Một gia đình đến đặt hoa tưởng niệm ở nhà dưỡng lão Herron, ngoại ô thành phố Dorval, tỉnh Quebec, Canada ngày 12-4 - Ảnh: REUTERS
Những yếu tố quyết định con số thống kê để công bố bao gồm: địa điểm thu thập số liệu, cách xác định nguyên nhân tử vong, thời hạn tính từ lúc có dữ liệu đến lúc thống kê là bao lâu.
Theo báo Sud-Ouest, nói chung đó là một "thách thức lớn về thống kê", như đánh giá của Viện nghiên cứu dân số học của Pháp (INED). Bởi mỗi quốc gia có cách tính toán khác nhau, thậm chí mỗi bang trong một nước cũng có khác biệt.
Lấy số liệu từ bệnh viện và nhà dưỡng lão như thế nào?
Trong khi Tây Ban Nha và Hàn Quốc tính tất cả số ca tử vong do dương tính virus corona, cho dù người bệnh chết trong bệnh viện hay tại nhà, thì Iran chỉ tính số người chết trong bệnh viện mà thôi.
Pháp và Anh thì không tính số người chết trong các nhà dưỡng lão, nhưng trên thực tế con số "nằm ngoài sổ sách" này không phải nhỏ mà chiếm hơn 1/3 tổng số ca tử vong tại Pháp.
Còn tại Mỹ, cách tính lại tùy thuộc vào từng bang. Bang New York gộp luôn số ca tử vong trong nhà dưỡng lão, trong khi bang California thì không.
Tại Ý cũng không, thậm chí khi bản công bố chính thức khi số ca tử vong cao nhất thế giới (hơn 18.000 người) thì số người chết trong các viện dưỡng lão tại nước này cũng không được tính với lập luận nơi nào có ổ dịch lớn thì sẽ làm xét nghiệm và thống kê còn những ổ dịch nhỏ thì bỏ qua.
Chết là do COVID-19 hay do một bệnh khác?
Hàn Quốc, Ý, Tây Ban Nha và Anh thống kê số ca tử vong trên tất cả những người dương tính với virus corona và qua đời, kể cả những người chết do biến chứng từ bệnh nền có sẵn trong người, trong khi Iran loại bỏ những ca dương tính qua đời do "một căn bệnh nặng khác về hô hấp".
Tại Mỹ, bang New York tính luôn số ca tử vong trong các nhà dưỡng lão, còn bang California thì không - Ảnh: AFP
Thiếu phương tiện xét nghiệm và thiếu thời gian?
Hai chuyên gia về dân số học người Pháp Gilles Pison và France Meslé làm việc tại INED cho biết rằng trong thời gian đại dịch, "việc cập nhật số liệu và xử lý thông tin cho dù là nhanh nhất cũng phải có độ lệch thời gian vài ngày và khó có thể nào phủ được toàn bộ các ca tử vong trên thực tế. Phải mất vài tuần hoặc vài tháng mới có thể thống kê chính xác tất cả những ca tử vong".
Tại Mỹ, ngay cả những ca tử vong chưa qua xét nghiệm thì trên giấy chứng tử cũng phải ghi là "liệu COVID-19 có phải là nguyên nhân "có thể" gây ra cái chết cho người đó hay không", nhưng thống kê những giấy chứng tử này phải tốn nhiều thời gian nên không thể cập nhật kịp thời trong thời gian thật được.
Tại Tây Ban Nha, công bố chính thức về COVID-19 luôn đưa ra con số thấp hơn rất nhiều so với ghi nhận của bên quản lý hộ tịch và trên tổng số người được chôn cất.
Do thiếu phương tiện xét nghiệm, Tây Ban Nha rất ít khi xét nghiệm sau tử vong, do đó nếu một người không được xét nghiệm mà qua đời thì sẽ không được tính vì không biết có phải là do COVID-19 hay không.
Cho nên những dữ liệu từ phía tư pháp luôn cho thấy con số cao hơn. Ví dụ như tại vùng miền trung Castilla- La Mancha vào tháng 3 vừa qua đã có 1.921 giấy chứng tử với nguyên nhân là "do nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19", trong khi số liệu được công bố chính thức tại vùng này thấp hơn gần 3 lần, tức chỉ có 708 người chết do bị COVID-19.
Hình ảnh được cho là một vụ chôn tập thể các ca tử vong vì COVID-19 trên đảo Hart (New York) ngày 9-4 nhằm giảm tải cho các nhà xác - Ảnh: REUTERS
Trung Quốc và Iran bị cáo buộc nói dối
Ngoài việc số liệu thống kê có bị bỏ sót do kỹ thuật thu thập và xử lý thông tin, tính minh bạch của các công bố đó đôi khi cũng được đặt dấu hỏi.
Tại Iran vào đầu mùa dịch, nhiều chính quyền cấp địa phương và nghị sĩ quốc hội đã nghi ngờ công bố chính thức từ chính phủ.
Ngay cả Hãng thông tấn chính thức IRNA cũng đôi khi đưa ra những con số cao hơn con số mà chính phủ nước này công bố, sau đó chính phủ đã phải cải chính. Mỹ từng phê phán Tehran che giấu sự thật.
Về phía Trung Quốc, một báo cáo mật của cơ quan tình báo Mỹ được Hãng tin Bloomberg trích dẫn đã cáo buộc Trung Quốc cố ý giảm thiểu số ca tử vong trong các công bố chính thức.
Từng có hình ảnh đăng tải trên báo tại Trung Quốc cho rằng sau khi tỉnh Hồ Bắc mở phong tỏa thì người dân phải xếp hàng dài để nhận hủ cốt người thân. Sau đó, đại diện ngoại giao của Trung Quốc từng phải lên tiếng để giải thích về hình ảnh đó.
Số liệu của Trung Quốc cũng bị giới chức Iran nghi ngờ, nhưng người phát ngôn của Bộ Y tế nước này đã "sửa sai" sau khi đánh giá báo cáo của Trung Quốc là "trò đùa không nghiêm túc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận