Ba liên danh chạy đua gói thầu nhà ga sân bay Long Thành
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) đóng gói thầu số 5.10 xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, với ba nhóm nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Đây là gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với trị giá hơn 35.200 tỉ đồng.
Trước đó, gói thầu này đã phải gia hạn hồ sơ mời thầu quốc tế vì các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ dự thầu. Lần này, các nhóm nhà thầu tham gia gồm một nhóm đến từ Trung Quốc, một nhóm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và một nhóm đến từ nhà thầu trong nước.
Trong đó, nhóm nhà thầu trong nước là liên danh Hoa Lư do Coteccons đứng đầu, gồm các nhà thầu như Hòa Bình, Central, An Phong, Delta, Unicons, Thành An và Power Line Engineering (PLE - Thái Lan).
Ông Nguyễn Tiến Việt - phó tổng giám đốc ACV - cho biết đơn vị này sẽ hoàn thành việc chấm thầu, lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành trong tháng 7.
Sau đó, dự kiến nhà ga được khởi xây dựng trong tháng 8-2023.
Liên danh Hoa Lư cam kết về tiến độ và tài chính
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bolat Duisenov - chủ tịch hội đồng quản trị Coteccons - đánh giá dự án nhà ga sân bay Long Thành là một dự án khó nhưng rất quý giá cho các nhà thầu trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, ngành xây dựng đi xuống.
Theo ông Bolat Duisenov, các nhà thầu hàng đầu Việt đã ngồi lại, lập liên danh "đồng chí hướng" để cạnh tranh cùng các nhóm nhà thầu khác với hy vọng tạo nên phép màu, giúp các kỹ sư Việt tiếp bước ra thế giới.
Trả lời về cam kết tiến độ, chủ tịch Coteccons cho hay liên danh cam kết hoàn thành dự án trong 36 tháng, đồng thời cũng đảm bảo về tài chính với sự hỗ trợ từ các ngân hàng lớn trong nước.
Ngoài 7 nhà thầu nội, liên danh có sự tham gia của nhà thầu Thái Lan Power Line Engineering (PLE) chuyên thi công mảng cơ điện (MEP), và cũng vừa hoàn thành hạng mục này tại dự án sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan.
Nói về lý do có sự xuất hiện của nhà thầu Thái Lan trong liên danh, ông Bolat Duisenov cho hay đây không phải là việc "làm đẹp hồ sơ", mà phía liên danh đã tìm hiểu, đánh giá PLE là nhà thầu có năng lực, đã triển khai các dự án ở Thái Lan cũng như quốc tế.
Trong khi đó, ông Swake Srisuchart - chủ tịch ủy ban điều hành PLE - cho hay đối với một dự án "khủng", không một nhà thầu nào có thể xây dựng riêng lẻ.
Do đó, các doanh nghiệp phải chia dự án thành nhiều hạng mục thành phần, ai giỏi mảng nào sẽ xây dựng mảng đó, riêng nhà thầu này đã từng xây dựng các dự án tương tự nên có thể đảm bảo mảng cơ điện nếu được xây dựng nhà ga sân bay Long Thành.
Trong khi đó, ông Trần Quang Tuấn - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty CP xây dựng Central - cho hay liên danh đã có một năm để chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính và nguồn lực. Nếu được xây dựng nhà ga, dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 600 kỹ sư và hơn 8.500 công nhân giai đoạn cao điểm.
"Dự án này sẽ tạo một bước ngoặt cho các nhà thầu nội, giúp tận dụng các nguồn nhân lực trong nước, thay đổi cách nhìn đối với các nhà thầu Việt", ông Tuấn nói.
Tương tự, chủ tịch Xây dựng Hòa Bình, ông Lê Viết Hải cho hay việc được tham gia xây dựng những công trình quy mô như nhà ga sân bay Long Thành là cơ hội để giúp ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam cạnh tranh hơn, làm chủ công nghiệp xây dựng, biến ngành này trở thành công nghiệp mũi nhọn trong tương lai.
Các liên danh nhà thầu ngoại gồm những doanh nghiệp nào?
Ngoài Hoa Lư, gói thầu "khủng" này có sự tham gia của liên danh Vietur gồm 10 doanh nghiệp, do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng Ic Istas (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đầu, với sự tham gia của các nhà thầu Việt khác, nằm trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương sáng lập như Ricons, Newtecons, Sol E&C… và hàng loạt nhà thầu khác.
Trong khi đó, liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do Tập đoàn China Harbour Engineering (Trung Quốc) đứng đầu và gần 10 nhà thầu Việt khác tham gia như Thuận Việt, Xuân Mai, CDC, Samcons Việt Nam….
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận