10/04/2025 16:43 GMT+7

Các ông lớn FDI sắp lắp điện mặt trời ở nhà xưởng, sản lượng điện tái tạo sẽ tăng

Các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, các nhà máy trong Khu công nghiệp Đông Nam tiếp tục lắp đặt hệ thống trên mái nhà xưởng, sản lượng điện mặt trời ở TP.HCM sẽ tăng.

điện mặt trời - Ảnh 1.

Với các cơ chế thông thoáng, người dân và doanh nghiệp sẽ tăng lắp điện mặt trời trên mái nhà - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trong thời gian tới, người dân và doanh nghiệp sẽ tăng lắp đặt điện mặt trời mái nhà, giúp tăng dùng nguồn điện tái tạo trong hộ gia đình và trong sản xuất, song nguồn điện này không thể bán lên lưới.

Dư địa lớn để lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng

Tại tọa đàm Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp do báo Người Lao Động tổ chức ngày 10-4, ông Phạm Thanh Trực - phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) - cho biết nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã lắp đặt điện mặt trời trên nhà xưởng.

Mới đây, nghị định 58 (ban hành tháng 3-2025) quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới cũng không cấm việc cho thuê mái nhà để lắp đặt điện mặt trời. Do đó ông Trực cho hay dư địa để lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng rất lớn, song phải tuân thủ các quy định mới.

Ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) - cho biết kể từ khi nghị định 58 được ban hành, số lượng khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đã lên gần 500, chủ yếu là các khách hàng lớn với tổng công suất khoảng 46MWp.

Theo ông Kiên, sắp tới các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, các nhà máy trong Khu công nghiệp Đông Nam và các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp tiếp tục lắp đặt hệ thống trên mái nhà xưởng, dự báo sản lượng điện mặt trời sẽ tăng đáng kể.

Ông Đinh Hồng Kỳ - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - nhận định việc tăng giá điện tạo áp lực ngày càng lớn lên doanh nghiệp, nên việc sử dụng năng lượng sạch như một giải pháp bổ sung, thay thế nguồn điện từ EVN là vô cùng quan trọng. Do đó, ông Kỳ cho rằng nghị định 58 là một "cứu cánh" cho doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời mái nhà.

Tuy vậy, ông Kỳ kiến nghị cần điều chỉnh các quy định, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng sạch. Với quy định chỉ được bán lại tối đa 20% lượng điện dư thừa cho EVN, ông Kỳ đặt vấn đề có thể điều chỉnh, nâng tỉ lệ này lên trong tương lai.

Cần 640 tỉ đồng để lắp đặt điện mặt trời trên mái công sở

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho hay TP HCM hiện có nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép sử dụng các trụ sở công như bệnh viện, trường học… để lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Theo bà Ngọc, Sở Công Thương TP.HCM đang phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan để triển khai đề án này. Dự kiến khoảng 50% trụ sở công sẽ tham gia, với tổng cộng 430 tòa nhà và tổng kinh phí hơn 640 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - trưởng ban kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - cho hay có những thời điểm EVN phải huy động cả những nguồn điện rất đắt đỏ như điện từ dầu, với chi phí lên đến 4.000-5.000 đồng/kWh.

Vì vậy khi phát triển điện mặt trời mái nhà, người dân và doanh nghiệp có thể tự cung cấp một phần điện cho chính mình. Điều này giúp ngành điện giảm áp lực huy động các nguồn điện có giá thành cao, mang lại lợi ích cho toàn hệ thống và góp phần giảm áp lực lên giá điện.

Đối với doanh nghiệp, ông Dũng cho hay phát triển điện mặt trời mái nhà theo mô hình tự sản tự tiêu sẽ giúp doanh nghiệp lập tức giảm chi phí mua điện. Đặc biệt vào giờ cao điểm, khi hệ thống điện chịu nhiều áp lực thì hệ thống điện mặt trời mái nhà lại phát ở mức tối ưu, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí điện trong dài hạn.

Vì sao khống chế sản lượng điện dư bán lên lưới?

Với quy định cho phép bán lại 10–20% điện dư thừa cho EVN, ông Dũng cho hay dù doanh nghiệp và người dân đã cân nhắc kỹ công suất tối ưu khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, vẫn có khả năng xảy ra tình trạng dư thừa sản lượng điện trong một số thời điểm. Nhằm giải quyết tình trạng này, Nhà nước đã ban hành chính sách rõ ràng trong nghị định 58, cho phép bên lắp được bán lại phần điện dư, khoảng 10-20% tổng công suất cho ngành điện với mức giá phù hợp.

"Quy định này mang tính chất bù đắp một phần chi phí đầu tư, đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí chung cho xã hội", ông Dũng nói.

Các ông lớn FDI sắp lắp điện mặt trời ở nhà xưởng, sản lượng điện tái tạo sẽ tăng - Ảnh 2.EVN đề xuất khung giá phát điện, nhà đầu tư điện tái tạo lo ngại rủi ro

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đề xuất khung giá phát điện mới, gây lo ngại cho nhà đầu tư về hiệu quả triển khai các dự án trong thời gian tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên