa đón học sinh trở lại. Đây là các địa phương vừa chuyển từ giãn cách theo chỉ thị 15 sang chỉ thị 19.

Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và đào tạo, các khối mầm non sẽ ưu tiên dạy trẻ 5-6 tuổi và chia các lớp thành hai nhóm học có giáo viên quản lý. Đối với cấp tiểu học, THCS và THPT sẽ tổ chức chia đôi lớp 50% học sáng và 50% học chiều.

Hiệu trưởng các trường THCS, THPT chia đôi lớp học để tiến hành dạy học trực tiếp. Có thể bố trí mỗi nhóm học 2 buổi học trực tiếp, 4 buổi học trực tuyến hoặc 3 buổi học trực tiếp, 3 buổi học trực tuyến hoặc phương án phù hợp riêng của trường. (ĐÌNH CƯƠNG)

Thanh Hóa: đến trường theo 3 cấp độ

Từ ngày 20-9, hơn 400.000 học sinh mầm non và phổ thông ở tỉnh Thanh Hóa trở lại trường học trực tiếp. Theo Sở GD-ĐT tỉnh, riêng học sinh tiểu học chỉ học 1 buổi/ngày, không tổ chức ăn bán trú tại trường để đảm bảo phòng dịch.

Trước đó, do nhiều địa phương ở Thanh Hóa thực hiện giãn cách theo nguyên tắc chỉ thị 15 và chỉ thị 16, Sở GD-ĐT đã lên phương án tổ chức dạy, học theo 3 cấp độ. Cấp độ 1 là địa bàn chưa thực hiện giãn cách xã hội, tất cả học sinh được đến trường bình thường.

Cấp độ 2 là khu vực trên địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc chỉ thị 15, các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học 2 ca/ngày (sáng và chiều), mỗi ca học bố trí chỉ 50% học sinh đến trường. Cấp độ 3 là khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc chỉ thị 16. (VĨNH HÀ)

Bắc Ninh: chia ca theo khối lớp

Từ ngày 24-9, Bắc Ninh cho 100% học sinh trở lại trường sau các tuần thí điểm ưu tiên một số lớp đầu cấp học trực tiếp trước. Tuy nhiên, phương án trở lại trường vẫn được đảm bảo giãn cách chia ca học theo khối lớp.

Cụ thể, ở cấp tiểu học, khối lớp 1, lớp 2, lớp 5 học sáng; lớp 3, lớp 4 học chiều. Ở cấp THCS, lớp 6, lớp 9 học sáng; lớp 7, lớp 8 học chiều. Ở cấp THPT, giáo dục thường xuyên, lớp 10, lớp 12 học sáng; lớp 11 học chiều.

Ngày 15-9, Bắc Ninh thí điểm cho một số lớp gồm lớp 1, 2, 5 (tiểu học), lớp 6, 9 (THCS) và lớp 10, 12 (THPT) trở lại trường học trực tiếp. Các lớp này được chia 2 ca, 50% số học sinh/ca. Các lớp còn lại vẫn học trực tuyến, học qua truyền hình. (VĨNH HÀ)

Đồng Nai: rà soát trường học được trưng dụng làm khu cách ly

Ngày 27-9, bà Trương Thị Kim Huệ - giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai - cho biết từ nay đến ngày 15-10, học sinh 3 cấp vẫn tiếp tục học online. Sau ngày 15-10, tùy vào tình hình dịch bệnh sở sẽ có tham mưu họp với các địa phương và sẽ tham mưu UBND tỉnh sau.

Toàn tỉnh còn hơn 200 cơ sở giáo dục đang được trưng dụng làm các khu cách ly, bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng chống dịch. Theo bà Huệ, UBND tỉnh Đồng Nai đã có chỉ đạo các địa phương rà soát các cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Trường hợp địa phương không còn nhu cầu sử dụng thì bàn giao lại sớm cho các nhà trường, tuy nhiên đến nay các địa phương vẫn chưa trả lại.

Để sử dụng lại các cơ sở giáo dục này cho dạy học thì phải được sửa chữa cơ sở vật chất, khử khuẩn kỹ càng. (A LỘC)

Huế: giãn cách giờ ra chơi

Đến ngày 27-9, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 508/569 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cho học sinh đến trường đi học trở lại. 61 trường học còn lại vẫn cho học sinh học online hoặc qua truyền hình vì chưa đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Tân, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết các trường học đảm bảo tiêu chí an toàn trong phòng dịch sẽ được phun độc khử trùng, dọn dẹp vệ sinh kỹ lưỡng trước khi đón học sinh trở lại trường.

Sở chỉ đạo các trường trong tuần đầu tiên đón học sinh trở lại phải thận trọng, chia thành nhiều ca học để vừa đảm bảo giãn cách vừa đánh giá lại các tiêu chí an toàn phòng dịch trong nhà trường.

Đặc biệt, ở Thừa Thiên Huế các trường học được yêu cầu hạn chế cho học sinh các lớp học cùng một buổi học tiếp xúc với nhau trong giờ ra chơi, giờ nghỉ giải lao giữa giờ. Giáo viên có thể yêu cầu các lớp chỉ nghỉ ra chơi trong phạm vi phòng học chứ không ùa ra sân trường để đảm bảo giãn cách.

NHẬT LINH

Hà Nội có phương án chuẩn bị đón học sinh trở lại trường Hà Nội có phương án chuẩn bị đón học sinh trở lại trường

TTO - Để chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại trường học tập khi điều kiện cho phép, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội dự thảo 15 tiêu chí nhằm đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong trường học.

VĨNH HÀ - ĐOÀN CƯỜNG - CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên